Trong bảng xếp hạng những người giàu nhất Trung Quốc (Hurun China Rich List 2019) do Viện nghiên cứu Hurun vừa công bố, nhà sáng lập Huawei, Ren Zhengfei, xếp hạng 162 với khối tài sản 3 tỷ USD. Dù Huawei trải qua một năm khó khăn với lệnh cấm vận từ Mỹ và sự tẩy chay của các quốc gia như Nhật Bản, New Zealand, doanh thu của Huawei vẫn tăng 24% giúp thứ hạng của ông Ren trong danh sách Hurun China Rich List 2019 tăng 36 bậc.
Là nhà sáng lập của Huawei nhưng ông Ren Zhengfei chỉ sở hữu chỉ 1,14% cổ phần số còn lại đều nằm hết trong tay của hàng chục nghìn nhân viên đang làm việc tại tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới này. Đó cũng chính là cách Ren chia sẻ cả trách nhiệm và quyền lợi với từng nhân viên công ty.
Sở hữu lượng cổ phần khiêm tốn nhưng ông Ren vẫn giữ quyền lực tuyệt đối tại Huawei. Ông nắm quyền phủ quyết và quyết định những việc quan trọng của tập đoàn. Ngoài ra các bài phát biểu của ông cũng trở thành phương hướng được lưu hành cho tất cả nhân viên.
Là một trong những công ty lớn nhất Trung Quốc với hơn 180.000 nhân viên tại hơn 170 quốc gia và có doanh thu hằng năm hơn 100 tỷ USD nhưng Huawei vẫn mang yếu tố của một công ty gia đình. Những người nắm giữ vị trí lãnh đạo trong tập đoàn này đều có liên hệ với ông Ren, chủ yếu là anh em và những người con của ông. Tuy nhiên hầu hết những người này đều có cuộc sống kín đáo và không xuất hiện trước truyền thông.
Đầu tiên phải kể đến Meng Wanzhou, con gái cả của ông Ren và cũng là người nắm giữ vị trí giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei. Bà Meng chỉ được biết đến sau vụ bắt giữ tại Canada vào tháng 12 năm ngoái về các cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ. Hiện bà đang bị ‘giam lỏng’ tại Canada và đối mặt với lệnh dẫn độ từ Mỹ. Trước đó dù là một trong những lãnh đạo cao cấp nhất Tập đoàn Huawei nhưng bà sống kín tiếng, hầu hết nhân viên công ty không biết đến mối liên hệ giữa bà và nhà sáng lập.
Người tiếp theo là Ren Shulu, 63 tuổi, em trai của ông Ren Zhengfei, người đã gia nhập Huawei năm 1992 và hiện là giám sát viên của hội đồng quản trị. Steven được xem là phiên bản trẻ hơn của nhà sáng lập Huawei với tính cách nghiêm khắc và luôn thể hiện quan điểm cứng rắn. Với chức danh Giám đốc hậu cần tại Huawei, nhiệm vụ của ông Shulu được mô tả đơn giản trên hồ sơ lãnh đạo công ty bao gồm giám sát xây dựng nhà ở và khách sạn. Ông chính là người giám sát xây dựng trụ sở của Huawei tại Thâm Quyến rộng hàng chục hecta, là nơi làm việc của 25.000 nhân viên.
Lãnh đạo bí ẩn nhất của Huawei là con trai duy nhất của ông Ren, Ren Ping, 44 tuổi, người nắm vị trí lãnh đạo quan trọng nhất trong các công ty con của Huawei. Ren Ping, hiện điều hành công ty Smartcom Business Thâm Quyến, một công ty con của Huawei sở hữu hàng chục khách sạn và căn hộ dịch vụ tại Trung Quốc, Thái Lan, Ảrập Xê út và Nam Phi.
Ren Ping cũng là Chủ tịch của Shanghai Mossel Trade, một công ty con bán thực phẩm cao cấp của Huawei được thành lập vào năm 2010. Công ty này chỉ phục vụ khách hàng quen thuộc, bán hàng thông qua một nền tảng thương mại điện tử và các cửa hàng truyền thống tại các cơ sở của Huawei.
Con trai độc nhất của nhà sáng lập Huawei cũng sở hữu một công ty giải trí du lịch HWTrip. Tuy nhiên công ty này đã thông báo ngừng hoạt động vào tháng 8 năm nay do các tác động của chiến dịch cấm vận từ chính phủ Mỹ.
Ngoài ra ông Ren còn có một cô con gái thứ 3 là Annabel Yao, 21 tuổi và đang là sinh viên khoa Khoa học Máy tính của Đại học Harvard. Khác với các anh chị mình, Annabel sống cởi mở hơn, thường xuyên chia sẻ hình ảnh và hoạt động thường ngày trên mạng xã hội. Annabel được truyền thông quốc tế chú ý khi cô là một trong 19 tiểu thư của các gia đình danh giá được mời tham dự vũ hội Le Bal des Débutantes của giới thượng lưu toàn cầu.
Ngoại trừ ông Ren Zhengfei, người thường xuyên trả lời phỏng vấn trong thời gian gần đây về tình hình Huawei, những lãnh đạo khác thuộc gia đình ông Ren đều không lên tiếng. Huawei cũng từ chối các cuộc đề nghị phỏng vấn ông Steven Ren hay Ren Ping.
Đánh giá về mô hình “gia đình trị” tại Huawei, Colin Hawes, phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, chuyên gia về quản trị doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng bộ máy lãnh đạo gia đình không có gì lạ tại các công ty tư nhân ở Trung Quốc.
Các nhân viên của Huawei cũng không có dấu hiệu phẫn nộ về vai trò lãnh đạo của các thành viên trong gia đình ông Ren. “Tôi không quan tâm đến những gì ông chủ và gia đình ông ấy làm, miễn là tôi nhận được tiền lương và cổ tức của mình”, một nhân viên lâu năm của Huawei chia sẻ.
Sơn Nam (Theo Reuters) – Ngoisao.net