Những sự kiện quân sự nổi bật năm 2019

Vùng Vịnh trở thành điểm nóng đối đầu Mỹ – Iran, trong khi bán đảo Triều Tiên cũng căng thẳng vì loạt vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng.

Iran bắn rơi máy bay không người lái Mỹ

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hôm 20/6 bắn rơi máy bay không người lái (UAV) RQ-4N Global Hawk của Mỹ với cáo buộc xâm phạm không phận Iran ở khu vực tỉnh Hormuzgan, miền nam nước này và tuyên bố đây là thông điệp rõ ràng gửi tới Mỹ.

Lầu Năm Góc sau đó xác nhận mất một máy bay do thám RQ-4N BAMS-D có giá hơn 200 triệu USD, khẳng định phi cơ bị bắn hạ khi đang hoạt động trên không phận quốc tế.

Vụ bắn rơi máy bay được Iran coi là thông điệp cảnh báo Mỹ
Đòn tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào lực lượng quân sự Mỹ. Video: Next Media.

Đây được coi là tổn thất nặng nề với Washington, đánh dấu lần đầu một biến thể của dòng Global Hawk bị bắn rơi trong 18 năm vận hành, làm suy giảm đáng kể năng lực trinh sát tại Trung Đông và khiến nhiều quốc gia ngờ vực về tính năng UAV Mỹ.

Sự cố đẩy quan hệ Mỹ – Iran lên một nấc thang căng thẳng mới, cận kề bên miệng hố chiến tranh. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh không kích Iran để đáp trả, nhưng rút lại quyết định vào phút chót nhằm tránh gây leo thang căng thẳng. Ông chủ Nhà Trắng sau đó gia tăng áp lực lên Iran bằng cách bổ sung lệnh trừng phạt kinh tế với lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và các quan chức cấp cao nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ nhận tên lửa phòng không S-400 Nga

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7 bắt đầu nhận bàn giao tổ hợp phòng không tầm xa S-400 theo hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD được ký với Nga trước đó hai năm. Moskva đã chuyển hai hệ thống S-400 hoàn chỉnh cho Ankara, một trong số đó triển khai ở căn cứ Murted và đã thử đối đầu với tiêm kích F-16, F-4 trong biên chế không quân Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 11.

Sự xuất hiện của tên lửa S-400 trong biên chế quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, có thể là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi. Mỹ lo ngại các cảm biến mạnh của S-400 khi tích hợp vào hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ có thể loại bỏ các ưu điểm tàng hình của tiêm kích F-35, giúp Nga thu thập được những dữ liệu tình báo quý giá.

Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ những lo ngại này và quyết tiếp nhận S-400 bất chấp đe dọa từ Mỹ, khiến quan hệ giữa Ankara và Washington trở nên căng thẳng. Mỹ đã gạt Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình siêu tiêm kích F-35, từ chối bàn giao 105 chiếc F-35A nước này đặt mua và loại các tập đoàn quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dây chuyền sản xuất tiêm kích tàng hình thế hệ 5. Washington cũng để ngỏ khả năng trừng phạt Ankara theo điều khoản trong Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ Thông qua Lệnh Cấm vận (CAATSA).

Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả cứng rắn, tuyên bố sẵn sàng đóng cửa hai căn cứ không quân chiến lược của Mỹ trên lãnh thổ và tỏ ý sẵn sàng mua thêm tên lửa S-400 để tăng cường năng lực phòng thủ.

Triều Tiên liên tiếp thử vũ khí

Triều Tiên năm nay thử vũ khí tổng cộng 13 lần, khai hỏa nhiều khí tài mới phát triển như tên lửa đạn đạo tầm ngắn có vẻ ngoài giống mẫu Iskander Nga, pháo phản lực siêu lớn, một hệ thống tên lửa chiến thuật tương tự dòng tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) của Mỹ và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong-3.

Các cuộc thử vũ khí liên tiếp này giúp Triều Tiên hoàn thiện những loại khí tài có khả năng xuyên phá lưới phòng thủ đối phương, nâng cao đáng kể năng lực tấn công tầm ngắn. Tuy nhiên, chúng cũng làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo, đồng thời thể hiện sự mất kiên nhẫn của Bình Nhưỡng trong bối cảnh đàm phán phi hạt nhân với Mỹ lâm vào bế tắc.

Tên lửa Pukguksong-3 được Triều Tiên phóng hôm 2/10. Ảnh: KCNA.
Tên lửa Pukguksong-3 được Triều Tiên phóng hôm 2/10. Ảnh: KCNA.

Bình Nhưỡng cũng tiến hành hai thử nghiệm quan trọng tại bãi phóng vệ tinh Sohae trong tháng 12, tuyên bố chúng sẽ giúp tăng cường khả năng răn đe hạt nhân và thay đổi vị thế chiến lược của Triều Tiên. Điều này cùng những tuyên bố cứng rắn về “món quà Giáng sinh” và hạn chót đàm phán với Mỹ vào cuối năm 2019 khiến giới chuyên gia lo ngại Triều Tiên có thể phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), thậm chí là thử vũ khí hạt nhân, trong thời gian tới.

Mỹ – Nga chấm dứt Hiệp ước INF

Mỹ và Nga hôm 2/8 tuyên bố Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã kết thúc, đồng thời đổ lỗi cho nhau về sự sụp đổ của thỏa thuận này.

INF được Mỹ và Liên Xô ký năm 1987, trong đó cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình và đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km. Mỹ cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận khi phát triển tên lửa Novator 9M729 với tầm bắn hơn 5.000 km. Moskva khẳng định tầm bắn của nó là 480 km và không vi phạm hiệp ước, đồng thời cho rằng Washington phá vỡ INF khi đặt các tổ hợp Aegis Ashore có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk tại châu Âu.

Mỹ thử tên lửa bị cấm trong hiệp ước INF
Mỹ thử tên lửa bị cấm trong hiệp ước INF hôm 13/12. Video: USAF.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi rút khỏi thỏa thuận, Mỹ đã hai lần thử tên lửa có tầm bắn hơn 500 km, trong khi Nga cũng tuyên bố sẵn sàng hoán cải nhiều loại tên lửa phóng từ máy bay và tàu ngầm cho bệ phóng mặt đất. Nhiều nước lo ngại điều này sẽ mở đầu cuộc chạy đua vũ trang mới, đặt châu Âu trong tầm ngắm của nhiều loại tên lửa hạt nhân.

Mỹ bất ngờ rút quân khỏi Syria

Nhà Trắng thông báo rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi miền bắc Syria hôm 7/10, trước khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự Mùa xuân Hòa bình tấn công dân quân người Kurd ở khu vực này.

Quyết định của Tổng thống Donald Trump hứng chịu chỉ trích từ nhiều phía, bao gồm Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là dân quân người Kurd và cả những quan chức ủng hộ ông. Phần lớn đều coi đây là hành động phản bội đồng minh quan trọng hàng đầu của Mỹ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS), hủy hoại nghiêm trọng uy tín và độ tin cậy của Mỹ, đồng thời tạo điều kiện cho IS trỗi dậy.

Trước phản ứng của dư luận, Trump sau đó thay đổi quyết định, tuyên bố vẫn duy trì 600-700 binh sĩ ở Syria, với mục tiêu chính là bảo vệ các mỏ dầu ở miền đông nước này và tiếp tục cuộc chiến ngăn IS trỗi dậy.

Tuy nhiên, quyết định rút quân của Trump cũng làm thay đổi đáng kể tình hình chiến trường ở Syria, mở đường cho việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận cùng nhau kiểm soát một khu vực rộng lớn ở miền bắc nước này, trong khi ảnh hưởng của Mỹ bị suy giảm đáng kể.

Tiêm kích Hàn Quốc bắn cảnh cáo oanh tạc cơ Nga

Hàn Quốc ngày 23/7 cáo buộc biên đội gồm hai oanh tạc cơ Tu-95 và một máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nước này trên biển Hoa Đông, trong đó chiếc A-50 bay vào không phận Hàn Quốc trên nhóm đảo Dokdo/Takeshima tranh chấp với Nhật.

Tiêm kích Hàn Quốc sau đó đã bắn 360 phát đạn cảnh cáo máy bay Nga, vốn đang tham gia một cuộc huấn luyện chung với oanh tạc cơ Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Nhật Bản cũng đã điều tiêm kích giám sát hoạt động của các oanh tạc cơ Nga và Trung Quốc.

Vụ nổ súng là cuộc đối đầu chưa từng có trên vùng biển Hoa Đông, khi có sự tham gia của máy bay quân sự từ 4 “ông lớn” trong khu vực gồm Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sự việc may mắn không dẫn đến sự cố đáng tiếc nào, khi máy bay các nước đều trở về căn cứ an toàn. Tuy nhiên, cuộc đối đầu giữa 4 “ông lớn” sau đó tiếp diễn trên mặt trận ngoại giao.

Tiêm kích F-15K Hàn Quốc bay qua nhóm đảo Dokdo/Takeshima. Ảnh: RoKAF.
Tiêm kích F-15K Hàn Quốc bay qua nhóm đảo Dokdo/Takeshima. Ảnh: RoKAF.

Giới chuyên gia nhận định Hàn Quốc phản ứng cứng rắn trong vụ chạm mặt nhằm thể hiện tuyên bố chủ quyền tại nhóm đảo Dokdo/Takeshima trước các động thái dường như có chủ đích của Nga và Trung Quốc.

Sự việc diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang đẩy mạnh hoạt động quân sự ở Đông Bắc Á nhằm phô diễn khả năng triển khai sức mạnh xa đất liền. Moskva cũng tăng cường các chuyến bay tuần tra tầm xa ở Thái Bình Dương, gồm cả hiện diện ở khu vực gần không phận nước Mỹ những năm gần đây.

Trung Quốc biên chế tàu sân bay Sơn Đông

Trung Quốc tổ chức lễ biên chế tàu sân bay nội địa Sơn Đông tại căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam hôm 17/12. Truyền thông Trung Quốc ca ngợi việc biên chế tàu Sơn Đông là “cột mốc quan trọng” trong nỗ lực xây dựng sức mạnh hải quân, giúp Bắc Kinh thu hẹp khoảng cách với Washington.

Tàu sân bay Sơn Đông trước lễ biên chế hôm 17/12. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Tàu sân bay Sơn Đông trước lễ biên chế hôm 17/12. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Tàu Sơn Đông được khởi đóng năm 2015 dựa trên thiết kế của Liêu Ninh, tàu sân bay được Trung Quốc mua từ Ukraine năm 1998 rồi hoán cải và đưa vào hoạt động năm 2012. Trung Quốc ban đầu định biên chế Sơn Đông vào đầu năm 2019, nhưng một loạt sự cố trong quá trình thử nghiệm khiến tiến độ bàn giao tàu bị chậm 8 tháng.

Các chuyên gia quân sự chỉ ra rằng Sơn Đông vẫn còn tồn tại nhiều điểm yếu lớn về thiết kế và đặc tính kỹ chiến thuật, khiến nó không thể hoạt động dài ngày trên biển và bị giới hạn đáng kể trong tác chiến. Những hạn chế này khiến tàu sân bay Sơn Đông khó trở thành vũ khí sắc bén, nhưng sẽ là công cụ giúp Trung Quốc “khoe mẽ” và gây gia tăng nguy cơ chạm trán trên Biển Đông.

Vũ Anh (Theo Reuters, AFP) – Vnexpress