Ấn tượng đầu tiên về chị Ngô Lan Chi, người sáng lập, Tổng giám đốc Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Thế Giới Nghệ Thuật Cara Art, là niềm đam mê với âm nhạc, nghệ thuật. Chị không có dáng vẻ của một nhân viên ngành ngân hàng khi có thể dành hàng giờ kể về nhạc Việt, Kpop và nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc.
Chi cũng không ngại ngần khoe: “Tôi và các đồng nghiệp dành cả năm trời để giải mã sức hút của những nhóm nhạc Hàn Quốc. Chúng tôi cùng chung câu hỏi lớn: Vì sao Việt Nam nhiều người hát hay, nhảy giỏi mà không có một ban nhạc làm giới trẻ ‘điên đảo’ như idol Kpop”. Lan Chi tìm lời giải bằng một sự kiện được ấp ủ suốt 5 năm, cuộc thi nhảy Kpop Dance For Youth Hanoi 2019.
Từ câu chuyện của BTS
Ngô Lan Chi nhớ lại 5 năm trước, chị đang ổn định như bao người làm văn phòng khác, sáng đi tối về và có một chút tiền tích lũy. Các thành viên trong gia đình chị đều yêu nghệ thuật, có một vài người bạn là giám đốc sản xuất, ca sĩ, dancer nên thường xuyên tìm hiểu về hoạt động giải trí.
“Tôi và những người bạn nhận thấy không có nhiều sân chơi cho những người nghiệp dư, học sinh, sinh viên. Rất nhiều bạn trẻ có đam mê nghệ thuật nhưng không có điều kiện, thời gian tham dự các cuộc thi truyền hình, đấu trường cho dân chuyên nghiệp. Tôi hào hứng với ý tưởng làm một sân chơi đến mức bạn bè đùa : Hay bỏ ngân hàng về làm bà bầu?”, Lan Chi nhớ lại.
Ý tưởng trở thành “bà bầu” lớn dần trở khi Lan Chi tham khảo mô hình các cuộc thi dành cho dân nghiệp dư đam mê nghệ thuật và các công ty đào tạo ngôi sao lớn tại Hàn Quốc. Chị ấn tượng với câu chuyện của 7 chàng trai BTS từng là nhân viên giao hàng, phải mượn xe và trang phục, thậm chí nhờ nhân viên trong công ty đóng minh họa MV. Họ chật vật kiếm từng đồng bạc lẻ để nuôi giấc mơ ca hát. “Việt Nam cần có sân chơi cho dân nghiệp dư để tìm kiếm người đam mê thực sự như vậy. Tôi quyết định nghỉ việc, mở một công ty đào tạo và xây dựng sân chơi cho người trẻ đam mê nghệ thuật”.
Cara Art ra đời đầu năm 2018 bắt đầu từ một trung tâm giảng dạy nghệ thuật với các lớp: Thanh nhạc, nhảy hiện đại, nhạc cụ… “Những ngày đầu rất khó khăn, giảng viên chưa thực sự tin tưởng, học viên ít lại ở các lứa tuổi khác nhau nên khó xếp lớp và có nhiều những vấn đề về cơ sở , hệ thống và nhân sự mà chúng tôi cần hoàn thiện nhưng cứ mỗi khi nản chí nhất tôi lại nghĩ đến mục tiêu lâu dài, những kỳ vọng đã giúp tôi từ bỏ công việc ổn định để theo đuổi con đường này. Tôi cũng thấy có niềm an ủi”, Lan Chi kể. Nửa năm sau, khi công ty dần ổn định cũng là lúc “bà bầu” xây dựng sân chơi như dự định.
Đến sân chơi cho dân nghiệp dư
Khi ngồi lên kế hoạch cho sự kiện nghệ thuật của Cara Art, Lan Chi đã tham khảo hàng loạt cuộc thi của Việt Nam và nước ngoài. Có cuộc thi cá nhân và tập thể, có cuộc thi hát, tìm kiếm tài năng đa lĩnh vực nhưng chưa có nhiều cuộc thi cho nhóm nhảy. “Nếu có một sân chơi cho nhóm nhảy thì tuyệt vì nghệ thuật nhảy với các hoạt động phối hợp theo nhóm thông qua âm nhạc sẽ tìm ra những con người có đam mê, kỷ luật, có tinh thần làm việc nhóm”, Lan Chi chia sẻ về ý tưởng của mình và cuộc thi Kpop Dance For Youth ra đời.
Con đường đưa cuộc thi trên giấy thành hiện thực của chị ban đầu đầy khó khăn, nhất là phải tìm được đơn vị đồng hành, xác định đối tượng thí sinh hay phải làm sao đưa Kpop phù hợp với giới trẻ nhưng vẫn thuyết phục được phần lớn khán giả Việt theo dõi.
Lan Chi đi tìm những người bạn làm trong nghề đề xin tư vấn, xác định rõ sân chơi sẽ dành cho học sinh, sinh viên ở Hà Nội để làm mùa đầu tiên. Lâu nay, nhắc đến cuộc thi, mọi người tập trung mảng ca hát, múa cho dân bán chuyên nghiệp, ăn tập trong các trường nghệ thuật. Còn mảng nhảy chỉ xuất hiện ở một vài sự kiện lễ lớn, làm nền cho ca sĩ còn dancer chủ yếu ra nước ngoài thi đấu. “Tôi muốn như nhiều nước khác, nhảy được coi trọng. Chứng kiến một cuộc thi nhảy cho sinh viên Mỹ được nhiều người quan tâm, tôi ước ao sự kiện của mình có thể trở thành một làn sóng, một bộ môn phổ thông có đông đảo người tham dự và hơn cả là tìm ra những nhân tố tài năng, giúp họ phát triển lâu dài”.
Để biến khát khao đó thành hiện thực, chị và đồng nghiệp lăn lộn nửa năm cho Kpop Dance For Youth. Đêm thi đối đầu tại Đại học Kinh tế quốc dân, chị đến sớm, chọn bộ đồ đẹp nhất để ngồi ghế giám khảo, theo dõi từng đội, ghi chú từng thí sinh tiềm năng.
Tổng giám đốc Cara Art chia sẻ: “Các bạn học sinh, sinh viên hào hứng với nhạc Hàn, có tài năng mà lâu nay chưa có sân chơi. Thực sự chúng ta đang bỏ lỡ quá nhiều nhân tài. Tôi tin rằng, cuộc thi có thể làm thêm nhiều mùa. Hơn nữa, sau cuộc thi này sẽ tìm ra được những nhân tố mới và phát triển một nhóm nhạc để đào tạo theo mô hình như BTS hay ban nhạc đình đám của Hàn Quốc”.
Ước mơ về idol Vpop
Đầu tháng 12/2019, Lan Chi đếm từng ngày cho đêm chung kết Kpop Dance For Youth vì thành công của sự kiện sẽ giúp chị tin tưởng hơn vào con đường mình đã chọn. Chị cũng chờ đợi để sớm hoàn thành ước mơ phát triển nhóm nhạc.
Khi đã dấn thân vào đào tạo nghệ thuật, bà chủ Cara Art thấy có quá nhiều việc để làm. Từ tạo điều kiện cho những vũ công đã hết tuổi thi đấu, biểu diễn có cơ hội trở thành giảng viên chuyên nghiệp đến việc đào tạo ra những idol Vpop để âm nhạc, vũ đạo sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành một biểu tượng của nền công nghiệp giải trí trong khu vực. “Tôi cũng muốn người Việt mình không coi thanh nhạc, nhảy múa chỉ dành cho con nhà nòi, dân chuyên nghiệp nữa. Ai cũng có thể học, biểu diễn nghệ thuật chỉ cần có đam mê”, Lan Chi hào hứng kể về dự định của mình.
Nha Trang – Ngoisao.net