“Quan chức chính quyền Guinea Xích đạo sẽ phải thực hiện cơ chế kê khai tài sản như một phần trong các yêu cầu của chương trình cứu trợ”, Lisandro Abrego, quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phụ trách chương trình cho vay của Guinea Xích đạo, cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 27/12.
Abrego khẳng định cơ chế kê khai tài sản này sẽ được áp dụng đối với tất cả quan chức cấp cao của Guinea Xích đạo, kể cả Tổng thống Teodoro Obiang Nguema Mbasogo, người đã cầm quyền 40 năm qua và trở thành lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất thế giới.
Quốc gia châu Phi Guinea Xích đạo đang cần một gói cứu trợ của IMF để thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế khiến GDP nước này giảm 1/3 xuống còn 13 tỷ USD hồi năm 2018. Theo chương trình cho vay đã được thống nhất với IMF tuần trước, Guinea Xích đạo được yêu cầu phải tăng cường tính minh bạch, cải thiện khả năng quản trị và thực hiện cải cách chống tham nhũng, Abrego cho hay.
Nhờ nguồn lợi dầu mỏ, Guinea Xích đạo từng có GDP bình quân đầu người tương đương với Tây Ban Nha vào năm 2017. Tuy nhiên, sau khi giá dầu lao dốc năm 2014, quốc gia này chìm trong nợ nần.
IMF tuần trước “bật đèn xanh” cho Guinea Xích đạo vay 280 triệu USD, trong đó có 40 triệu USD đã được giải ngân. Khoản vay tương đương với số tiền Teodoro Nguema Obiang Mangue, con trai cả của Obiang đồng thời cũng là Phó tổng thống, chi tiêu trong giai đoạn 2000-2011.
Mangue đã mua nhiều bất động sản hạng sang ở 4 lục địa và nhiều tài sản khác, trong đó có các kỷ vật đắt tiền của huyền thoại nhạc pop Michael Jackson. Mangue bị một tòa án Pháp kết án 3 năm tù treo và nộp phạt 35 triệu USD vì chi hàng chục triệu USD công quỹ để mua một biệt thự, nhiều siêu xe và trang sức đắt tiền. Tuy nhiên, Phó tổng thống Guinea Xích đạo bác bỏ cáo buộc và cũng không đến dự phiên xử.
Hồi tháng 9, chính quyền Thụy Sỹ thu về 27 triệu USD trong một cuộc đấu giá các siêu xe của Teodoro, trong đó có chiếc Lamborghini Veneno bản giới hạn bán được 8,4 triệu USD.
IMF cũng sẽ yêu cầu Guinea Xích đạo gia nhập Sáng kiến Minh bạch Các nền công nghiệp Khai thác (EITI). Guinea Xích đạo từng nộp đơn gia nhập EITI hồi năm 2008 và đã thực hiện một số cải cách để đáp ứng yêu cầu của tổ chức. Chính quyền nước này đã tiếp tục nộp đơn gia nhập EITI hồi tháng trước.
Tổng thống Obiang lên cầm quyền từ tháng 8/1979. Guinea Xích đạo phát hiện ra trữ lượng dầu mỏ lớn trong thập niên 1990. Doanh thu từ các mỏ dầu ngoài khơi phần lớn được sử dụng để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn, trong khi các dự án xã hội không nhận được nhiều sự quan tâm.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, chưa đến một nửa trong tổng số 1,3 triệu dân Guinea Xích đạo được sử dụng nước sạch và 20% trẻ em chết trước 5 tuổi.
Quốc Hưng (Theo AlJazeera) – Vnexpress