Bảo tàng mua lại 10 kg tiền cổ

Bảo tàng Hà Tĩnh trích 6 triệu đồng mua 10 kg, trong tổng số hơn 100 kg tiền xu ông Nguyễn Văn Phù (86 tuổi) đào được khi làm móng nhà.

Ngày 28/12, ông Trần Phi Công, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết, ban đầu đơn vị định mua nhiều hơn, song giá không hợp lý nên chỉ chốt mua 10 kg, để dành tiền mua thêm những hiện vật khác về nghiên cứu.

Theo ông Công, bước đầu nhận định trong hơn 100 kg tiền xu của ông Phú có 25 loại tiền, chủ yếu thời Cảnh Hưng (1740-1786) và Tây Sơn (1778-1802), được chôn vào thế kỷ 19. “Đơn vị có 19 bộ sưu tập tiền, đã sản xuất một quyển sách tiền cổ Hà Tĩnh. Tiền vừa mua gần 1.000 xu, sẽ được nghiên cứu cụ thể về niên đại, đời vua để bổ sung vào sách”, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh nói.

Tiền xu dính bùn được ông Phù gom lại, đóng vào bì tải. Ảnh: Gia Hân
Tiền xu dính bùn được ông Phù gom lại, đóng vào bì tải. Ảnh: Gia Hân

Anh Nguyễn Thông (con trai ông Phù) thông tin, gia đình trên cơ sở vừa bán, vừa hiến tặng đồng xu cho bảo tàng, số tiền thu về cũng hài lòng. Trong số hơn 100 kg tiền cổ đựng trong ba hũ sành, bố anh đã bán rẻ và chia cho thợ rà kim loại một hũ sành đựng hơn 40 kg tiền với giá 5 triệu đồng.

“Sau khi bán cho bảo tàng thêm 10 kg, bố tôi còn khoảng 60 kg tiền cổ. Số đồng xu này nếu nhà sưu tập, hoặc cơ sở nào có nhu cầu muốn mua lại để nghiên cứu thì gia đình sẽ xem xét”, anh Thông cho hay.

Bảo tàng nhận định có 25 loại tiền, chủ yếu thuộc thời Cảnh Hưng và Tây Sơn. Ảnh: Gia Hân
Bảo tàng nhận định có 25 loại tiền, chủ yếu thuộc thời Cảnh Hưng và Tây Sơn. Ảnh: Gia Hân

Một tháng trước, ông Nguyễn Văn Phù thuê người đào móng làm nhà cho con ở thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh. Ban đầu, thợ máy xúc đào trúng một hũ sành khiến bị vỡ, tiền xu bung ra. Gia đình ông Phù gom lại, cân được 30 kg.

Ông Phù sau đó thuê máy dò kim loại tìm kiếm xung quanh, phát hiện thêm hai hũ sành nữa, đựng 36 kg và 46 kg tiền xu. Ba hũ sành được chôn ba góc, theo hình tam giác. Tiền xu làm bằng hợp kim, hình tròn, lỗ vuông, đường kính 2,4 cm, dày 0,1 cm, một mặt có chữ Hán.

Khu vực xã Đức Lĩnh ngày xưa là nơi đóng quân của Phan Đình Phùng thời khởi nghĩa Hương Khê, thuộc phong trào Cần Vương (1885-1896), nhà chức trách nhận định nhiều khả năng đây là tiền tích trữ của nghĩa quân sót lại.