Con gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: ‘Bố tôi ra đi thanh thản’

Trước lúc mất, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tác giả bài “Dư âm

Trong tang lễ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý – diễn ra sáng 27/12, chị Nguyễn Thái Linh, con gái thứ hai của ông, đại diện gia đình tiếp khách đến viếng. Thỉnh thoảng, chị nép bên linh cữu, nhìn bức di ảnh cha mái đầu bạc trắng.

Di ảnh nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ảnh: Mai Nhật.
Di ảnh nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ảnh: Mai Nhật.

Chị Linh kể chiều 26/12, người cháu kề cận ông thông báo ông đã mất. Khi ra đi, nhạc sĩ rất thanh thản. Cuối đời, ông bị chứng cao huyết áp, song không quá trầm trọng nhờ uống thuốc đều đặn. Ba ngày trước khi mất, ông chỉ uống được sữa. Phút trăng trối, ông nhắm mắt rồi nhẹ nhàng xuôi tay. Từ lâu, ông ngừng sáng tác để an hưởng tuổi già trong ngôi nhà nhỏ bên quận 1, không còn tâm nguyện nghệ thuật nào dang dở. Cách đây vài năm, ông chọn một chỗ cho mình ở nghĩa trang Hoa viên (Bình Dương) – nơi những đồng nghiệp, tên tuổi một thời đang yên nghỉ như nhạc sĩ Phạm Duy, giáo sư Trần Văn Khê, nhà văn Sơn Nam, Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Sang…

Chị Linh kể những năm qua, ngoài người cháu túc trực chăm sóc, chị thỉnh thoảng qua nhà thăm ông. Hàng tháng, chị giúp ông rút tiền tiết kiệm phòng có việc tiêu xài, dù ông chỉ quanh quẩn trong căn phòng gần 10 mét vuông. Trong ký ức của chị Linh, nhạc sĩ luôn cưng chiều con cái. Thuở chị còn bé, gia đình sống trong căn hộ chật chội của khu tập thể ở Phố Huế (Hà Nội). Nửa đêm, chị rất sợ đi vệ sinh vì phía sau nhà tối đen như mực. Mỗi lần như thế, chị khều lưng bố. Biết ý, nhạc sĩ lập tức thức dậy để đưa con đi. Lớn lên, lần đầu chị thấy ông khóc là khi chị trúng tuyển du học ở Nga năm 1972. Năm đó, chị gặp sự cố, phải hoãn đi học một năm. Những ngày ấy, ông chạy đôn chạy đáo lo giấy tờ vì sợ chuyện học hành của con có gì bất trắc. Sau này, những mẩu chuyện về con cái luôn được ông nhắc lại trìu mến trong hồi ký. 

Chị Nguyễn Thái Linh - con gái thứ hai của cố nhạc sĩ. Chị là nghệ sĩ piano, từng giảng dạy tại Nhạc viện TP HCM. Ảnh: Mai Nhật.
Chị Nguyễn Thái Linh – con gái thứ hai của cố nhạc sĩ. Chị là nghệ sĩ piano, từng giảng dạy tại Nhạc viện TP HCM. Ảnh: Mai Nhật.

Vợ con là nguồn cảm hứng giúp ông sáng tác ca khúc kinh điển Mẹ yêu con. Năm 1956, sau khi sinh con gái, vợ chồng ông phải về quê sống trong cảnh túng thiếu. Chứng kiến cảnh vợ con hết chịu khổ vì chạy giặc lại gặp lũ lụt, ông xót xa. Từ đó, ông viết nên nhạc phẩm về tấm lòng của người mẹ khi thấy con biết cười, biết nói đến lúc trưởng thành. Chị Linh kể, câu “miệng con chúm chím xinh xinh, như đài hoa đang hé trên cành” là ông miêu tả chị thuở bé, vì ngày ấy chị nổi tiếng dễ thương, tròn trĩnh. “Giờ đã 65 tuổi mà mỗi lần nghe bài hát ấy ở đâu, tôi đều chảy nước mắt”, người con nói.

Mẹ yêu con - Anh Thơ
Ca khúc “Mẹ yêu con” (sáng tác: Nguyễn Văn Tý, trình bày: Anh Thơ). Video: Youtube.

Ở nhà, chị Linh vẫn còn giữ nhiều tư liệu, hồi ký âm nhạc ông viết và sưu tập trong gần 70 năm làm nghề. Những câu chuyện sáng tác ca khúc đều được ông kể lại kỹ lưỡng. Chị dự tính có dịp tặng lại cho hậu bối như một cách tri ân khán giả hâm mộ ông bấy lâu. Sau khi tang lễ hoàn tất, gia đình tổ chức một đêm nhạc tưởng niệm ông.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu là một trong những đồng nghiệp viếng tang sớm nhất. Ông ôm vai con gái cố nhạc sĩ động viên, rồi đặt tay lên linh cữu, lặng người hồi lâu. Trần Hiếu thua nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đúng một giáp. Thuở ấy, nhạc sĩ là một trong những đàn anh dẫn dắt ông vào nghề hát. Mỗi lần đi xa để tìm kiếm chất liệu sáng tác, Nguyễn Văn Tý đều dẫn ông đi theo. Ông tâm đắc với sáng tác Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa – một ca khúc thuộc dòng nhạc cách mạng song vẫn đậm chất trữ tình. Hơn mấy chục năm làm bạn, điều Trần Hiếu quý nhất ở đàn anh là tính cách rõ ràng, thích phân biệt trắng – đen, phải – trái. Trong sổ tang, Trần Hiếu biên vài dòng chữ: “Anh vẫn còn mãi trong tim, trong lòng, trong hơi thở em những bài ca hát lên tự thuở nào. Em sẽ còn hát để mọi người mãi nhớ đến anh”.

NSNS Trần Hiếu đến viếng đàn anh. Ảnh: Mai Nhật.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu đến viếng đàn anh. Ảnh: Mai Nhật.

Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai – tác giả bài Huế, tình yêu của tôi – kể bà thần tượng Nguyễn Văn Tý từ thuở nhỏ, khi mới nghe ca khúc Dư âm. Cố nhạc sĩ là một trong những người thầy đầu tiên dẫn dắt bà đến với nghiệp sáng tác. Dù nổi tiếng với những ca khúc cách mạng – trữ tình, song theo nữ nhạc sĩ, tài hoa của Nguyễn Văn Tý bộc lộ rõ nhất ở những sáng tác như Em đi làm tín dụng, Người giỏi chăn nuôi… Đề tài khô cứng ra sao, ông vẫn luôn chuyển biến ca từ trở nên mượt mà, dễ vào lòng người. 

Nhiều khán giả ngưỡng mộ tài năng cố nhạc sĩ đến viếng ông lần cuối. Ngồi lặng lẽ ở bàn ghi sổ tang, ông Bùi Việt Cường (75 tuổi) nhận mình là một “fan” của Nguyễn Văn Tý. Ông say mê sáng tác của nhạc sĩ từ những bài đầu tiên như Dư âm, Tiễn anh lên đường… “Nhiều lần, tôi đến thăm ông tại nhà riêng, ông mừng như trẻ con vì có người trò chuyện. Ông rất phóng khoáng, hiền hậu, hơn tôi 20 tuổi nhưng một mực bắt tôi gọi là anh, không được gọi chú. Nghe tin ông mất, tôi lật đật sang thăm mà không kịp, đành viết vài dòng cuối cho ông trong cuốn sổ tang”, ông Cường nói.

Bài Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh
Nghệ sĩ Thu Hiền hát “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”. Video: Youtube.

Lễ viếng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bắt đầu từ sáng 27/12 tại Nhà tang lễ TP HCM. Lễ di quan dự kiến diễn ra sáng 29/12 và lễ an táng tại Nghĩa trang hoa viên Bình Dương.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm 1924 tại Nghệ An. Ông là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, thành lập nên Hội nhạc sĩ Việt Nam. Nguyễn Văn Tý nổi tiếng với những sáng tác như Dư âm, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre… Trong đó, Dư âm được xem là ca khúc nhạc tiền chiến duy nhất của ông.

Ông còn viết một số ca khúc thiếu nhi như Màu áo chú bộ đội, Tôi là gà trống, Gà mái mơ, Út cưng… Ông viết nhạc cho phim hoạt hình, múa rối và một số vở chèo: Đảo nổi, Sông Hồng (1967), Nguyễn Viết Xuân (1968). Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Mai Nhật – Vnexpress