Nghệ sĩ Trần Hạnh dự kỷ niệm Nhà hát kịch Hà Nội

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh đi xe ôm tới vui vầy cùng đồng nghiệp nhân dịp 60 năm thành lập Nhà hát kịch Hà Nội sáng 27/12.

“Tôi vui lắm. Ngồi trong rạp Công Nhân tôi lại nhớ những ngày cùng đồng nghiệp khóc, cười, hóa thân vào vai diễn trên sân khấu. Mới đó mà mấy chục năm trôi qua, bây giờ tôi già rồi, nhiều bạn bè đã về với cội nguồn”, nghệ sĩ Trần Hạnh chia sẻ.

Nhận được giấy mời của nhà hát từ nhiều ngày trước, sáng nay ông dậy sớm, mặc thật ấm rồi bắt xe ôm tới nhà hát gặp bạn bè. Trò chuyện với mọi người, các thế hệ con cháu tới chào hỏi, ông thấy khỏe ra. Nghệ sĩ đeo kính râm để “mọi người biết mình không nhìn thấy được”. Hiện mắt phải của ông hỏng hoàn toàn, mắt trái thị lực 3/10. 

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh. Ảnh: Hoàng Huế.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh. Ảnh: Hoàng Huế.

Ngồi ở góc phải hàng ghế đầu nhà hát, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh nhớ lại thời kỳ công tác tại đây. Những năm 1980, nhà hát đông khán giả, có ngày ông phải diễn ba suất. Ông từng đóng vua chúa, anh bộ đội, người nông dân… nhưng vai diễn đáng nhớ nhất là Nguyễn Trãi trong vở Lam Sơn tụ nghĩa. “Hồi đó tướng tá khôi ngô, thể hiện được phong thái hào hoa của người Hà Nội”, ông cười nói.

Khi được chương trình mời lên sân khấu nhận hoa chúc mừng vì nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân hồi tháng 8, ông phải nhờ người dìu vì chân run, lên xuống bậc thang không vững. Ông kể sức khỏe yếu hơn rất nhiều, dù cố gắng tự lo sinh hoạt hàng ngày nhưng nhiều việc ông phải nhờ đến sự giúp đỡ của con dâu. 

Nghệ sĩ Trần Hạnh được dìu lên sân khấu nhận hoa chúc mừng. Ảnh: Hoàng Huế.
Nghệ sĩ Trần Hạnh được dìu lên sân khấu nhận hoa chúc mừng. Ảnh: Hoàng Huế.

Nhiều thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát kịch Hà Nội vui mừng trong ngày kỷ niệm. Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Quân Tạo – Nguyên Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội – xúc động phát biểu: “Trong đầu tôi như có một cuốn phim quay chậm trở lại những ngày đầu thành lập nhà hát. Khi ấy, diễn viên phải kiêm nhiệm phục trang, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng và hậu đài. Các vở kịch như Lam Sơn tụ nghĩa, Đêm tháng bảy, Bức tranh mùa gặt, Tôi và chúng ta… được công chúng đón nhận nồng nhiệt”. Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng thấy may mắn vì được gắn bó với nhà hát 40 năm. Ông hy vọng thế hệ đàn em tiếp bước thế hệ đi trước làm rạng danh nhà hát. Nghệ sĩ Ưu tú Chu Hùng, Thanh Tú, Bích Thủy… vui vẻ bắt tay, trò chuyện với những đồng nghiệp lâu ngày không gặp.

Nghệ sĩ Nhân dân Trung Hiếu (giữa) đại diện Nhà hát kịch Hà Nội nhận Huân chương lao động hạng ba do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Ảnh: BTC.
Nghệ sĩ Nhân dân Trung Hiếu (giữa) đại diện Nhà hát kịch Hà Nội nhận Huân chương lao động hạng ba do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Ảnh: BTC.

Nhà hát kịch Hà Nội thành lập năm 1959, tiền thân là đoàn kịch nói trực thuộc Đoàn văn công Nhân dân Hà Nội. Nơi này sản sinh ra nhiều nghệ sĩ tên tuổi của nền nghệ thuật Việt Nam như: Trần Vân, Trần Hoạt, Trần Hạnh, Hồng Sơn, Kim Xuyến, Minh Vượng… Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, Nhà hát kịch Hà Nội nhận Huân chương Lao động hạng ba do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Nghệ sĩ Nhân dân Trung Hiếu – giám đốc – nhận bằng khen vì những đóng góp cho sự phát triển của nhà hát. 

Lễ kỷ niệm 60 năm nhà hát kịch Hà Nội
Các nghệ sĩ Nhà hát kịch Hà Nội nhảy múa trên nền ca khúc “Một đêm say” (tác giả Thịnh Suy) do ca sĩ Mỹ Dung thể hiện. Video: Hoàng Huế.

Hoàng Huế – Vnexpress