“Có những người thường xuyên mơ đến chuyện tông sập những tấm biển đó”, Tommi Rajala, 41 tuổi, giám đốc của Hội Bi quan Puolanka, bên đã dựng những tấm biển, nói.
Puolanka đã biến bi quan thành một thương hiệu. Họ tổ chức một lễ hội bi quan, một vở nhạc kịch và mở cả cửa hàng trên mạng bán áo phông theo phong cách trào phúng. Các video mô tả Puolanka bi quan đến tột cùng thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.
Thị trưởng Harri Peltola kể rằng khi ông nói với những người Phần Lan khác về quê hương của mình, mọi người đều nhắc đến sự bi quan. “Giờ đây, khi nghe từ bi quan, nhiều người nghĩ ngay đến Puolanka”, Rajala nói. Tại sao một thị trấn nhỏ ở vùng nông thôn xa xôi và vắng vẻ lại chấp nhận một thương hiệu không vui vẻ như vậy? Việc tự nhận là “trung tâm toàn cầu của sự bi quan” có ý nghĩa gì đối với Puolanka?
Thương hiệu u ám của Puolanka nổi lên trong bối cảnh thay đổi nhân khẩu học. Giống như nhiều quốc gia phát triển, tỷ lệ sinh của Phần Lan đang giảm và dân số già đi. Viện Thống kê Quốc gia Phần Lan dự đoán dân số sẽ bắt đầu giảm trước năm 2031, làm tăng lo ngại về tác động đối với các hệ thống phúc lợi xã hội và y tế.
Puolanka là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Rajala mô tả đây là “thị trấn hẻo lánh nhất ở tỉnh hẻo lánh nhất Phần Lan”. Thị trấn có khoảng 2.600 cư dân, 37% hơn 64 tuổi. Dân số đã giảm một nửa kể từ những năm 1980 và ngày càng nhiều người trẻ rời đi để đến các đô thị lớn.
Timo Aro, chuyên gia về nhân khẩu học ở Phần Lan, cho biết sự thay đổi dân số đang tạo ra người chiến thắng và kẻ thua cuộc. Puolanka là một trong những kẻ thua cuộc. “Nếu bạn nhìn vào những con số ở Puolanka, chúng khá nghiệt ngã, bất kể bạn cố diễn giải chúng theo cách tích cực như thế nào”, ông nói.
Rajala nhớ lại giai đoạn vào đầu những năm 2000, khi Puolanka luôn được báo chí nhắc đến với thông tin tiêu cực. “Phong trào bi quan” nổi lên như một cách phản ứng khi luôn bị nhắc tên là thị trấn có tình trạng nhân khẩu học tồi tệ nhất. Người dân Puolanka nghĩ: “Được thôi, chúng tôi tồi tệ nhất, nhưng chúng tôi sẽ là những người tồi tệ thú vị nhất ở Phần Lan”.
Vào một buổi chiều trong tuần, trung tâm Puolanka yên ắng. Một chiếc xe buýt đến 6 lần một tuần từ Oulu, thị trấn lớn hơn cách đó 130 km. Tại đây có một vài cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, trạm xăng, nhà hàng nơi người dân địa phương tụ tập trò chuyện và uống cà phê. Hầu hết cư dân làm việc trong ngành dịch vụ hoặc nông nghiệp.
Chủ tiệm sách Jaakko Paavola, 63 tuổi, đã tham gia “phong trào bi quan” ngay khi nó bắt đầu nổi lên giữa những năm 2000. Một “buổi tối bi quan” được tổ chức. Thay vì mua vé vào, người tham dự phải mua vé ra. “Người dân đến không chỉ để xem chương trình mà còn để gặp nhau”, Paavola kể. “Trong bầu không khí u ám, họ nói với hàng xóm: ‘May quá anh vẫn còn sống”.
Y tá Riitta Nykänen, 60 tuổi, nhớ lại khi những sự kiện đầu tiên được tổ chức, một người đàn ông nói rằng “chẳng có gì làm nên trò trống ở đây, cả bi quan cũng thế”. Tuy nhiên, họ đã phát triển ý tưởng là thành lập một nhóm bi quan chuyên tổ chức các sự kiện địa phương và thậm chí còn lưu diễn quanh Phần Lan. Trong những năm qua, Nykänen đã đảm nhận vai chính trong các video ca nhạc và là thành viên của một ban nhạc có tên “Nhóm đau thương”.
Sau gần một thập kỷ hoạt động, nhóm bi quan ban đầu đã giải tán năm 2016 vì thiếu thành viên tích cực hoạt động. Nhưng ngay sau đó, Rajala, người lớn lên ở Puolanka nhưng sống gần hai thập kỷ ở các thành phố lớn và hải ngoại, đã được chính quyền thị trấn thuê. Công việc của anh là phát triển dịch vụ trực tuyến, nhưng anh cũng được giao nhiệm vụ duy trì và phát triển thương hiệu bi quan để quảng bá thị trấn.
Trong video đầu tiên anh thực hiện, Rajala đưa người xem đi tham quan Puolanka với phong cách trào phúng. Nó nhận được 200.000 lượt xem trên mạng xã hội và video thứ hai đạt nửa triệu lượt xem. “Thông thường, quảng cáo là làm cho mọi thứ có vẻ tốt hơn so với thực tế”, Rajala nói. “Còn điều tuyệt vời về sự bi quan là tôi không phải nói dối”.
Rajala đã không còn làm việc cho chính quyền thị trấn, nhưng vẫn làm công việc bán thời gian là dẫn dắt Hội Bi quan, tổ chức phi lợi nhuận chủ yếu do các tình nguyện viên điều hành. Tổ chức này hoạt động nhờ doanh thu từ cửa hàng trực tuyến và các sự kiện. Họ cũng nhận được tài trợ từ chính quyền thị trấn và EU cho các dự án riêng lẻ như nhạc kịch. Và họ vẫn tiếp tục sản xuất video.
Một trong những chủ đề được khai thác là số lượng phụ nữ ở thị trấn tương đối ít. Nhìn chung, nhiều phụ nữ rời khỏi các thị trấn nhỏ hơn nam giới và ở Puolanka, nam giới chiếm khoảng 2/3 nhóm tuổi 20 – 29. Trong video, thanh niên Niko lùng sục thị trấn để tìm phụ nữ nhưng không thấy bóng dáng họ. Anh đăng ký ứng dụng hẹn hò Tinder nhưng chẳng thấy ai ngoài mẹ mình. “Đây không phải một truyện cười thâm thúy”, Rajala nói, “nhưng nó được khơi dậy từ ý tưởng rằng người phụ nữ duy nhất bạn gặp ở Puolanka là mẹ bạn”.
Rajala tin rằng còn nhiều tiềm năng để khai thác sự bi quan ở Puolanka. Mạng xã hội đã khuếch đại thương hiệu, cửa hàng trực tuyến nhận được lượng đơn đặt hàng ổn định cho những chiếc áo phông có khẩu hiệu như “ông già gắt gỏng” và “người khó tính”. Vở nhạc kịch vào mùa hè thu hút khán giả từ khắp đất nước. Du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm một không gian công cộng dành riêng cho sự bi quan khi họ đi qua trung tâm thị trấn trên đường đến Lapland.
Trong tương lai, Rajala muốn thấy những người bi quan được lên bìa tạp chí. Tuy nhiên, họ chưa vạch ra chiến lược cụ thể. “Chúng tôi mới chỉ làm những gì chúng tôi thấy vui”, anh nói.
“Nhiều nơi như Puolanka chờ đợi một sự thay đổi lớn”, Timo Aro nói. Một số người cho rằng xu hướng mới của thế giới sẽ là phong trào phản đô thị hóa – nhiều người trở về nông thôn để trốn tránh cuộc sống ồn ào thành thị – nhưng điều này chưa xảy ra.
Thị trưởng Harri Peltola thì giàu hy vọng hơn. Ông tin rằng môi trường thiên nhiên yên ả của Puolanka sẽ hấp dẫn một số người. Các khu rừng xung quanh tràn ngập các loại dâu và nấm, trong khi Hepoköngäs, một trong những thác nước cao nhất Phần Lan, nằm ngay gần thị trấn. Không khí trong lành và có nhiều tuyết.
Nhiều người không thường trú ở thị trấn nhưng họ có những ngôi nhà gỗ nhỏ để đến đây nghỉ vào mùa hè. Trong những ngày lễ, dân số thị trấn có thể tăng gần gấp đôi. Thách thức của thị trấn là làm cho mọi người nhận thức những gì họ nhận được khi ở đây. “Bạn phải có một thứ gì đó khiến mọi người thấy thú vị và tôi nghĩ rằng sự bi quan làm tốt việc đó”, ông nói.
Mặc dù còn muốn tiếp tục quảng bá thị trấn, Rajala không thể không nghĩ đến một viễn cảnh u ám khi thị trấn bị xóa sổ. “Nếu bạn sống ở đây và cứ mơ về việc Puolanka sẽ trở nên tốt hơn, sẽ có nhiều người đến đây như thế nào thì bạn đang chiến đấu với cối xay gió đấy”, Rajala nói, nhấn mạnh rằng những mơ mộng đó thường dẫn đến thất vọng.
Phương Vũ (Theo BBC) – Vnexpress