“Nhạc sĩ trẻ chưa nắm rõ tiếng Việt thì làm sao viết nhạc”

Danh ca Phương Dung nổi tiếng với hàng loạt tình khúc bất hủ như: Nỗi buồn gác trọ, Những đồi hoa sim, Tạ từ trong đêm, Sương lạnh chiều đông, Cánh buồm chuyển bến…

Danh ca Phương Dung thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về các sáng tác hiện nay và nỗi luyến tiếc vì không còn thấy những tình khúc “vượt thời gian” mới ra đời.

Tham gia chương trình Tình khúc vượt thời gian tháng 11 với chủ đề “Ngàn năm vẫn đợi” phát sóng tối 24.11, danh ca Phương Dung thể hiện ca khúc “Đôi ngả chia ly” của nhạc sĩ Khánh Băng. Phần biểu diễn của nữ danh ca là một trong những tiết mục được khán giả mong chờ nhất đêm nhạc.

Danh ca Phương Dung thể hiện ca khúc "Đôi ngả chia ly" trong Tình khúc vượt thời gian tháng 11
Danh ca Phương Dung thể hiện ca khúc “Đôi ngả chia ly” trong Tình khúc vượt thời gian tháng 11

Nhìn lại chặng đường phát triển của nhạc xưa và bolero, nữ danh ca không khỏi luyến tiếc vì không còn chứng kiến các tình khúc để đời ra đời.

Thực tế, các ca khúc bolero đang được nhiều người yêu thích đều do thế hệ nhạc sĩ xưa sáng tác từ lâu. Như nhiều người yêu nhạc khác, “nhạn trắng Gò Công” rất mong chờ thế hệ nhạc sĩ trẻ có thể tiếp bước đàn anh giúp dòng nhạc bolero ngày càng phát triển hơn nữa.

“Nhạc sĩ gần đây tôi thấy ấn tượng chính là Vũ Đức Sao Biển, Vũ Hoàng, Quốc Dũng, Đức Trí với những bài hát hay, được nhiều khán giả yêu thích như Phượng hồng, Đàn và dây… Tôi mong ước có nhiều nhân tài hơn nữa để âm nhạc Việt Nam có thêm ca khúc lưu truyền về sau” – danh ca Phương Dung chia sẻ.

Danh ca Phương Dung nổi tiếng với hàng loạt tình khúc bất hủ như: Nỗi buồn gác trọ, Những đồi hoa sim, Tạ từ trong đêm, Sương lạnh chiều đông, Cánh buồm chuyển bến…
Danh ca Phương Dung nổi tiếng với hàng loạt tình khúc bất hủ như: Nỗi buồn gác trọ, Những đồi hoa sim, Tạ từ trong đêm, Sương lạnh chiều đông, Cánh buồm chuyển bến…

Danh ca Phương Dung cũng lý giải việc có nhiều nhạc sĩ nhưng sáng tác của họ không thể sống theo thời gian. Theo bà: “Thứ nhất là vì bài hát của họ không có câu chuyện. Những bài hát cũ có thể đi vào lòng người đến tận mấy chục năm vì nó có câu chuyện phía sau được tác giả gửi vào, chỉ cần nghe lại là người ta liên tưởng đến ngay.

Thứ hai chính là trình độ viết của những nhạc sĩ trẻ hiện nay. Mấy nhạc sĩ trẻ dường như chưa nắm rõ tiếng Việt nên họ chỉ dùng văn nói chứ không phải văn thơ như người xưa. Tiếng Việt chưa nắm vững thì làm sao viết nhạc? Những khán giả có trình độ thưởng thức cao họ không thích các bài hát bây giờ là như vậy”.

Nữ danh ca cho biết thêm, hiện tại còn rất nhiều ca khúc bolero, nhạc xưa đang chờ đợi được cấp phép để phát hành rộng rãi. Bà hi vọng khán giả sẽ chào đón những ca khúc sau này như những tình khúc bất hủ suốt nhiều năm qua.

(Theo danviet.vn)

Để lại một bình luận