Chữa lành nỗi đau sóng thần sau 15 năm

Dery Setyawan tin rằng lướt sóng có thể giúp anh chữa lành những vết thương tâm lý sau thảm họa sóng thần ở Indonesia đúng 15 năm trước. 

“Lướt sóng là cách tốt nhất giúp điều trị chấn thương tâm lý cho tôi. Khi lướt sóng, mọi nỗi sợ hãi tan biến và tôi thấy nhẹ lòng hơn khi nghĩ về quá khứ”, Setyawan, người sống sót sau sóng thần, chia sẻ. Lướt sóng từng là thách thức đối với người đàn ông Indonesia 35 tuổi này bởi gia đình và bạn bè anh đều bị cuốn đi trong trận sóng thần năm 2004. 

Trận động đất mạnh 9,3 độ xảy ra ngoài khơi đảo Sumatra ngày 26/12 đã tạo ra cơn sóng thần cao gần 30 mét, tấn công nhiều quốc gia ở ven Ấn Độ Dương, trong đó có Indonesia, Thái Lan, Sri Lanka, Ấn Độ. Với tầm ảnh hưởng vươn tới khu vực Đông Phi, trận sóng thần có sức hủy diệt tương đương 23.000 quả bom nguyên tử từng thả xuống Hiroshima, Nhật Bản và được xem là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử.

Hơn 220.000 đã thiệt mạng trong thảm họa kinh hoàng 15 năm trước, trong đó 170.000 người ở Indonesia, nơi chịu thiệt hại nặng nhất. Tuy nhiên, số người chết thực tế có thể cao hơn do nhiều người còn mất tích hoặc chưa được xác định danh tính. Thành phố Banda Aceh thuộc tỉnh Aceh là nơi chứng kiến số thương vong lớn nhất ở Indonesia. Nhiều ngôi mộ với hàng chục thi thể được phát hiện ở khu vực này trong năm qua. 

Nhà thờ duy nhất còn sót lại ở thị trấn Lampuuk sau trận sóng thần ngày 26/12/2004. Ảnh: AFP.
Nhà thờ duy nhất còn sót lại ở thị trấn Lampuuk sau trận sóng thần ngày 26/12/2004. Ảnh: AFP.

Thị trấn Lampuuk, ở ngoại ô thành phố Banda Aceh, bị phá hủy hoàn toàn khi sóng thần tấn công. Với Setyawan và nhiều người ở Lampuuk, lướt sóng là cách giúp họ bắt đầu lại cuộc sống.

“Biển là một phần cuộc sống của chúng tôi. Đó là nơi chúng tôi sống, gặp gỡ mọi người và kiếm sống”, Setyawan nói.

Chỉ có 300 trong số 7.000 cư dân của Lampuuk sống sót sau sóng thần năm 2004. Mẹ, hai người bà, em trai và bạn bè của Setyawan đều chết trong thảm họa. Nhiều năm trôi qua, cư dân vẫn bị ám ảnh với biển. “Chúng tôi thường nhìn các con sóng để kiểm tra sự thay đổi của mực nước biển”, Setyawan chia sẻ dấu hiệu nhận biết sóng thần của cư dân Lampuuk. 

Nhưng một năm sau thảm họa, anh quyết định trở lại biển và đối mặt nỗi sợ hãi này.

“Lần đầu trở lại biển, tôi phải tự thuyết phục bản thân rằng những con sóng chính là những người bạn từng mất trong trận sóng thần”, Setyawan nói.

Là một vận động viên lướt sóng chuyên nghiệp, Setyawan từng tham gia nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế. Anh vừa tổ chức giải vô địch lướt sóng Aceh tháng trước.

Lampuuk được xây dựng lại với hệ thống cảnh báo sóng thần ở khắp nơi và thị trấn này hiện có 2.000 cư dân. Nhưng Setyawan mong muốn biến nơi đầy đau thương này trở thành vùng đất hy vọng. Anh đã thành lập câu lạc bộ lướt sóng địa phương và mở nhà hàng ven biển với niềm tin về tiềm năng du lịch của nơi đây. “Lướt sóng là một cách thu hút mọi người trở lại nơi đây”, anh nói. 

Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, Indonesia là một trong những quốc gia chịu nhiều thảm họa thiên nhiên nhất thế giới. Quốc đảo Đông Nam Á này trải qua ba thảm họa thiên nhiên trong vòng 6 tháng của năm 2018. Đầu tiên là trận sóng thần tấn công Palu trên đảo Sulawesi khiến 2.200 người thiệt mạng và hàng nghìn người mất tích. Sau đó, các trận động đất liên tiếp trên đảo Lombok đã cướp đi tính mạng của hàng trăm người. Cuối cùng là trận sóng thần đánh vào eo biển Java và đảo Sumatra vào tháng 12 năm ngoái, khiến hàng trăm người chết và hơn 14.000 người bị thương. 

Dery Setyawan cầm ván lướt sóng đứng giữa biển ở thị trấn Lampuuk, tỉnh Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP.
Dery Setyawan cầm ván lướt sóng đứng giữa biển ở thị trấn Lampuuk, tỉnh Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP.

Trở lại Aceh, chính quyền địa phương đã giúp hàng trăm người từng sống ở Kampung Baro, ngôi làng bị sóng thần tàn phá, chuyển tới nơi ở mới. Bất chấp rủi ro, nhiều người lựa chọn ở lại.

“Rời xa biển và chuyển tới nơi ở khác giống như có thêm vết thương, bởi cuộc sống của chúng tôi phụ thuộc vào biển”, Muhammad Saleh, ngư dân sống sót sau sóng thần, cho biết.

Sóng thần mang tới nhiều vết thương cho người dân Aceh nhưng cũng giúp họ chữa lành một vết thương cũ. Chưa đầy một năm sau thảm họa sóng thần, quân ly khai và chính phủ đã đồng ý ký thỏa thuận hòa bình, chấm dứt 30 năm xung đột đẫm máu ở Aceh. 

Hàng nghìn người thường tới bảo tàng tưởng niệm sóng thần ở thành phố Banda Aceh trong ngày 26/12. Đây cũng là ngày mang tới nhiều ký ức ám ảnh với Abdul Hadi Firsawan, người có bố mẹ và anh chị em mất tích sau sóng thần năm 2004. 

“Dù 15 năm đã qua, tôi vẫn cầu nguyện gặp lại cha mẹ tôi. Nếu không thể gặp họ ở thế giới này, tôi chắc chắn sẽ gặp họ trên thiên đường”, Firsawan nói. 

Thanh Tâm (Theo AFP) – Vnexpress