Vòng luẩn quẩn của ngành xuất bản Việt gây hại quyền tác giả

Nạn in lậu, mập mờ trong số lượng bản in, thiếu kiến thức về bản quyền ở lĩnh vực xuất bản… là tác nhân khiến tác giả Việt chịu thiệt thòi và chưa được tôn trọng.

Ngày 26/8 tại TP HCM diễn ra buổi tọa đàm “Quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản”. Buổi này có sự tham gia của các đơn vị làm sách tư nhân, các nhà sách ở TP HCM… Ông Vũ Ngọc Hoan – Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả và ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất Bản Việt Nam chủ trì tọa đàm.

Đây là dịp đại diện Cục Bản quyền tác giả phổ biến kiến thức pháp luật về bản quyền cho hội viên trong Hội xuất bản (văn phòng đại diện phía Nam). Nội dung phổ biến xoay quanh những quy định, hệ thống pháp luật về quyền tác giả, mối quan hệ giữa quyền tác giả với ngành xuất bản.

Ông Vũ Ngọc Hoan cho biết từ khi ký kết các hiệp định thương mại với Mỹ, Việt Nam cũng bị đưa vào danh sách theo dõi hàng năm về việc thực thi bản quyền tác giả trên các lĩnh vực. Trong đó, theo báo cáo số liệu của Mỹ, lĩnh vực xuất bản thuộc số ngành bị xâm phạm quyền tác giả nhiều nhất.

Từ trái qua: ông Lê Hoàng và ông Vũ Ngọc Hoan chủ trì buổi tọa đàm.
Cuốn “Bí mật tư duy triệu phú” bản thật (bên trái) được in với chất lượng in và giấy cao cấp hơn nhưng lại có giá bán thấp hơn sách in lậu (hai cuốn bên phải). 

Ngoài ra, sức mua sách của người Việt Nam bị đánh giá là thấp so với nhiều nước. Hàng năm, cả nước xuất bản hơn 30.000 đầu sách với hơn 300 triệu bản sách, trong đó, sách giáo khoa chiếm khoảng 80%. Chi tiêu cho việc mua sách tính bình quân đầu người là 2,5 – 3 USD mỗi năm. “Quá thấp so với các nước trên thế giới. Ở các nước phát triển như Đức, Pháp là khoảng 300 USD trên đầu người, Trung Quốc là 10 USD”, ông Hoan nói. Giá sách trong nước cũng bị cho là còn tùy tiện, dẫn đến tình trạng giá cả lung tung, cạnh tranh thiếu lành mạnh…

Dù Việt Nam có trang bị đủ hệ thống pháp lý về bảo hộ quyền tác giả, việc thực thi còn rất yếu, chưa đạt yêu cầu. Việc xử lý nạn in lậu hoành hành của cơ quan chức năng gần đây có mạnh tay nhưng chưa thấm tháp vào đâu so với thực tế. Số lượng Nhà xuất bản Việt Nam chưa nhiều, quy mô chưa lớn, chức năng nhà xuất bản còn bị lẫn lộn với đơn vị liên kết, nhà phát hành. Nhà xuất bản cũng bị các đơn vị đối tác thao túng dẫn đến các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực sách vẫn phổ biến.

Những điều này làm phương hại đến các đơn vị, và trong số đó, tác giả là người bị xâm hại quyền lợi nhiều nhất. Thực trạng tiêu cực và vòng luẩn quẩn của ngành xuất bản trong nước khiến quyền tác giả chưa được tôn trọng thực sự.

Một vấn đề khiến không ít tác giả bức xúc từ lâu là việc thanh toán tiền nhuận bút tác phẩm của họ bị xâm hại vì bối cảnh mập mờ của ngành xuất bản. Nhiều số liệu về lượng bản in được đơn vị làm sách nêu ra chỉ khoảng 1.000 – 2.000 bản. Trong khi thực tế, lượng sách in và được tiêu thụ trên thị trường lại vượt xa con số được công khai. Tác giả không chỉ hưởng nhuận bút khá thấp từ lần in đầu mà còn có thể bị mất cả phần nhuận bút sách tái bản.

Từ trái qua: ông Lê Hoàng và ông Vũ Ngọc Hoan chủ trì buổi tọa đàm.
Từ trái qua: ông Lê Hoàng và ông Vũ Ngọc Hoan chủ trì buổi tọa đàm.

Theo ông Vũ Ngọc Hoan, chỉ khi nào các đơn vị làm sách đều tính tiền nhuận bút cho tác giả trên số lượng sách tiêu thụ thực sự thì lúc đó quyền lợi của tác giả mới được đảm bảo. Tuy nhiên, điều này là điểm khó của ngành xuất bản, vì trong nước việc công bố các thông tin, số liệu phát hành sách còn dựa trên cảm tính, chưa minh bạch như nhiều quốc gia.

Với thực trạng ngành xuất bản trong nước bị thiếu thông tin trầm trọng về vấn đề tác quyền và bảo hộ quyền tác giả, ông Lê Hoàng cho biết Hiệp hội Xuất bản đề xuất ý tưởng xây dựng Trung tâm thông tin bản quyền trong thời gian sắp tới. Đây được kỳ vọng là cơ sở dữ liệu đầy đủ để tra cứu thông tin liên quan đến vấn đề bản quyền, tác quyền sách. Đồng thời, cơ quan này sẽ tiếp nhận đăng ký và công bố thông tin về quyền sở hữu của tác giả cùng chủ sở hữu sách, người thừa kế bản quyền. Các đơn vị mua tác quyền đều có thể công bố thông tin ở đây khi cần tìm sách phục vụ cho quá trình giao dịch.

Ông Đồng Phước Vinh – đại diện của Trung tâm sách Ybook, người ấp ủ đề án xây dựng trung tâm thông tin – chia sẻ: “Sắp tới, khi Việt Nam và ký TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) với Mỹ thì một thị trường lớn như Amazon vào Việt Nam ký ebook không phải là chuyện viển vông. Nếu chúng ta có một trung tâm sở hữu khoảng 300.000 tên sách thì vị thế khi đàm phán tác quyền với Amazon khác hẳn, đồng thời, còn đảm bảo được quyền lợi cho các tác giả và ngành xuất bản trong nước khi họ ủy quyền cho trung tâm vấn đề giao dịch tác quyền”.

Thất Sơn – Vnexpress