Lương Hoài Nam không phải là nhà báo, cũng không phải là nhà nghiên cứu giáo dục nhưng thích viết về những đau đáu của bản thân với sự phát triển xã hội. Những bài viết được đăng tải trên một số trang báo trong nước, hoặc trên trang cá nhân của tác giả. Cuốn sách Kẻ trăn trở mới phát hành tuyển chọn những bài viết hay của Lương Hoài Nam và các bài ông trả lời phỏng vấn của báo chí.
Tác giả tự nhận “so với nhu cầu của mình, cuộc sống của tôi không có gì để phàn nàn”. Ấy thế mà ông lại “phàn nàn” nhiều vấn đề xã hội tưởng như không phải của mình, không liên quan tới mình. Lý do được ông lý giải: “Tôi có nghề để làm, cho tôi điều kiện đi nhiều, thấy nhiều cả trong và ngoài nước; càng đi nhiều, thấy nhiều, tôi càng trăn trở về đủ thứ chuyện trên đời. Thêm vào đó, sự may mắn được sống trong thời đại internet đem đến cho tôi cơ man thông tin về những thứ mà tôi quan tâm. Nhưng internet cũng làm tôi trăn trở về nhiều thứ hơn”.
Các bài báo của Lương Hoài Nam thuộc nhiều chủ đề khác nhau, nhiều hơn cả là bàn về cải cách giáo dục. Chiếm tới một nửa dung lượng cuốn sách là những suy tư về nền giáo dục nước nhà. Ông cho rằng giáo dục có vai trò định mệnh với sự phát triển quốc gia: “Nếu chúng ta muốn thay đổi cái định mệnh nghìn năm, không có cách nào khác là bắt đầu từ một nền giáo dục mới để tạo dựng những thế hệ người Việt mới”. Từ đó, Lương Hoài Nam cho rằng cần phải đổi mới toàn diện giáo dục, không chắp vá. Ông đề xuất Việt Nam nên cân nhắc lựa chọn mô hình giáo dục của Anh để sớm có thành tựu trong tương lai.
Lương Hoài Nam cũng có nhiều bài viết về hàng không nước nhà. Bằng hiểu biết của một người từng giữ trọng trách trong ngành này, ngay từ năm 2008 ông đã nhận định “các sân bay Việt Nam sẽ tắc” nếu vấn đề hạ tầng sân bay không được quan tâm đúng mức. Chuyện các chuyến bay “delay” và phương hướng giải quyết được ông đưa ra trong bài viết “Làm gì để giảm những chuyến bay chậm”. Trước mỗi sự kiện thời sự liên quan tới hàng không, Hoài Nam cũng có cách nhìn riêng, như sự việc xây sân bay Long Thành, hay vụ máy bay MH370 mất tích.
Tác giả còn bàn về chuyện quảng bá du lịch, tới nợ công hay thị trường ô tô nội địa… Bằng tinh thần xây dựng, ông thể hiện quan điểm về những thói quen chưa văn minh của nhiều người Việt như vượt đèn đỏ, hay văn hóa xếp hàng.
Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận xét: “Với tư duy mạch lạc của một doanh nhân có nhiều kinh nghiệm, những bài viết của anh Nam luôn dựa trên những bảng biểu đối sánh, những con số cụ thể. Anh cũng nhìn giáo dục từ quan điểm của thị trường lao động, mong muốn giáo dục đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu của nền kinh tế, thay vì chỉ hướng tới các giá trị chân thiện mỹ”.
Còn Nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng ông bắt gặp Lương Hoài Nam như một nhà nghiên cứu: “Các bài viết toát lên chiều sâu của một tư duy nghiên cứu, khai phá vẻ đẹp của lập luận và tranh biện”.
Lương Hoài Nam (sinh năm 1963) là tiến sĩ kinh tế hàng không. Ông từng là Tổng giám đốc hãng hàng không Jetstar và Giám đốc điều hành Air Mekong. Từ năm 2014, ông là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu. Trong vai trò một blogger, ông thường xuyên đưa ra ý kiến, quan điểm về nhiều vấn đề xã hội, giáo dục.
Lam Thu – Vnexpress