Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, tuyến cao tốc đầu tiên ở miền Trung, có tổng mức đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng. Đưa vào vận hành chưa lâu mặt đường đã hư hỏng. Không cần máy móc phương tiện, tay không có thể bóc lên từng mảng, chuyện thật cứ như đùa…
Bóc “bánh” đường cao tốc
Thời gian qua, câu chuyện cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vừa đưa vào khai thác sử dụng bắt đầu bong tróc, xuất hiện những “ổ gà”, “ổ voi” gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông với tốc độ cao đã đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng công trình. Mấy năm trước, khi đang thi công, cao tốc này từng bị các nông dân ở Quảng Ngãi thu thập hình ảnh, tư liệu tố cáo việc thi công gian dối, nhưng không được xử lý dứt điểm.
Những hình ảnh về bong tróc trên mặt đường 16 do tài xế chụp bắt đầu xuất hiện trên một số trang mạng xã hội, báo điện tử từ tối ngày 8/10/2018, khiến dư luận xôn xao. Trả lời báo giới, Giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án của tuyến đường cao tốc này cho rằng bong tróc một phần là “do mưa”. Nhiều người khôi hài, tếu táo: phải khẩn trương làm nhà cho cao tốc 34.500 tỷ để tránh hư hỏng. Ngay sau đó, BQL đã cho công nhân sửa, “vá” đường nghìn tỷ bằng “công nghệ” thủ công. Hình ảnh anh thợ chân đi dép lê, đầu đội mũ phớt, tay này cầm búa, tay kia cầm đục ngồi đục và “vá” cao tốc lập tức trở thành hình ảnh được đăng trên nhiều báo và chia sẻ trên mạng xã hội với những câu nói đầy hài hước, châm biếm về công trình này. Mấy ngày cho người đục đẽo, “vá”, BQL dự án cho hay đã khắc phục xong bong tróc! Trưa ngày 12/10, tôi và anh bạn đồng nghiệp từ Đà Nẵng quyết định lên cao tốc làm một vòng để “thị sát” mặt đường khi cao tốc này phải “xả trạm” theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT. Barie tại trạm thu phí Túy Loan đầu tuyến được nâng lên, xe chạy vào cao tốc không phải nhận thẻ. Tuyến cao tốc dài tít tắp hiện ra trước mặt. Lần đầu lên cao tốc, anh bạn đồng nghiệp ngồi ghế tài xế phấn khích, nói chơi: “Nhờ mấy ổ gà, bà con đi cao tốc nghìn tỷ miễn phí!”.
Miễn phí nhưng đi trong âu lo. Xe cộ chạy trên cao tốc phải trên 120km/h, lao đi vùn vụt. Trời đổ mưa xối xả, để tìm các vết ổ gà, ổ voi, các vị trí bong tróc trên tuyến đường dài hơn 140km là điều không dễ. Xe chạy chậm để quan sát, dù biết là vi phạm và nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác. Đồng nghiệp giao nhiệm vụ cho tôi ngồi cảnh giới xe phía sau để anh này vừa lái xe vừa tìm kiếm điểm hư hỏng. Nhưng trong mưa tầm tã, mặt đường loang nước, hai anh em chỉ biết lắc đầu. Quay ngược chiều đi ra, tại km27, may mắn trời tạnh, một vệt dài hư hỏng hiện ra. Phanh xe, bật đèn sự cố, rồi tấp vào làn khẩn cấp. Một vệt dài mặt đường 34.500 tỷ bong tróc nham nhở. Vừa tác nghiệp anh em vừa né tránh, cảnh giới cho nhau khi hàng dài ô tô đang phóng nhanh qua lạnh người, nước bắn mịt mù.
Để có hình ảnh về chất lượng mặt đường, phóng viên thử dùng tay bóc lớp thảm nhựa, không ngờ bóc lên từng mảng. Bóc thảm cao tốc dễ như bóc bánh, đó là điều không tưởng. Ghi hình cảnh tay không bóc bới, anh bạn đồng nghiệp chạy tới cười cười và nói to: “Này làm vậy, coi chừng họ vu cho tội phá hoại tài sản đó”.
Và rồi, chiều cùng ngày những hình ảnh tay không bóc đường cao tốc được báo Tiền Phong đăng tải trên Tienphong.vn lập tức thu hút lượng lớn bạn đọc. Trên các trang mạng xã hội hình ảnh tay gầy của phóng viên “bóc” và cắm xuống nền cao tốc được nhiều người chia sẻ, nhiều bình luận hài hước lại ra đời.
Chọc “khe nhiệt” thủy điện
Từ câu chuyện cao tốc, lại nhớ đến con đập thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) bị rò rỉ nước từ tháng 3/2012.
Dạo đó, động đất liên tục và chuyện nước chảy xối xả từ thân đập công trình thủy điện gây lo lắng và bất an cho người dân, chính quyền hạ du. Phóng viên có mặt tại thân đập cao sừng sững, trên thân đập này chi chít những ống nước mà trước đó công nhân đã lắp gom nước chảy về một chỗ cho “kín đáo”, khi bên trong con đập canh giữ cẩn mật, là một câu hỏi lớn.
Không vào được thân đập, để cảnh báo an toàn đập, cảnh báo nguy hiểm, phóng viên và anh em đồng nghiệp quyết định bứt ống nước. Nước bắn tung tóe, chảy xối xả, hình ảnh đó trở thành minh chứng để bạn đọc thấy rõ hơn về mức độ nghiêm trọng của sự việc. Để cảnh báo cho các ban ngành Trung ương cần vào cuộc. Lúc đó, anh em cũng cười cảnh báo nhau: “coi chừng bị vu cho tội phá hoại”.
Các bộ ngành Trung ương và Chính phủ sau đó vào cuộc, không cho thủy điện này tích nước, phải tiến hành các biện pháp chống thấm, khắc phục thân đập. Nay, thủy điện Sông Tranh 2 đã đi vào vận hành sản xuất. Những trận động đất cũng yếu dần, thưa dần. Nhưng cứ mỗi lần như vậy, nhớ lại cảnh nước chảy xối xả từ thân đập 6 năm trước, vẫn không quên được cảm giác “ớn lạnh” ngày nào.
Báo Tiền Phong và hàng loạt cơ quan báo chí khác đồng loạt viết bài phanh phui chất lượng của cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Bộ GTVT yêu cầu làm mới các đoạn đường hư hỏng theo quy chuẩn thay vì đục đẽo, vá víu kiểu thủ công, phản cảm. Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo làm rõ các vấn đề liên quan đến cao tốc này. Nhiều sai phạm theo các tố cáo đã được chỉ rõ, giám đốc BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị đình chỉ và nhiều cá nhân liên quan bị kỷ luật. Nhiều khuất tất đang tiếp tục làm rõ để cao tốc này không còn cảnh bong tróc, hư hỏng và vá víu. Nhưng điều xót xa là niềm tin của người dân về chất lượng, việc quản lý và sử dụng tiền ngân sách đối với công trình này đã “bong tróc”. Liệu rằng, ai “vá” lại được không?
Theo Nguyễn Thành (Tiền Phong)