People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 18/12 cho biết nhiệm vụ chính của tàu sân bay Sơn Đông sẽ là tác chiến thay vì tập trung huấn luyện như tàu sân bay Liêu Ninh. Sơn Đông sẽ hoạt động ở khu vực quanh Biển Đông.
Là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo, Sơn Đông thuộc lớp Type-001A, được biên chế tại căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam hôm 17/12.
Nhận định về tuyên bố này của Trung Quốc, James Goldrick, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng, Đại học quốc gia Australia, cho rằng tàu Sơn Đông không phải là công cụ chính cho các kịch bản tác chiến của Trung Quốc trên Biển Đông, bởi nước này sở hữu các tàu chiến nhỏ phù hợp hơn.
“Tôi cho rằng tàu sân bay này sẽ hoạt động và huấn luyện thường xuyên trên Biển Đông nhằm thể hiện sự hiện diện, nhưng vai trò chính trong dài hạn của nó nằm ở Ấn Độ Dương”, Goldrick nói với VnExpress. “Đó sẽ là công cụ để Trung Quốc phát huy sức mạnh và bảo vệ lợi ích, trong đó có tuyến hàng hải vận chuyển dầu trọng yếu từ Trung Đông”.
Theo ông, trong quá trình hoạt động ở Biển Đông và Ấn Độ Dương, tàu Sơn Đông có thể chạm mặt các tàu hải quân nước khác, vì tàu chiến của nhiều nước đang hoạt động tự do ở khu vực này. “Đã có các quy tắc, thỏa thuận cho những cuộc chạm mặt như vậy và tôi hy vọng hải quân Trung Quốc sẽ tuân thủ, cũng như hải quân các nước sẽ không can thiệp nếu Sơn Đông và các tàu hộ tống hoạt động theo luật pháp quốc tế”, ông nói.
Tiến sĩ Peter Layton, Đại học Griffith, Australia, thì cho rằng việc cho tàu Sơn Đông hoạt động ở Biển Đông có thể là màn “khoe mẽ” của Trung Quốc. “Tàu sân bay này sẽ thường xuyên có các chuyến cập cảng trong khu vực và được quảng bá trên truyền thông Trung Quốc”, ông nói.
Tàu Sơn Đông còn có thể tìm cách phô trương bằng cách tuyên bố “không phận hạn chế” xung quanh khu vực hoạt động của nó khi các phi cơ cất hạ cánh trên tàu, buộc máy bay thương mại các nước tuân thủ yêu cầu tránh xa khu vực này vì lý do an toàn. Tương tự, luật hàng hải quốc tế yêu cầu các tàu nhỏ hơn phải nhường đường cho tàu sân bay đang thu phóng phi cơ để đảm bảo an toàn.
Tàu Sơn Đông ra biển thử nghiệm đầu năm 2019. Ảnh: SCMP.
Lý giải việc Trung Quốc chọn Biển Đông là nơi hoạt động chính của Sơn Đông, Layton cho rằng vùng biển này không có “môi trường quân sự phức tạp”, thời tiết thuận lợi. Các thủy thủ của tàu Sơn Đông chưa có nhiều thời gian huấn luyện với con tàu mới nên Biển Đông là “nơi an toàn nhất” mà Trung Quốc có thể tìm ra.
Bên cạnh đó, khi Sơn Đông hoạt động gần các căn cứ không quân gần bờ của Trung Quốc, nếu có trục trặc, các chiến đấu cơ có thể hạ cánh ở các sân bay trên đất liền. Sơn Đông cũng có thể tránh bị các cường quốc do dám khi hoạt động gần bờ.
Bonnie Glaser, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), Mỹ, cho rằng việc đưa tàu sân bay Sơn Đông đến Biển Đông không thay đổi chiến lược hiện nay của Bắc Kinh, đó là tập trung vào hăm dọa và ép buộc các bên liên quan. Trung Quốc chọn cách tránh sử dụng vũ lực, “giữ dưới ngưỡng” có thể xảy ra xung đột quân sự với hải quân Mỹ.
“Bắc Kinh hy vọng đạt được mục tiêu kiểm soát Biển Đông mà không dùng đến quân đội”, Glaser nói.
Về vai trò quân sự của Sơn Đông, Layton nhận định tàu này chủ yếu mang tính chất giúp Trung Quốc hiện diện quân sự, không phải để chiến đấu. Dù đậu ở cảng hay ra khơi, tàu Sơn Đông phô trương sức mạnh hải quân, gửi ra thông điệp “Trung Quốc có vai trò quan trọng và nên được đề cao”. Thông điệp này không chỉ nhắm đến các đối tượng ở nước ngoài mà còn chứng minh cho người dân Trung Quốc thấy đây là một “chính phủ mạnh”.
Trước những lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng tàu sân bay Sơn Đông để cản trở hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, Goldrick cho rằng tàu Sơn Đông không phù hợp để thực hiện những nhiệm vụ như vậy. Con tàu có lượng giãn nước 65.000 tấn này không đủ linh hoạt để cản trở các tàu khu trục, tàu tuần dương có tốc độ và khả năng cơ động cao hơn, cũng như khó đối phó nếu tình hình vượt tầm kiểm soát.
“Tàu sân bay quá lớn và đắt đỏ nên Bắc Kinh khó chấp nhận rủi ro dẫn tới thiệt hại về vật chất. Vì thế Trung Quốc sẽ sử dụng các tàu chiến nhỏ hơn để thực hiện hoạt động này ở Biển Đông”, Goldrick nói.
Michael Peck, nhà tư vấn quân sự ở Mỹ, cũng cho rằng việc triển khai một tàu sân bay đến Biển Đông không tạo nên khác biệt quân sự lớn. Trung Quốc đã có các thiết bị quan trọng như tàu thủy, tàu ngầm, chiến đấu cơ, tên lửa chống hạm ở khu vực, cùng với các căn cứ là các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp trên biển.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Sơn Đông, một tàu chiến nổi bật là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Trung Quốc để có vị trí số một ở vùng biển có tranh chấp. Sơn Đông cũng là phản ứng trước các cuộc tuần tra hàng hải của Hải quân Mỹ ở Biển Đông. Dù khả năng đụng độ giữa các tàu Trung Quốc và tàu Mỹ khó xảy ra, nhưng căng thẳng đôi bên sẽ leo thang.
“Trung Quốc tin rằng cán cân sức mạnh trong khu vực đang nghiêng về phía mình, khi nước này tiếp tục tăng cường năng lực quân sự. Do đó hiện diện mang tính hung hăng hơn của Trung Quốc là điều khó tránh”, Peck dự báo.