Sony ‘cháy hàng’ cảm biến ảnh smartphone

Các hãng smartphone đang trang bị nhiều camera trên điện thoại, khiến nhà máy Sony phải hoạt động 24 giờ mỗi ngày nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.

Terushi Shimizu, Phó Chủ tịch điều hành mảng linh kiện bán dẫn của Sony, cho biết: “Năm thứ hai liên tiếp, các cơ sở sản xuất của chúng tôi phải hoạt động liên tục suốt kỳ nghỉ cuối năm để theo kịp nhu cầu về cảm biến ảnh smartphone”. Hãng đã tăng gấp đôi vốn đầu tư cho lĩnh vực này lên thành 280 tỷ Yên (2,6 tỷ USD) năm nay, đồng thời đang xây dựng nhà máy mới ở thành phố Nagasaki, dự kiến mở của tháng 4/2021.

Các nhà sản xuất có xu hướng thiết kế smartphone với cụm camera nhiều ống kính, do việc cải thiện những thông số khác như độ phân giải khó thu hút người dùng. Những mẫu điện thoại cao cấp mới nhất của Samsung và Huawei được trang bị 3-4 ống kính với góc siêu rộng, chụp tele và độ sâu trường ảnh (ToF). Apple cũng tham gia cuộc đua nhiếp ảnh di động với iPhone 11 Pro có cụm ba camera. 

Bloomberg cho biết, doanh số cảm biến ảnh của Sony tăng vọt trong giai đoạn biến động của thị trường smartphone toàn cầu. Cảm biến ảnh của hãng không chỉ phổ biến trên máy ảnh chuyên nghiệp mà còn được trang bị cho điện thoại của Apple, Samsung… tới các thương hiệu smartphone Trung Quốc.

Các mẫu smartphone cao cấp 2019 đều được trang bị cụm ba camera trở lên.
Đa số các mẫu smartphone cao cấp 2019 được trang bị cụm ba camera trở lên. Ảnh: Bloomberg.

Masahiro Wakusugi, chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence, nhận định, camera đang trở thành tiêu chí chọn mua điện thoại vì người dùng muốn hình ảnh và video chất lượng cao để chia sẻ trên mạng xã hội.

Linh kiện bán dẫn hiện là nguồn thu lớn thứ hai của Sony, sau máy chơi game PlayStation. Tháng 10/2019, Sony công bố lợi nhuận quý II/2019 tăng gần 60%. Hãng dự báo doanh thu từ mảng linh kiện bán dẫn năm nay tăng 18% lên thành 1,04 nghìn tỷ Yên (9,5 tỷ USD), trong đó cảm biến ảnh chiếm 86%.

Sony lên kế hoạch đầu tư khoảng 700 tỷ Yên (6,4 tỷ USD) vào mảng linh kiện bán dẫn trong ba năm, kết thúc vào tháng 3/2021, để tăng sản lượng từ 109.000 lên 138.000 cảm biến ảnh mỗi tháng. Samsung, đối thủ lớn nhất của Sony, trong lĩnh vực cảm biến ảnh trên smartphone cũng phải tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Sony chiếm 51% thị trường cảm biến ảnh tính tới tháng 5/2019 và đặt mục tiêu đạt 60% thị phần năm 2025.

Cảm biến 3D dựa trên công nghệ ToF của Sony.
Cảm biến 3D dựa trên công nghệ ToF của Sony.

Công ty Nhật Bản đang phát triển cảm biến 3D mới trên công nghệ ToF, phát ra sóng laser vô hình và tính toán thời gian quay lại để mô phỏng chi tiết độ sâu của môi trường. Công nghệ này hứa hẹn cải thiện chất lượng ảnh chân dung chụp bằng camera trên smartphone nhờ làm mờ chính xác hậu cảnh, đồng thời có tiềm năng ứng dụng vào trò chơi thực tế ảo. Ngoài ra, cảm biến ToF tích hợp ở mặt trước smartphone cho phép người dùng điều khiển qua thao tác tay và tạo nhân vật hoạt hình bắt chước cử chỉ trên khuôn mặt (tương tự Animoji).

Samsung và Huawei cũng đã tiết lộ các thế hệ điện thoại cao cấp tiếp theo sẽ tích hợp cảm biến 3D. Apple cũng được cho là sẽ trang bị cảm biến 3D trên iPhone 2020. “2019 là năm khởi đầu của công nghệ ToF”, Shimizu nói. “Khi chứng kiến những ứng dụng thú vị của công nghệ này, người dùng sẽ sẵn sàng nâng cấp smartphone mới”.

Việt Anh (theo Bloomberg) – Vnexpress