6 điểm nhấn của bóng đá Việt Nam năm 2019

Dẫn đầu vòng loại World Cup 2022, lập cú đúp HC vàng SEA Games… là những dấu ấn của bóng đá Việt Nam trong năm 2019.

Việt Nam vào tứ kết Asian Cup

Sang UAE dự giải vô địch châu Á, thầy trò Park Hang-seo mang theo hành trang là chức vô địch AFF Cup 2018. Tuy nhiên, con đường chinh phục đỉnh cao châu lục không hề bằng phẳng, khi đội nằm cùng bảng D với Iran, Iraq và Yemen. 

Công Phượng và các đồng đội mở đầu năm thành công của bóng đá Việt Nam, khi tham dự Asian Cup. Ảnh: Lâm Thỏa.
Công Phượng và các đồng đội mở đầu năm thành công của bóng đá Việt Nam, khi tham dự Asian Cup. Ảnh: Lâm Thỏa.

Sau khi thua ngược Iraq 2-3, Việt Nam tiếp tục thất bại 0-2 dưới tay ứng viên hàng đầu Iran. Nhưng ở vào thế chân tường, đội đã đánh bại Yemen 2-0 để đi tiếp với tư cách một trong bốn đội xếp thứ ba đạt thành tích tốt nhất. Ở vòng 1/8 với Jordan, Việt Nam thắng luân lưu 4-2 sau khi hòa 1-1 trong 120 phút.

Dù dừng bước ở tứ kết, khi thua Nhật Bản 0-1 vì quả phạt đền được xác định bởi VAR, Quang Hải, Công Phượng… và các đồng đội vẫn có thể ngẩng cao đầu. Đây là lần thứ hai trong lịch sử Việt Nam vào đến tứ kết sân chơi cao nhất châu lục (lần trước diễn ra năm 2007, khi thầy trò Alfred Riedl đá vòng bảng trên sân nhà và giải chưa có vòng 1/8). Thành công lần này đồng thời đặt nền móng cho những  hành trình ấn tượng tiếp theo trong năm 2019. “Việt Nam đã chứng minh được rằng họ thuộc về đấu trường lớn nhất châu Á”, Fox Sports Asia bình luận.

Hà Nội tiến sâu ở AFC Cup

Với lực lượng gồm nhiều tuyển thủ quốc gia như Văn Quyết, Quang Hải, Hùng Dũng, Đức Huy…, Hà Nội bảo vệ thành công ngôi vương, bất chấp sự vươn lên của TP HCM. Đội bóng thủ đô cũng thỏa nguyện đoạt Cup Quốc gia – danh hiệu quốc nội duy nhất họ còn thiếu tính đến trước mùa 2019, dù từng năm lần vào chung kết.

Van Quyết (phải) và các đồng đội giành chiến thắng khi đối đầu Bình Dương ở cả Cup Quốc gia lẫn AFC Cup. Ảnh: HNFC.
Văn Quyết (phải) và các đồng đội giành chiến thắng khi đối đầu Bình Dương ở cả Cup Quốc gia lẫn AFC Cup. Ảnh: HNFC.

Mục tiêu lớn nhất mà Hà Nội đặt ra là AFC Cup, sau khi thua trận tranh vé vớt dự vòng bảng AFC Champions League trước Sơn Đông Lỗ Năng (Trung Quốc). Thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm sớm thể hiện khát khao và chất lượng đội hình bằng việc đoạt đỉnh bảng với 13 điểm qua sáu trận. Sau khi đánh bại Ceres-Negros (Philippines) rồi Bình Dương ở các vòng đấu loại trực tiếp thuộc khu vực Đông Nam Á, đội chủ sân Hàng Đẫy hạ nốt Altyn Asyr (Turkmenistan) để gặp April 25 (Triều Tiên) trong trận chung kết liên khu vực.

Tuy nhiên, việc bị cầm hoà 2-2 ở những phút cuối lượt đi trên sân nhà khiến Hà Nội trả giá. Ở lượt về trên đất Triều Tiên, khi trận đấu không được truyền phát trực tiếp, thầy trò Chu Đình Nghiêm bị cầm hòa 0-0 và dừng bước bởi luật bàn thắng sân khách, lỡ cơ hội vào chơi trận chung kết lịch sử AFC Cup.

Việt Nam dẫn đầu bảng G ở vòng loại World Cup 2022

Khó khăn được dự báo cho Việt Nam ở giai đoạn hai vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, vì chạm mặt ba láng giềng đáng gờm là Thái Lan, Indonesia và Malaysia, cùng đội bóng hùng mạnh UAE. Nhưng một lần nữa, thầy trò Park Hang-seo khiến tất cả phải ngỡ ngàng.

Tiến Linh ghi bàn duy nhất giúp Việt Nam hạ UAE - đội được đánh giá cao nhất bảng G. Ảnh: Đức Đồng.
Tiến Linh ghi bàn duy nhất giúp Việt Nam hạ UAE – đội được đánh giá cao nhất bảng G. Ảnh: Đức Đồng.

Qua năm trận, Việt Nam đang bất bại, với ba thắng và hai hòa, chễm chệ trên đỉnh bảng. Trong hành trình đó, đội tiếp tục chứng tỏ vị thế quyền lực số một Đông Nam Á, khi đánh bại Malaysia, Indonesia, xen giữa hai trận hòa Thái Lan. Không những thế, Tiến Linh và các đồng đội còn gây sốc khi hạ ứng cử viên nhất bảng UAE 1-0, gián tiếp khiến HLV lừng danh thế giới Bert van Marwijk bị sa thải.

Cục diện hiện tại đặt thầy trò Park Hang-seo vào thế thuận lợi để đua tranh suất đi tiếp vào giai đoạn cuối cùng – điều chưa từng xảy ra trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Cơ hội làm nên kỳ tích đang chờ đợi Việt Nam với ba trận đấu phía trước: làm khách trên sân Malaysia (ngày 31/3), tiếp Indonesia ở Mỹ Đình (ngày 4/6) và làm khách ở UAE (ngày 9/6).

HLV Park Hang-seo gia hạn hợp đồng

Trong hơn hai năm làm việc, từ tháng 10/2017, thầy Park giúp bóng đá Việt Nam liên tiếp lập kỳ tích ở các giải U23 châu Á, Asian Games, AFF Cup, Asian Cup… đồng thời, chơi ngang hàng trước các đối thủ mạnh nhất châu lục như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Iraq… Nhưng hợp đồng cũ giữa ông với VFF chỉ có hiệu lực đến tháng 1/2020. Vì thế, việc giữ chân HLV sinh năm 1959 trở thành mối bận tâm lớn.

HLV Park Hang-seo và Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh trong lễ ký hợp đồng mới. Ảnh: Lâm Thỏa.
HLV Park Hang-seo và Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh trong lễ ký hợp đồng mới. Ảnh: Lâm Thỏa.

Trải qua nhiều vòng đám phán, chiều 5/11, đôi bên mới công bố việc ký hợp đồng mới có hiệu lực hai năm, kèm điều khoản tự động gia hạn một năm. Lương của thầy Park được tăng hơn gấp đôi so với mức cũ (từ 20.000 USD lên khoảng 50.000 USD mỗi tháng). Đổi lại, chiến lược gia người Hàn Quốc sẽ nắm đồng thời ba đội tuyển gồm đội tuyển quốc gia, đội U22 và đội Olympic, cùng chỉ tiêu vào chung kết mọi giải đấu ở Đông Nam Á như SEA Games, AFF Cup…

Nhiều cầu thủ xuất ngoại

Trong bốn cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu năm nay, duy nhất Đặng Văn Lâm được vào sân thường xuyên. Thủ môn Việt kiều gia nhập Muangthong United sau khi CLB Thái Lan đồng ý mua đứt một năm hợp đồng với Hải Phòng. Tại Thai League 2019, Văn Lâm bắt chính cả 30 trận, giữ sạch lưới bảy trận và chịu thua 42 bàn. Anh lọt vào đội hình tiêu biểu tại giải, còn Muangthong United kết thúc ở vị trí thứ năm. 

Văn Hậu lần đầu được thi đấu trong đội một Heerenveen. Ảnh: SC Heerenveen.
Văn Hậu lần đầu được thi đấu trong đội một Heerenveen. Ảnh: SC Heerenveen.

Tiền vệ Lương Xuân Trường đầu quân cho Buriram United theo dạng cho mượn một năm. Nhưng, anh chỉ trụ lại nửa mùa, trước khi bị thôi hợp đồng. Đến giữa năm, Nguyễn Công Phượng, cũng trưởng thành từ lò HAGL, ký hợp đồng với CLB Bỉ Sint-Truiden. Tuy nhiên, con đường “du học” của anh vẫn lận đận, thậm chí chỉ được thi đấu một trận ở giải vô địch Bỉ. Gần đây, CLB TP HCM đã mua lại nửa năm hợp đồng của Công Phượng với Sint-Truiden, để đưa tiền đạo gốc Nghệ An trở về V-League 2020.

Hợp đồng xuất ngoại đáng giá nhất thuộc về Đoàn Văn Hậu, khi cập bến Heerenveen SC với phí mượn 1,4 triệu USD trong một năm. Hậu vệ 20 tuổi vừa đá trận đầu tiên cho CLB Hà Lan, dù chỉ trong khoảng bốn phút cuối. Văn Hậu sẽ không trở về dự vòng chung kết U23 châu Á 2020, và đây là cơ hội để anh cạnh tranh vị trí chính thức tại Heerenveen.

Việt Nam lập cú đúp HC vàng bóng đá SEA Games

HLV Park Hang-seo lại tạo ra kỳ tích khi giúp đội Việt Nam đoạt HC vàng bóng đá nam SEA Games. Cú đúp của Văn Hậu và bàn thắng từ Đỗ Hùng Dũng giúp Việt Nam hạ Indonesia 3-0 ở trận chung kết trên sân Rizal Memorial, Philippines. 

Các cầu thủ công kênh HLV Park Hang-seo sau khi giành HC vàng SEA Games 2019. Ảnh: Giang Huy.
Các cầu thủ công kênh HLV Park Hang-seo sau khi giành HC vàng SEA Games 2019. Ảnh: Giang Huy.

Việt Nam tiếp tục rơi vào bảng đấu thách thức, khi có đến sáu đội cùng những đối trọng như Thái Lan hay Indonesia. Tuy nhiên, Quang Hải, Hùng Dũng và các đồng đội luôn ở thế thượng phong, vào bán kết với tư cách đội duy nhất bất bại và đứng đầu bảng B. Trận duy nhất Việt Nam không thắng là lượt cuối cùng (hòa Thái Lan 2-2). Đến bán kết, các học trò của ông Park giải mã hiện tượng Campuchia, với thắng lợi 4-0 nhờ Tiến Linh và hat-trick của Hà Đức Chinh. 

Lần thứ sáu vào chung kết SEA Games, Việt Nam tái ngộ Indonesia. Khác với chiến thắng chật vật 2-1 ở vòng bảng, chúng ta thắng với cách biệt ba bàn để lần đầu đăng quang tính từ khi trở lại hội nhập với Đại hội (từ năm 1991). Đội ghi 24 bàn và chỉ thủng lưới bốn lần – những thành tích tốt nhất giải. 

Kỳ SEA Games thành công của bóng đá Việt Nam được tô điểm thêm bằng tấm HC vàng bóng đá nữ của thầy trò Mai Đức Chung. Chiến thắng 1-0 trong trận chung kết với Thái Lan giúp Việt Nam lần thứ sáu đăng quang, đồng thời trở thành đội giàu thành tích nhất lịch sử Đại hội.

VnExpress – Vnexpress