Sách Lý Tiểu Long – Một cuộc đời phi thường của tác giả Matthew Polly phát hành ở Việt Nam từ tháng 12. Theo New York Times, đây là quyển sách đầu tiên phác họa hoàn chỉnh về cuộc đời Lý Tiểu Long (Bruce Lee, 1940-1973) – người góp phần đưa võ thuật châu Á đến với thế giới. Qua lời kể của những người thân cận Lý Tiểu Long, tài tử được miêu tả với cả ưu, nhược điểm, vinh quang lẫn đau khổ trong cuộc đời. VnExpress trích đăng năm kỳ về võ sư, diễn viên võ thuật huyền thoại Hong Kong.
Năm lên mười, Bruce và Wu Ngan (con trai người giúp việc của gia đình Lý Tiểu Long) có lần tìm cách lẻn vào rạp hát Dongle tại góc đường Nathan và Nullah. Bruce chui vào trót lọt nhưng Wu Ngan bị một tay soát vé người Nam Á thộp cổ lại và táng vào đầu. Bruce nổi điên, xông ra la hét ầm ĩ hòng ngăn gã đánh bạn mình, kết quả là cả hai cùng bị phạt. Họ ngấm ngầm vạch kế hoạch trả thù suốt hai tuần sau đó. Họ mua mực nướng nóng hôi hổi thơm phức ở quầy hàng rong gần đó, bí mật rưới thuốc nhuận tràng lên rồi đem đến biếu gã soát vé để tạ lỗi. Đến đây, hầu hết mọi đứa trẻ ranh mãnh mười tuổi sẽ dừng trò chơi khăm lại, nhưng Bruce thì không. Hai cậu nhóc tuồn vào một thùng đựng đầy phân giấu trong buồng vệ sinh và kiên nhẫn đợi. Khi món mực tẩm thuốc nhuận tràng khiến người soát vé phải đi xả bầu tâm sự, hai ông giặc con châm vài dây cháy chậm của một quả pháo dài 10 cm bỏ trong thùng phân, đẩy thùng phân qua khe cửa phòng vệ sinh mà gã soát vé đang ngồi. Quả pháo phát nổ khiến phân bắn tung tóe đầy mặt gã. Bruce bị cấm cửa, không được vào rạp hát này trong sáu tháng.
Giống như bao nhiêu “trai hư” của đất Hong Kong (tiếng lóng Quảng Đông là “teddy boy – đầu gấu”), Bruce khoái giờ giải lao nhất. Âm thầm né tránh sự quản lý của nhà trường, cậu tự thiết lập nên một hệ thống quyền kiểm soát bằng việc tuyển chọn bạn cùng lớp gia nhập băng nhóm của riêng mình. Cậu hết dỗ dành, tâng bốc rồi lại phỉnh phờ hết đứa này đến đứa nọ. “Cậu ta thường khoác vai bạn học, nói với họ ‘nếu ai gây sự với bồ, cứ nói với mình, mình biết cách xử lý chúng’ “, Pau Siu Hung, bạn cùng lớp với Bruce, thuật lại.
Đối thủ nặng ký của Bruce là David Lee, một cậu trai dữ dằn không ai dám giỡn mặt. Họ đã đánh nhau nhiều lần. Trận cuối cùng căng thẳng đến mức cả Bruce và David đều rút dao găm ra. Trận đấu kết thúc đột ngột khi Bruce làm David xây xước chảy máu ở cánh tay. Vết thương không đến nỗi trầm trọng nhưng không ai muốn tiếp tục sau đó. Việc dùng vũ khí thay vì nắm đấm hay cú đá đã khiến các nam sinh hiền lành rụt rè trường La Salle hoảng sợ. Chỉ những “đầu gấu” bất trị nhất như Bruce hay David mới dám đem vũ khí vào trường. Bruce sở hữu một con dao găm, tay đấm bằng đồng và nhiều vũ khí tự chế khác.
Sau năm năm mài đũng quần ở La Salle, Bruce bị tống cổ khỏi trường vào năm 1956. Đối với một gia đình trung lưu đáng kính, cha là diễn viên sân khấu nổi tiếng, mẹ xuất thân từ gia tộc giàu có bậc nhất Hồng Kông, thì đây là sự sỉ nhục ghê gớm.
Theo lời bạn học, Bruce bị đuổi học vì hai sự kiện xảy ra ở năm học cuối tại trường La Salle. Sự kiện đầu tiên liên quan tới một thầy dạy thể dục được học sinh đặt biệt danh là Coolio Lo (gã cu li) do có nước da đen nhẻm như nông dân hay dân lao động chân tay. Để khởi động trước giờ học, ông này thường bắt học sinh chạy ba vòng quanh sân bóng. Coolie Lo sẵn sàng đánh vào khuỷu chân những em chểnh mảng hay tụt lại phía sau. Pau Siu Hung, bạn cùng lớp Bruce, kể lại, “Ông ta thường chạy cùng học sinh, vừa chạy vừa hò hét ‘Trò chạy như rùa, chạy nhanh lên đi cho kịp các bạn'”.
Ngày hôm đó, Bruce vốn dĩ quá ngán ngẩm với sự gò ép của cha mình ở nhà, quyết định rằng mình đã chịu quá đủ với Coolie Lo. Qua trí nhớ của Robert (em trai Bruce), sự việc được miêu tả như sau: “Có một giáo viên thể dục luôn dùng thước kẻ để đánh học sinh, một sự bất công mà Bruce không bao giờ chấp nhận. Anh nhìn ông nảy lửa và đưa tay đỡ cây thước giáng xuống đầu mình. Từ đó anh bị cấm học thể dục, phải ngồi trong lớp ôn bài”.
Dennis Ho, bạn học của Bruce, thuật lại sự việc theo cách khác. “Robert đã cố giảm nhẹ tình tiết đấy. Theo tôi nhớ lại (cảnh tượng này ăn sâu vào ký ức của tôi), đó là cọng lau sậy dài chứ không phải thước kẻ. Tôi đang chạy bên cạnh hay đằng sau Bruce một chút thì chuyện đó xảy ra. Coolie Lo vụt cọng sậy vào chân Bruce. Cậu ấy đau điếng và dừng phắt lại, cho tay vào túi áo, rút con dao găm ra và chĩa vào Coolie Lo.
Các bạn học kể rằng một sự kiện khác cuối cùng cũng làm cậu bị trục xuất khỏi trường. “Đó là câu chuyện mà bạn đồng niên chúng tôi hay kể lại mỗi khi nhắc đến Bruce”, Dennis Ho tiết lộ. Theo lời kể của Dennis và một người bạn khác giấu tên, vào một giờ nghỉ ăn trưa năm 1956, khi các học sinh đang chơi đùa ở chân đồi sau trường, Bruce buộc một nam sinh tụt quần xuống. Không ai biết chính xác lý do vì sao Bruce lại làm vậy, “cũng có thể do cậu ấy buồn chán hoặc muốn khoe mẽ thôi”, Dennis nói. Sau khi lột truồng cậu bé, Bruce lôi ra một hộp sơn màu đỏ cậu vừa thó được từ một công trường xây dựng và vẽ lên phần kín của nạn nhân tội nghiệp. Khi cha mẹ của cậu bé biết được, người cha đến làm ầm ĩ tại văn phòng hiệu trưởng và nhất mực yêu cầu đuổi học Bruce.
Quả là nỗi mất mặt ê chề cho gia đình họ Li đầy kiêu hãnh. Trong khi mẹ cậu đôn đáo tìm trường khác cho Bruce thì cha cậu tức giận cấm túc cậu trong vòng một năm, không phim ảnh, không đàn đúm bạn bè, chỉ tới trường và ở nhà.
Còn tiếp…
Trích sách Lý Tiểu Long: Một cuộc đời phi thường – Vnexpress