Tại cuộc đối thoại sáng 23/12, nhiều doanh nghiệp gửi tới Thủ tướng và các thành viên Chính phủ kiến nghị về thuế, tiếp cận vốn cũng như các vấn đề về chính sách hiện nay. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe và cẩn trọng ghi chép từng ý kiến của các doanh nhân.
Vingroup muốn giống Tesla
Ông Nguyễn Việt Quang – Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup mong Chính phủ có chính sách thuế, phí để tập đoàn này phát triển ôtô điện, giống Tesla. Ông cho biết, tập đoàn vừa thoái vốn khỏi lĩnh vực bán lẻ, nông nghiệp để tập trung vào phát triển công nghiệp, công nghệ, nhất là sản xuất ôtô, dù “biết đi theo hướng mới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn”. Chính thương hiệu xe điện của Tesla, theo ông Quang, cũng mới có lãi gần đây sau 10 năm có mặt trên thị trường.
Lãnh đạo Vingroup cho biết VinFast đang đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế và sẽ sớm đưa ra thị trường ôtô điện và xuất khẩu sang Mỹ từ năm 2021. Riêng năm 2020 sẽ có thêm 4 dòng máy điện mới, một mẫu xe bus điện, 2 mẫu ôtô điện.
Việc chuyển hướng phát triển mạnh vào ôtô điện, CEO Vingroup tin sẽ giúp giảm nguồn thải từ các phương tiện giao thông, cũng như cải thiện chất lượng không khí, bảo vệ môi trường.
Cụ thể, cần phải có một hệ thống chính sách đồng bộ, khuyến khích cả nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng, cũng như xây dựng một hệ sinh thái thân thiện cho phương tiện chạy điện trong tương lai. Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước mới đủ tự tin tạo ra sản phẩm “made in Vietnam”. Tuy nhiên, tập đoàn này mong nhận được hỗ trợ chính sách từ Chính phủ, nhất là về thuế, phí để “khởi nghiệp thuận lợi hơn trong lĩnh vực có quá nhiều cạnh tranh như ôtô, đặc biệt là ôtô điện”.
Thaco kêu khó vay vốn nông nghiệp
Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) lại đề cập việc nhiều ngân hàng thương mại e ngại cho vay trong khi tiềm năng của ngành nông nghiệp còn rất lớn.
Theo ông, doanh nghiệp cần vốn để sản xuất quy mô lớn, toàn cầu. “Nếu chỉ trồng chuối 50-100 ha thì sản lượng không ổn định cho xuất khẩu. Không thể chỉ xuất khẩu 5 container một ngày mà cần nhiều hơn thế. Quy mô lớn là một điểm mạnh và cơ hội trong thời gian tới”, ông nói.
Đáp lại sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong số các lĩnh vực, nông nghiệp, sản xuất luôn được nhà băng ưu tiên rót vốn. Ông khẳng định sẽ đề nghị các ngân hàng tháo gỡ, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Thành Thành Công sốt ruột với chính sách điện mặt trời
Ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công cho rằng, năm 2019 chứng kiến sự phát triển sôi động của điện mặt trời với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân cùng chính sách giá khuyến khích 9,35 cent/kWh theo Quyết định 11/2017.
Nhờ đó, đến hết tháng 6, cả nước đã có 98 dự án năng lượng tái tạo, tổng công suất gần 5.000 MW được đưa vào vận hành, trong đó 89 nhà máy điện mặt trời, công suất xấp xỉ 4.500 MW. Song con số này đã vượt xa quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời). Trong khi đó, sau 30/6 – khi Quyết định 11/2017 hết hiệu lực, vẫn chưa có cơ chế giá mới.
Ông kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương sớm có cơ chế giá khuyến khích điện mặt trời và tháo gỡ những vướng mắc của Luật Quy hoạch với bổ sung quy hoạch. Cùng đó, cải thiện hệ thống truyền tải lưới điện quốc gia để giải toả công suất các dự án điện mặt trời khi hoà lưới.
“Có cơ chế giá mới cho điện mặt trời các nhà đầu tư sẽ khai thác tối ưu nguồn năng lượng, đáp ứng tiêu dùng điện ngày càng tăng và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, ông Thành nhận xét.
Ngoài năng lượng, ông Thành cũng bày tỏ lo lắng ngành mía đường trong nước sẽ mất thị trường nội địa khi thuế ATIGA giảm về 0-5% từ 1/1/2020. Khi chỉ còn hơn chục ngày nữa, các doanh nghiệp mía đường trong nước, trong đó có Thành Thành Công vẫn lo lắng sẽ mất thị phần nội địa nếu thuế giảm. “Vì uy tín của ngành mía đường Việt Nam, chúng tôi mong Thủ tướng, Chính phủ có chính sách hỗ trợ để nông dân tồn tại được trên mảnh đất của họ”, ông nêu.
Đáp lại sau đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, “không thể lùi thêm” thời hạn thuế ATIGA có hiệu lực. Thừa nhận ngành mía đường trong nước đang đứng trước thách thức song Phó thủ tướng đề nghị doanh nghiệp “phải cải cách mạnh mẽ để thích ứng”.
Nguyễn Hoài – Vnexpress