Tháng 12, trên những cánh đồng ngoại thành Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, nông dân đốt cỏ, gốc rạ, dọn ruộng để chuẩn bị vào vụ mới. Trong khu vực nội thành Hà Nội, hàng chục nghìn bếp than tổ ong âm ỉ cháy mỗi ngày. Cùng thời điểm này, chỉ số không khí ở Hà Nội liên tục ở ngưỡng xấu.
UBND TP Hà Nội cho rằng một trong 12 nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí kéo dài do thói quen đun bếp than tổ ong, đốt củi; đốt rơm rạ, rác thải của người dân.
Những cánh đồng mù mịt khói
Chiều muộn giữa tháng 12, cánh đồng thôn Hồng Hồ, (thị trấn Thanh Lãng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cách trung tâm Hà Nội 40 km lập lòe ánh lửa, khói bay mù mịt. Bà Phạm Thị Chúc vừa làm cỏ xong bốn sào ruộng đợi cày bừa đổ ải để cấy vụ chiêm xuân. Ba đống đốt cỏ, gốc rạ cháy ngùn ngụt ngay dưới biển cảnh báo điện cao thế 500 kV. Việc đun nấu của gia đình bà và người làng từ 10 năm nay đã không còn nhờ vào chất đốt này.
18 ngày của đợt ô nhiễm không khí kéo dài nhất 2019 và đợt ô nhiễm đầu tháng 12 trùng vào vụ thu hoạch lúa mùa và dọn ruộng chuẩn bị vụ chiêm. Cả vựa lúa hàng trăm nghìn hecta quanh Hà Nội đồng loạt đốt rơm. Riêng địa bàn bàn Hà Nội, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, đốt bỏ khoảng 300 nghìn tấn rơm rạ mỗi năm.
Những nông dân như bà Chúc thường tranh thủ buổi trưa vắng người qua lại để đốt đồng. “Qua đường như thế này, sao biết được ai đốt mà nhắc với phạt”, bà Chúc không biết khói này có bay vào Hà Nội không. Bà đoán mùi đốt rơm không có gì độc hại, “nó bay lên không khí với bay ra đường thì người đi đường ngửi tí thôi”.
Khảo sát của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 180 hộ dân ba tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2012 cho biết, 58% số hộ đốt rơm rạ tại ruộng. Riêng các tỉnh đồng bằng sông Hồng thải ra 1,2-4,7 triệu tấn CO2 và 28 -113 nghìn tấn CO.
Trung bình một tấn lúa thành phẩm để lại một tấn rơm rạ, mỗi năm Việt Nam tạo ra khoảng 44-45 triệu tấn rơm rạ, chủ yếu được đốt bỏ.
500 tấn than mỗi ngày
4h sáng, bà Trương Thị Tâm, 58 tuổi, chủ quán bún riêu trong ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Khoái (Hai Bà Trưng, Hà Nội), gắp viên than tổ ong hồng vào bếp, đặt lên nồi nước dùng, chuẩn bị cho buổi bán hàng sáng. Viên than nhóm bếp được ủ từ đêm trước cửa nhà.
Mỗi sáng quán bún riêu bà Tâm bán khoảng 20 bát bún với giá 25.000 đồng. “Trừ tiền vốn, lãi được có khoảng 250.000. Một viên than giá 3.000 đồng, ngày tôi chỉ hết 12.000 than. Mua bếp điện thấp nhất cũng 3 triệu, mỗi ngày sáu chục nghìn tiền điện, lãi ở đâu ra nữa”, bà nhẩm tính.
Bà Tâm cũng nghe nhiều thông tin bếp than tổ ong độc hại nhưng bà vẫn không mấy quan tâm “vì mười mấy năm nhà tôi dùng chẳng sao, đâu có ai bị bệnh gì”.
Sự phổ biến của bếp ga, bếp điện trong gia đình người Việt gần 20 năm nay làm giảm dần bếp than tổ ong. Trong nội thành, người dùng bếp than tổ ong chủ yếu là những người bán bún phở, quán nước vỉa hè.
Tuy vậy, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường đến tháng 11/2019, toàn thành phố vẫn còn hơn 22.000 bếp than tổ ong. Người Hà Nội vẫn đốt 528 tấn than mỗi ngày, tương đương lượng phát thải 1.870 tấn CO2.
Kết quả nghiên cứu của Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội, cho thấy quá trình tiêu thụ than tổ ong sẽ phát sinh ra bụi, trong đó có bụi mịn PM2.5 và khí thải khác như CO2, CO, SO2, PAHs…
Từ gần 10 năm trước, ông Đinh Công Vinh chạy ba gác đi giao than tổ ong ở phường Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) tưởng mình sắp mất nghề. “Từ tuần sau bác không phải đến nữa. Nhà tôi có bếp ga rồi”, khách hàng nói.
Vợ chồng ông rời Hưng Yên lên Hà Nội chở thuê than từ năm 2000. “Hà Nội khi ấy đun bếp tổ ong hết. Cả cái dọc đường Long Biên, Gia Lâm toàn nhà làm than, lãi lắm”. Sau 3 năm làm thuê, vợ chồng liều mình vay 150 triệu mua máy, mua than, thuê đất làm xưởng ở ngõ Bùi Xương Trạch.
Nhưng không như lo sợ của ông Vinh, sau khi người khách quen đầu tiên chuyển sang đun gas, “thời hoàng kim” của nghề than vẫn kéo dài thêm nhiều năm ở con ngõ làm than tổ ong nổi tiếng nhất nhì thành phố. Hơn 20 xưởng than sáng đèn từ sáng tới đêm. Ông Vinh nhận nhà mình là xưởng “lèo tèo” nhất xóm, nhưng dạo ấy vẫn có 4 thợ phụ, đội xích lô hơn hai chục người mua buôn, ngày xuất xưởng hàng chục nghìn viên.
Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tới 2020 của Hà Nội yêu cầu các địa phương vận động người dân hạn chế và tiến tới không sử dụng than tổ ong. Tháng 10 vừa qua, trong những ngày cao điểm ô nhiễm không khí, thành phố tiếp tục ra chỉ thị thay thế và loại bỏ toàn bộ than tổ ong, hạn cuối 31/12 năm sau.
Ngõ Bùi Xương Trạch đã bớt tiếng máy chạy, hơn 10 hộ đóng cửa trong vòng vài năm qua, “chủ yếu do dân giàu lên, không đun than nữa”. Xưởng của ông Vinh ngổn ngang những cái xích lô hoen gỉ của đội quân một thời ngang dọc khắp hang cùng ngõ tận để bán than.
Vợ ông đếm mỗi ngày giờ xưởng chỉ bán được 600 viên, bằng một phần tư năm 2015. Người làm thuê cuối cùng vừa nghỉ việc hai tháng trước, đi rửa bát thuê ở quán ăn, “tiền công 50 nghìn một giờ, gấp đôi làm than”. Những ngày mùa đông này, khách hàng hay gọi than tối, có khi vừa ngồi vào chiếu, và được đũa cơm ông Vinh lại phải đứng dậy đi giao than. “Ngày xưa nhiều khách, gọi vài viên như thế là mình không đi đâu, nhưng giờ ế ẩm, gọi mấy viên cũng đi”.
Ngoài đốt rơm rạ, than tổ ong, người Hà Nội thải ra 4-5 nghìn tấn rác mỗi ngày. 90% số này được thu gom và chôn lấp tại các bãi rác của thành phố, 10% chủ yếu được đốt hủy tại chỗ. Như vậy mỗi năm, Hà Nội đốt khoảng 15-18 nghìn tấn rác thải. Tuy nằm trong nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, nhưng chưa có nhiều nghiên cứu và định lượng cụ thể về lượng khí thải từ hoạt động đốt rác trên địa bàn.
Đốt rơm rạ, rác thải và than tổ ong sản sinh SO2, CO2, CO, NOx, HCl, HF, Dioxin, Furan và tro. Các chất này đều gây hại cho hệ hô hấp và hệ tuần hoàn máu, thậm chí tử vong. Rơm rạ không cháy hết sẽ tạo bụi mịn và hợp chất aldehyde, gây ung thư, bệnh tim mạch, những bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh mất trí nhớ, Parkinson và Alzheimer, dị dạng thai nhi, viêm, nguy cơ loét và tăng huyết áp khi ăn hay hít phải dù với lượng ít.