Tranh luận việc hình thành cồn cát trên biển Cửa Đại

Đơn vị tư vấn nhận định bùn cát từ sông Thu Bồn bị đẩy ra biển Cửa Đại đã hình thành cồn cát ở đây, song lãnh đạo địa phương nêu ý kiến ngược lại.

Ngày 23/12, Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tổ chức hội thảo về cồn cát ngoài khơi biển Cửa Đại (TP Hội An). 

Về nguyên nhân hình thành cồn cát này,  Viện đào tạo và khoa học ứng dụng miền Trung cùng nhóm tư vấn cho rằng, bùn cát từ bờ Bắc và Nam bị sóng và dòng chảy ven bờ đẩy về khu vực cửa sông Thu Bồn. Qua nhiều năm số bùn cát này bồi tụ ở khu vực bãi triều, và vào mùa khô sóng biển đẩy bùn cát vào phía trong sông, gặp trận lũ năm 2017 lại đẩy ra rồi vun cao thành cồn nằm cách bờ biển Cửa Đại hơn một km.

TS Mai Cao Trí – thành viên nhóm tư vấn nói, diễn biến hình thành cồn cát này tương đồng với với xu thế dịch chuyển của một cồn cát khác trong quá khứ. Vào năm 1988, trên vùng biển Cửa Đại từng có cồn cát hình thành cách bờ hai km, mỗi năm dịch chuyển một đoạn ngắn, đến 1995 hợp nhất với bờ biển Cửa Đại, sau đó bị xói lở dần.

Theo ông Trí, trong năm 2019, cồn cát ngoài khơi biển Cửa Đại dịch chuyển 120 m, với tốc độ này khoảng 10 năm tới cồn cát sẽ tiến sát bờ biển “giống như cồn cát trước đây”.

Cây cối sinh trưởng trên cồn cát. Ảnh: Đắc Thành.
Cây cối sinh trưởng trên cồn cát. Ảnh: Đắc Thành.

Không đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch TP Hội An nêu thông tin, qua nhiều lần khảo sát cho thấy xu thế bồi tụ lên cồn cát chủ yếu ở ngoài vào, “chứ không phải từ trong sông ra như nhận định nêu trên của đơn vị tư vấn”. 

“Bằng kinh nghiệm công tác nhiều năm ở Hội An, tôi thấy nguồn cát hình thành ở cồn có mối quan hệ mật thiết với tình trạng bờ biển Cửa Đại bị sạt lở”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Tạ Ngọc Tân – Vụ Khoa học công nghệ hợp tác quốc tế (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho rằng, việc so sánh cồn cát hiện nay với đảo cát hình thành năm 1988 là “khập khiễng”.

Ông Tân phân tích, trước đây trên thượng nguồn sông Thu Bồn chưa có thủy điện, chưa xây cầu cống và chưa xảy ra tình trạng khai thác cát như hiện nay. “Nhóm tư vấn đánh giá 10 năm tới cồn cát dịch chuyển về phía Bắc, nhưng chỉ trong năm nay diện tích cồn cát đã giảm 1,5 ha, liệu 10 năm tới nó còn không, đây là vấn đề cần làm rõ”, ông Tân nói.

Từ năm 2013 đến 2019, bờ biển Cửa Đại bị sạt lở gần 1 km, mỗi năm biển xâm thực từ 10 đến 20 m. Ảnh: Đắc Thành.
Bờ biển Cửa Đại bị sạt lở 800 m trong các năm từ 2013 đến 2019. Ảnh: Đắc Thành.

Trước ý kiến khác nhau, GS TS Nguyễn Thế Hùng – chuyên gia thủy lợi cho rằng, chính quyền địa phương “trước mắt nên giữ nguyên hiện trạng cồn cát, tránh can thiệp bằng sức người”.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó cục trưởng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai cũng cho rằng, “đây là vấn đề phức tạp, đơn vị tư vấn cần tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu trong thời gian tới để đưa ra các nhận định chính xác hơn”.

Cồn cát trên biển Cửa Đại dịch chuyển về phía bắc 120 m. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai.
Cồn cát trên biển Cửa Đại dịch chuyển về phía bắc 120 m. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai.

Cồn cát trên biển Cửa Đại nằm ngoài cửa sông Thu Bồn, xuất hiện từ năm 2017, khoảng cách gần nhất từ cồn cát đến đất liền 1,4 km. Qua 18 lần quan trắc, cơ quan chức năng ghi nhận trước tháng 5/2019 cồn cát rộng 14,1 ha, nhưng đến tháng 11 còn 12,6 ha.

Tháng 3/2019, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, kiểm tra vì sao xuất hiện đảo cát ở biển Hội An và có giải pháp phù hợp.

Sau chỉ đạo này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt đề cương nhiệm vụ với tên dự án quan trắc, giám sát, đánh giá diễn biến quá trình bồi xói khu vực cồn cát và các tác động của cồn cát tới tình hình sạt lở bờ biển Cửa Đại. Mục đích thu thập các thông tin, dữ liệu bổ sung cơ sở khoa học trong rà soát các đề xuất, điều chỉnh các giải pháp chỉnh trị Cửa Đại, bảo vệ chống sạt lở bờ biển Cửa Đại.