Sách về Lý Tiểu Long: Sự trả thù của môn đồ phái Vịnh Xuân

Khi Diệp Vấn qua đời, Lý Tiểu Long bị biếm họa với chú thích: “Xin lỗi sư phụ, con bận kiếm tiền nên không thể dự tang lễ”.
Sao võ thuật Lý Tiểu Long. Ảnh: Mtime.
Sao võ thuật Lý Tiểu Long. Ảnh: Mtime.

Khi bộ phim Đường Sơn đại huynh được phát hành vào ngày 3/10/1971, Bruce bỗng chốc trở thành người nổi tiếng nhất Đông Nam Á. Thoạt tiên, anh cảm nhận được luồng điện chiến thắng. Suốt bao năm tháng lăn lộn với phim ảnh, cuối cùng giờ đây giấc mơ siêu sao của anh đã thành hiện thực. “Ở Hong Kong, tớ còn vĩ đại hơn cả ban nhạc khỉ gió The Beatles đấy nhé”, Bruce khoe khoang với bạn bè anh tại thành phố L.A.

Lý Tiểu Long trong
Lý Tiểu Long trong “Đường Sơn đại huynh”. Video: Youtube.

Thế nhưng, chỉ trong một năm, áp lực và gánh nặng của danh tiếng lẫy lừng đã dần khiến anh mệt mỏi. “Điều bất lợi nhất”, Bruce thú nhận với tạp chí Black Belt, “là ta bị mất quyền riêng tư. Thật trớ trêu khi chúng ta nỗ lực hết mình để đạt được danh vọng và tiền tài, thế rồi khi có chúng, mọi thứ chẳng phải màu hồng nữa”.

Tệ hơn cả việc đánh mất sự riêng tư chính là việc nguy hiểm ngày càng tăng. Dường như ai cũng muốn tỉ thí võ nghệ với anh. Có lần anh bước lên taxi, gã tài xế quay lại hỏi, “Anh có muốn đánh nhau không? Trình độ kung-fu của anh không giỏi lắm đâu”. Bruce không còn đi ra ngoài chốn đông người một mình và anh phải thuê vài diễn viên đóng thế làm vệ sĩ.

Bruce đang phải trải nghiệm khủng hoảng điển hình về quan hệ công chúng: Những câu chuyện tiêu cực về anh nhỏ xuống từng giọt từng giọt và hủy hoại thanh danh anh.

Sự thật thì Bruce kính trọng Diệp Vấn, và ngược lại Diệp Vấn vẫn yêu thích Kẻ Mới Phất. Dẫu anh có phê bình chỉ trích nặng nề về Vịnh Xuân Quyền trước công chúng đến mấy, thì Bruce luôn tỏ ra cực kỳ lễ phép và sốt sắng trước mặt Diệp Vấn. Dẫu Diệp Vấn có cảm thấy lo ngại nhường nào về những lời nhận xét của Bruce, ông vẫn đủ khôn ngoan nhìn nhận rằng việc anh chàng diễn viên võ thuật nổi tiếng nhất châu Á là đồ đệ của mình đã đem đến thanh danh tích cực cho ông. Để dập tắt tin đồn về hố sâu ngăn cách giữa hai người, Bruce mời Diệp Vấn tới dự một buổi yum cha (uống trà buổi chiều và ăn dim sum) tại nhà hàng gần công viên Kowloon.

Trong lúc ăn, Bruce mỉm cười với Diệp Vấn và hỏi: “Thầy có còn xem con là đệ tử nữa không ạ?”. Diệp Vấn lập tức đáp lại: “Con có còn xem ta là sư phụ nữa không?”. Cả hai cùng cười to. Sau khi xong bữa, Bruce đề nghị, “Sư phụ à, lâu rồi thầy trò ta chưa đi dạo cùng nhau. Giờ ta thả bộ một lát nhé?”. Họ thong thả rảo bước dọc con đường tấp nập Nathan Road để công chúng có thể nhìn thấy được mối quan hệ của họ vẫn còn tốt đẹp.

Anh ắt hẳn đã có thể dập tắt những bài báo tiêu cực về mình nếu không xảy ra một sự kiện đáng tiếc khác. Ngày 2/12/1972, DiệpVấn qua đời, nhưng Bruce Lee không đến dự tang lễ. Trải qua ba nghìn năm, nghi lễ phúng viếng và chôn cất là nét văn hóa trọng tâm của người Trung Hoa. Vắng mặt trong buổi tang lễ của sư phụ mình chẳng khác gì việc phỉ nhổ vào ký ức về ông. Báo chí quật anh tơi tả. Một mẩu tranh biếm họa vẽ Lee tại bàn thờ Diệp Vấn và nói: “Xin lỗi sư phụ, con quá bận rộn kiếm tiền nên không thể đến dự tang lễ của người được”.

Giới truyền thông chẳng mấy khó khăn khi tìm ra nhiều đồ đệ môn phái Vịnh Xuân chỉ trích anh là kẻ bất kính coi trọng danh vọng hơn những giá trị truyền thống Trung Hoa. Một môn sinh kỳ cựu mỉa mai nói: “Tại sao Bruce Lee không xuất hiện khi sư phụ anh ta qua đời, quả thật khó mà hiểu nổi. Với tư cách là người sáng lập môn phái Triệt Quyền Đạo và là ngôi sao điện ảnh lớn, có lẽ việc này quá rầy rà bất tiện cho anh ta!”.

Bìa sách Lý Tiểu Long: Một cuộc đời phi thường. Ảnh: SGB.
Bìa sách “Lý Tiểu Long: Một cuộc đời phi thường”. Ảnh: SGB.

Điều đáng nói trong tất cả những chỉ trích nặng nề của bọn họ chính là họ thừa biết rất rõ tại sao Bruce không tham dự tang lễ: Anh không hề biết tin Diệp Vấn đã mất. Diệp Vấn chỉ là võ sư ít tên tuổi thời bấy giờ. Cái chết của ông chỉ được tường thuật ở những tờ báo Hoa ngữ, mà Bruce hiếm khi đọc chúng. Anh chỉ có thể biết tin nếu các huynh đệ tỉ muội phái Vịnh Xuân thông báo cho anh, thếnhưng họ cố tình không làm điều đó. Bruce giận dữ tâm sự với bạn anh: “Bọn chó đó sống ngay trong thành phố nhưng không thèm gọi cho tớ. Mẹ kiếp, sự ghen tị của họ đã đi quá xa. Tớ biết tin thầy mất ba ngày sau đó. Khỉ thật, tớ thấy tồi tệ và thất vọng quá”.

Ip Chun, con trai Diệp Vấn, sau này đã thừa nhận: “Khi phụ thân qua đời, tôi đã toan lấy quyển danh bạ điện thoại để gọi điện cho Bruce, nhưng có người ngăn tôi lại, và do đó tôi đã thôi không gọi cho anh ấy nữa”.

Người ta gần như phải ngả mũ trước sự trả thù thâm thúy của những môn đồ phái Vịnh Xuân. Bruce khiến họ mất mặt bởi sáng tạo nên trường phái cho riêng mình và còn công khai chỉ trích kung-fu cổ truyền. Khi Diệp Vấn chết, họ cố tình không báo cho anh, khiến anh mất mặt với người hâm mộ. Bruce không thể công khai bào chữa cho mình, bởi lẽ nếu làm vậy chỉ tổ thừa nhận mối quan hệ tệ hại giữa anh và các cựu huynh đệ Vịnh Xuân.

Kỳ một, kỳ hai, kỳ ba, còn tiếp

Trích sách Lý Tiểu Long: Một cuộc đời phi thường – Vnexpress