Công Trí: ‘Tôi im lặng để làm nghề’

Công Trí thường nghe nhiều người nói anh không hiểu biết về thời trang.

Nhân kịp kỷ niệm 20 năm làm nghề, nhà thiết kế Công Trí tổ chức triển lãm ở TP HCM chủ đề Cục im lặng, diễn ra từ ngày 27 đến 29/12. Triển lãm trưng bày mười bộ sưu tập tiêu biểu của anh, được sắp đặt và trình diễn theo góc nhìn nghệ thuật đương đại.

– Vì sao anh đặt tên show kỷ niệm 20 năm là “Cục im lặng”?

– Thời trang là thế giới phù hoa nhưng đời sống của tôi rất im lặng. Tôi tập trung chuyên môn, không nghe và dính đến thị phi bởi ngoài kia có nhiều điều hay cần phải học hỏi. Có nhiều sự gièm pha, dè bỉu: “Ông này làm không có gu, sao mỗi bộ sưu tập một màu sắc, trường phái?”, “Ông này không có sự hiểu biết về thời trang…” nhưng tôi mặc kệ. Triển lãm là cơ hội để tôi giãi bày nỗi niềm bấy lâu.

Tôi xuất thân là dân kiến trúc, bước vào nghề thiết kế với hai bàn tay trắng. Từ những ngày đầu, tôi đã đặt cho mình đề bài là phải thực hiện 10 bộ sưu tập mang phong cách khác nhau, thể hiện con người, suy nghĩ, nhận thức của tôi tại mỗi thời điểm. Sau hành trình dài, khi nhìn lại, tôi muốn thấy được điều mình thích và tiếp tục phát triển. Tôi cho triển lãm là lễ tốt nghiệp của chính mình. 

Nhà thiết kế Công Trí tổ chức triển lãm Cục im lặng để bày tỏ nỗi lòng. Ảnh: CT.
Nhà thiết kế Công Trí tổ chức triển lãm “Cục im lặng” để bày tỏ nỗi lòng. Ảnh: CT.

– Anh tái hiện hành trình 20 năm theo cách nào?

– Triển lãm có 10 không gian tựa như tôi đang dẫn dắt khán giả vào cái đầu và suy nghĩ của mình. Mọi người phải đi theo trình tự từ một đến 10, để thấy được con đường trưởng thành và những trăn trở của Công Trí.

Theo hiểu biết cá nhân, ý tưởng này lần đầu có trên thế giới. Triển lãm thời trang của các nhà mốt danh tiếng thường chỉ trưng bày tác phẩm, bộ sưu tập theo ý tưởng nhất định sao cho nghệ thuật và người xem dễ hiểu. Triển lãm của tôi thì khác. Tôi lựa chọn 10 nghệ sĩ đương đại ở các bộ môn múa, âm nhạc, phim, nhiếp ảnh, thị giác… tương ứng 10 bộ sưu tập của mình. Mỗi người sẽ chọn một trang phục phù hợp, chiêm ngưỡng và sử dụng nó làm một sản phẩm nghệ thuật mới của chính họ. Sau này nếu tổ chức triển lãm khác, tôi sẽ “mượn lại” họ để dùng tiếp. Tôi muốn tạo ra phong cách thưởng thức nghệ thuật mới thay vì tổ chức sự kiện mời thật nhiều ngôi sao để chứng tỏ quyền lực.

– Tại sao anh bán vé triển lãm?

– Vé bán 200.000 đồng không giúp tôi thu lại số tiền bỏ ra. Tôi chỉ mong người đi thưởng thức nghệ thuật ý thức đó không phải là nơi miễn phí, muốn làm gì thì làm. Khán giả thoải mái về thời gian, nhưng mỗi không gian triển lãm chỉ có 20 – 25 người một lần để tránh xô bồ. 

Triển lãm là cơ hội để mọi người nhìn thấy những bộ sưu tập ở cự ly gần, ngắm những chi tiết thủ công, tài khéo của nghệ nhân và sự tưởng tượng trong đầu Công Trí. Có những chi tiết đính kết, thêu mà nếu trang phục trình diễn trên sàn catwalk sẽ không ai thấy được. Các bộ sưu tập đều được tôi lưu giữ nhiều năm, một số phải phục dựng vì hư hỏng. Trước đây diễn xong, tôi không bán mà giữ lại chờ đến ngày làm triển lãm.

Trang phục trong bộ sưu tập No.1 - Trắng của nhà thiết kế Công Trí. Ảnh: CT.
Trang phục trong bộ sưu tập “No.1 – Trắng” của nhà thiết kế Công Trí. Ảnh: CT.

– Thành công nhất với anh trong 20 năm qua là gì?

Tôi có hai thương hiệu thời trang, khác nhau mỗi chữ Nguyen nhưng lại thể hiện sự biến chuyển trong phong cách chính mình. Nguyen Cong Tri được đánh dấu bởi 10 bộ sưu tập lấy cảm hứng từ thiên nhiên, đậm chất châu Á, tên gọi ngắn gọn như Trắng, Trói, Lúa, Khăn hoa… Trong khi Cong Tri tại New York tôi hướng tới phong cách dễ mặc, đa dạng để khách hàng lựa chọn với những chi tiết nếp gấp, chiếc nơ, những cái tên hoa mỹ như Đi nhặt hạt sương nghiêng, Cuộc dạo chơi của những vì sao. Sự xuất hiện của tôi cũng khác biệt. Trước kia khi ra chào khán giả tôi thường diện đồ trẻ trung, đơn giản như áo phông, hoodie nhưng giờ tôi thường mặc vest, lịch lãm.

Tuy nhiên, điều khiến tôi thấy thành công nhất không phải công việc mà sức khỏe tốt, trẻ trung dù đã U50. Tôi nghiện làm việc, hạnh phúc khi được trải nghiệm, làm những điều mình thích và được mọi người ủng hộ. Đôi khi có những khó khăn, vất vả nhưng tôi nghĩ đó là điều ai cũng phải gặp trong cuộc đời rồi tự mình vượt qua.

Công Trí, stylist Kate Young (đứng giữa) và dàn mẫu chụp ảnh kỷ niệm trong hậu trường show diễn Xuân Hè 2020 ở Mỹ. Ảnh: CT.
Công Trí, stylist Kate Young (đứng giữa) và dàn mẫu chụp ảnh kỷ niệm trong hậu trường show diễn Xuân Hè 2020 ở Mỹ. Ảnh: CT.

– Anh làm thế nào để luôn có cảm hứng sáng tạo?

– Cảm hứng sáng tạo đến với tôi dễ lắm, đó là những thứ trong đời sống hàng ngày như lúa, hoa, nấm… không có gì cao xa cả. Khi ngồi đây trò chuyện, nhìn ngắm xung quanh, tôi nghĩ được thiết kế vải đẹp vào mùa xuân với nền trắng, điểm vào đó là những bông hoa, chiếc bánh trên bàn trà.

Cái khó, phải đầu tư chất xám nhiều là kỹ thuật may, chất liệu để tạo ra phom dáng đẹp, giúp người mặc che khuyết điểm, tôn vóc dáng và thoải mái nhất. Vật liệu là linh hồn của thiết kế. Trước đây tôi cố gắng tận dụng nguyên vật liệu của Việt Nam, nhập từ Trung Quốc hoặc xả hàng của các xưởng gia công. Bây giờ, tôi được đi nhiều nơi, tiếp cận với đầu mối cung ứng vải của những thương hiệu lớn nên mọi chuyện đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần có tiền, tôi muốn cao cấp sao cũng được. Thợ của tôi nhiều người gắn bó từ những ngày đầu tiên, còn lại cũng làm việc hơn 5 năm nên tay nghề tốt. Tuy nhiên, thời trang liên tục thay đổi, phát triển và họ cũng phải không ngừng học hỏi. Ngày xưa, internet chưa phát triển tôi phải ra nước ngoài mua tạp chí, sách về để thợ tìm hiểu cách làm. 

– Dự định sắp tới của anh là gì?

– Chắc là đi chơi thôi (cười). Năm qua tôi cùng êkíp quá bận rộn với hai show diễn thời trang tại New York, hoạt động cá nhân, thiết kế cho hãng máy bay, cuối năm làm triển lãm. Chúng tôi sẽ có chút thời gian nghỉ ngơi để tiếp tục chinh chiến, nghĩ cách kiếm tiền.

Hiểu Nhân – Vnexpress