Nạn nhân của ‘cuộc chiến’ giành con

Bé gái 7 tuổi khóc thét ngoài phòng xử án khi nghe tiếng mẹ gào lên phản đối quyết định của HĐXX là trao quyền nuôi nó cho người cha.

“Từng giải quyết hàng chục vụ ly hôn, tranh giành quyền nuôi con, nhưng hình ảnh bé gái ngoài hiên tòa hôm đó cắn đắng tôi mãi”, thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên (Tòa Gia đình và Người chưa thành niên TAND TP HCM) nói về phiên xử hai tháng trước.

Trong vụ án, cha cô bé là giám đốc một công ty xây dựng, mẹ làm đại lý bán vé máy bay. Họ đã ly hôn 6 năm trước khi con bé mới một tuổi, và nó được toà giao cho mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc.

Gần hai năm trước, cha cô bé làm đơn khởi kiện, yêu cầu toà thay đổi quyền trực tiếp nuôi con với lý do “vợ cũ và gia đình bên ngoại con bé ngăn cản thăm nuôi”. Trước đó, anh đã nhờ đến hội phụ nữ của địa phương can thiệp nhưng không có kết quả. Anh cũng cho rằng mẹ con bé thường xuyên đi làm về trễ, không dành thời gian chăm sóc con mà giao phó cho ông bà ngoại.

Quá trình giải quyết vụ án, toà sơ thẩm thu thập chứng cứ, gặp giáo viên trực tiếp chăm sóc bé gái và ghi nhận: “bé mong muốn được ở với cha”, người mẹ thường xuyên đi làm đến 20-21h mới về; lúc bé vào lớp một, việc đưa đón con chị gần như giao cho xe ôm… Từ đó, toà chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc người mẹ giao con cho chồng cũ chăm sóc.

Phản đối phán quyết này, người mẹ kháng cáo. Chị cho rằng thời gian bé ở với mẹ vẫn phát triển tốt cả thể chất lẫn tinh thần. Hơn nữa con là bé gái nên giao cho cha sẽ không tiện chăm sóc.

Thụ lý giải quyết yêu cầu kháng cáo, thẩm phán Bích Duyên nhiều lần mở phiên tòa nhưng sau đó phải tạm ngưng để thu thập thêm và xác minh các chứng cứ. Vì muốn giành quyền nuôi con nên cả hai bên đều chuẩn bị các căn cứ chứng minh tài chính; đưa ông bà nội ngoại, người liên quan, làm chứng… vào vụ án. Thậm chí họ không ngại tố nhau những điều tế nhị. Bé gái cũng bị lôi vào cuộc và trở thành nạn nhân của “cuộc chiến”.

“Việc giao trẻ cho ai là người trực tiếp chăm sóc sau khi cha mẹ ly hôn là điều không dễ. Nó đồng nghĩa với việc tách đứa bé ra khỏi cha hoặc mẹ và đều có thể gây tổn thương cho con trẻ”, bà nói và cho biết HĐXX đã phải cân nhắc rất kỹ để đưa ra phán quyết đảm bảo tốt nhất mọi quyền lợi của cô bé. Hôm tòa tuyên án cũng là ngày cô bé tròn 7 tuổi. Người mẹ một mực đề nghị tòa cho con vào phòng xử nhưng HĐXX không chấp nhận vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý trẻ nhỏ.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ và xét hỏi tại tòa, HĐXX bác kháng cáo của người mẹ, giữ nguyên quan điểm của tòa sơ thẩm. Theo toà, việc các bên tranh chấp đều xuất phát từ tình yêu thương con, nhưng người mẹ đã không chủ động được thời gian trực tiếp chăm sóc, đưa đón con đi học… Hơn nữa, chị và gia đình mâu thuẫn trầm trọng với cha cô bé, liên tục ngăn cản anh qua lại thăm nuôi con.

“Nghe tiếng khóc của con bé ngoài hành lang vọng vào, tôi bàng hoàng. Vào sinh nhật của mình mà cháu phải chứng kiến cảnh này thật sự rất tổn thương. Đó mãi là một ký ức khủng khiếp trong lòng đứa trẻ”, nữ thẩm phán trăn trở. Tuy nhiên, phán quyết tòa đưa ra luôn căn cứ quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của con trẻ cũng như đương sự. Việc thi hành những phán quyết liên quan đến một đứa bé là rất nhạy cảm và không dễ dàng ngay cả đối với những người thắng kiện.

“Sau ly hôn, nếu người lớn biết gác lại cái tôi của mình, ngồi lại với nhau tìm tiếng nói chung trong việc chăm sóc con thì đứa trẻ sẽ bớt bị tổn thương”, thẩm phán Bích Duyên nói.

Hải Duyên  – Vnexpress