‘Mắt biếc’: Khúc tình si

Ngạn trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh bước lên màn ảnh với đôi “mắt biếc” mải dõi theo Hà Lan.

* Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Khi chuyển thể Mắt biếc – tác phẩm ghi dấu với nhiều thế hệ độc giả, đạo diễn Victor Vũ thay đổi một phần trình tự kể. Phim mào đầu khi Ngạn (Trần Nghĩa) đang là học sinh, sau đó mới quay lại thời thơ ấu của anh. Ở trường làng Đo Đo, chú bé Ngạn bị Hà Lan – cô bạn học có đôi mắt biếc – hớp hồn. Họ trải qua tháng ngày tươi đẹp với những thú vui làng quê, những buổi dạo chơi giữa thiên nhiên.

Nhưng khi lên thành phố, Hà Lan (Trúc Anh) dần phải lòng Dũng (Trần Phong) – chàng trai mang vẻ lãng tử, lối sống hiện đại. Ngạn trải qua những cảm xúc phức tạp nhưng vẫn hết lòng vì người thương. Khi Trà Long (Khánh Vân) – con gái Hà Lan với Dũng – lớn lên, Ngạn đứng trước lựa chọn quan trọng về tình cảm.

Mắt biếc tung trailer chính
Trailer phim.

Cũng như truyện gốc, bản điện ảnh dùng điểm nhìn từ Ngạn, dần đưa khán giả vào hành trình nội tâm của chàng trai miền quê. Các cảnh phim có nhịp dựng nhẹ nhàng, hầu như theo sát nhân vật, đôi khi điểm xuyết bằng những suy nghĩ trong tâm trí anh. Là người sống nội tâm, hơi rụt rè, anh không nói lời yêu mãnh liệt, trực diện mà chỉ đưa chúng vào tiếng đàn hoặc cử chỉ ân cần với Hà Lan.

Cách Ngạn thể hiện tình cảm với người thương trên màn ảnh vừa nên thơ, vừa có cảm giác bí bách, chơi vơi. Nhiều khung hình được đạo diễn dùng mô tả gương mặt nhân vật nam, qua đó phản ánh chủ đề chính của Mắt biếc là tình si, những cảm xúc nhớ thương không được bù đắp. Đôi mắt là phương tiện biểu đạt hầu hết cảm xúc của Ngạn, từ lúng túng, say mê đến đau khổ, suy tư về sau.

Ý tưởng về tình đơn phương được làm dày hơn nhờ những biến tấu kịch bản hoặc nhấn nhá trong cách kể. Hà Lan có không ít cảnh trải lòng về tình yêu với Dũng, giúp khán giả cảm thông hơn cho lựa chọn của cô. Trà Long cũng thể hiện tình cảm rõ nét hơn, có thêm một số câu thoại để giãi bày quan điểm. Nhân vật phụ tên Hồng (Nguyễn Lâm Thảo Tâm đóng) được thêm vào để phục vụ một khía cạnh khác của câu chuyện. Có thể nói, phim Mắt biếc là một chuỗi những tình cảm không được đáp trả của Ngạn, Hà Lan, Hồng hay Trà Long. Tình yêu là thứ khó định hình, khó dùng lý trí để phân định – như quyết định của nhiều nhân vật trong phim.

Phan Mạnh Quỳnh hát Có chàng trai viết lên cây trong Mắt biếc
MV của Phan Mạnh Quỳnh, được dựng theo kiểu hậu trường phim “Mắt biếc”.

Phim Mắt biếc nhìn chung là sự tổng hòa của ba yếu tố: lời văn của Nguyễn Nhật Ánh, chất liệu điện ảnh của Victor Vũ và âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh. Hình dung của nhà văn xứ Quảng về ngôi chợ, đường làng, buổi diễn xiếc, rừng sim được chuyển hóa một phần lên màn ảnh. Ở góc độ đạo diễn, Victor Vũ phát huy thế mạnh của mình là những hình ảnh mượt mà. Trong dự án có kinh phí hơn 20 tỷ đồng, khâu bối cảnh, mỹ thuật, quay phim đều được chăm chút. Con đường làng với cây vông đồng ở Hà Cảng (Thừa Thiên Huế) là cảnh nổi bật đầu phim, điểm nhấn nên thơ cho thời thơ bé của Ngạn và Hà Lan. Ê-kíp cũng may hơn 100 bộ áo dài cho cảnh tan học ở trường nữ sinh.

Victor Vũ tiếp cận Mắt biếc theo phong cách khác trước, giảm bớt những cú máy nặng tính kỹ thuật trong các phim kịch tính, cũng không dùng nhiều đại cảnh khoe vẻ đẹp làng quê như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Đạo diễn xử lý lại không ít nội dung gốc để tạo thành tình huống gãy gọn, thổi không khí điện ảnh cho tác phẩm. Một ví dụ là cảnh Dũng lần đầu gặp Hà Lan, được viết ngắn lại, lối dàn dựng mang ý nhấn vào sự “tấn công” của Dũng vào quan hệ bộ đôi chính. Cách quay, góc nhìn của nhân vật khiến người xem dễ cảm nhận sự thua thiệt, dần bị đẩy ra ngoài cuộc của Ngạn. Thủ pháp dựng phim đan xen hồi tưởng/hiện tại cũng hỗ trợ tốt cho những đoạn Ngạn thấy hình bóng Hà Lan trong Trà Long. Đoạn kết là sáng tạo của ê-kíp, giúp phim có điểm chốt rõ ràng cho cảm xúc và phong phú về hình ảnh.

Hậu trường bối cảnh Mắt biếc
Hậu trường bối cảnh “Mắt biếc”.

Âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh giống như một lời dẫn chuyện thứ hai cho tác phẩm. Bài Có chàng trai viết lên cây mang giai điệu, ca từ gần như trùng khớp câu chuyện Mắt biếc. Trong phim, một số bản phối khác nhau được sử dụng để đưa đẩy theo cảm xúc nhân vật. Ngoài ra, nhạc sĩ viết thêm ba bài, gồm Hà Lan – xoay quanh nhân vật nữ chính, Từ đó – cho cảnh đôi trẻ ở rừng sim và Tôi chỉ muốn nói – kể tâm tư của Ngạn khi Hà Lan dần phải lòng chàng trai thành phố. Nhân vật Ngạn cũng là người chơi nhạc, dùng lời ca thể hiện nỗi lòng mình.

Đảm nhận vai nặng ký, xuất hiện trong phần lớn phim, Trần Nghĩa thể hiện được nỗi lòng nhân vật nhờ ánh mắt. Nữ chính Trúc Anh mang vẻ đẹp phù hợp vai Hà Lan nhưng diễn xuất hơi lưng chừng, chưa có nhiều phân cảnh đắt giá. Nam phụ Trần Phong “ăn điểm” nhờ vẻ lãng tử với mái tóc dài, điệu cười dân chơi. Những trang phục bụi phủi của nhân vật Dũng cũng giúp anh tạo sự đối lập với Ngạn – người thường mặc áo đơn sắc, sáng màu.

Bối cảnh ghi hình Mắt biếc ở Thừa Thiên Huế. Ảnh: Nguyễn Phong, Kelvin Long.
Bối cảnh ghi hình “Mắt biếc” ở Thừa Thiên Huế. Ảnh: Nguyễn Phong, Kelvin Long.

Từ giữa phim, nhân vật Trà Long xuất hiện khiến cảm xúc tác phẩm được đẩy cao. Cả ba diễn viên đóng vai này đều có những cảnh ấn tượng. Bé Bảo Tiên – lúc nhân vật nhỏ nhất – tạo sinh khí nhờ sự ngây thơ, láu lỉnh. Bé Cát Vi thể hiện một Trà Long lúc đang dần hiểu chuyện của mẹ mình. Còn Khánh Vân hóa thân nhân vật thời thiếu nữ với nụ cười tươi tắn, vẻ dễ thương. Sao trẻ lột tả được sự yêu đời, yêu làng quê lẫn cảm xúc đầu đời của Trà Long.

Dù vậy, Mắt biếc gặp vấn đề ở giai đoạn Ngạn và Hà Lan ở làng Đo Đo. Đạo diễn, diễn viên dường như lúng túng khi truyền tải sự gắn kết của đôi nhân vật chính. Tương tác của Trần Nghĩa và Trúc Anh lúc này cũng không ăn ý, đôi chỗ thậm chí gượng gạo. Nhiều cảnh nặng tính minh họa, tôn vẻ đẹp thiên nhiên, sinh hoạt làng quê chứ chưa đào sâu được cảm xúc. Chỉ khi nhân vật chuyển lên thành phố, câu chuyện mới khởi sắc và giàu cảm xúc hơn nhờ các tuyến phụ. Một điềm trừ khác là khâu hóa trang về sau không thể hiện rõ dấu ấn thời gian, chưa khiến khán giả thật sự tin vào độ tuổi nhân vật. Ở cảnh Hà Lan ngồi gần Trà Long, người xem dễ nghĩ họ gần tuổi nhau chứ không phải mẹ con.

Phim dán nhãn C16 (không dành cho người dưới 16 tuổi), có một số suất chiếu sớm từ ngày 19/12 và ra rạp từ ngày 20/12.

Ân Nguyễn – Vnexpress