Vợ chồng chị Bùi Thị Luyến (thôn Trung Lĩnh, Hương Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh) nhớ lại khi cậu con trai Đinh Trung Kiên mới được hai tháng tuổi thì phát hiện mắc bệnh não úng thủy. “Bác sĩ bảo nước bị tắc sẽ ngập hết não, khiến não bị úng. Giống như ruộng lúa, ngập lâu là chết”, chị Luyến kể.
Trung Kiên cần được phẫu thuật sớm nhưng khi nghe số tiền cần thiết cho ca mổ thỉ cặp vợ chồng nghèo gần như tuyệt vọng. Họ chỉ có hai sào ruộng, trong khi đứa con đầu cũng ốm lên xuống nên gần chục năm lấy nhau mới tích cóp được 16 triệu đồng. Lúc đó, bố mẹ Trung Kiên đã nghĩ đến việc ôm con về.
Trong cơn túng quẫn, người cô ruột của bé Kiên lên mạng kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng để cứu cháu. Sư thầy Thích Tuệ Thành, trụ trì chùa Triều Sơn Tây, Huế biết tin, cho đệ tử về tìm hiểu gia cảnh. Chị Nguyễn Thị Thảo Hương nhận đưa bé sang Singapore chữa trị. Họ hợp sức lại, cùng với vài nhóm từ thiện, vài nhà hảo tâm, gom góp tiền cho ca mổ của Kiên.
Trước ngày lên đường, số tiền kêu gọi mới được chừng 100 triệu nhưng chị Thảo Hương vẫn động viên gia đình mang bé sang. “Chị Hương đăng bài kêu gọi và rất nhiều người muốn cứu con tôi. Một mạnh thường quân giấu tên ở An Giang cho con 100 triệu đồng. Chỉ trong vài ngày tổng số tiền quyên góp được hơn 700 triệu đồng”, chị Luyến chia sẻ.
Ca mổ của Trung Kiên diễn ra suôn sẻ, mất 480 triệu. Chỉ sau 20 ngày cháu bé được xuất viện. Trước lúc về, quỹ đã trích 100 triệu đồng đưa gia đình để lo bỉm sữa, chăm bà nội ốm nặng và tái khám cho bé sau này. Số tiền ủng hộ cho Kiên còn thừa được chuyển tiếp cho những hoàn cảnh kém may mắn khác.
“Ba năm trôi qua tôi vẫn thấy đây như một điều kỳ diệu. Mới chiều nay thôi nhìn con biết tự đi chơi và lúc về khoanh tay ‘chào mẹ con đi chơi về’, tôi lại thấy hạnh phúc như giấc mơ”, chị Luyến nghẹn giọng.
Trung Kiên chỉ là một trong hơn 70 đứa trẻ bị các bệnh khó chữa trị ở Việt Nam như não úng thủy, ung thư giai đoạn đầu, nhiễm trùng, hoặc các bệnh về mắt… được chị Nguyễn Thị Thảo Hương, 37 tuổi, đứng lên kêu gọi đưa sang Singapore chữa.
Thảo Hương vốn người Đức Trọng, Lâm Đồng. “Năm 2007 cha tôi bị ung thư xương điều trị tại một bệnh viện ở Tp HCM. Bệnh giai đoạn cuối khiến cha đau đớn nhưng khi chứng kiến nhiều người khác phải xoay sở từng đồng để có tiền viện phí, ông mong khỏe lại để giúp đỡ người khốn khó”, Thảo Hương kể.
Người cha ra đi, ước nguyện còn dang dở nên Hương bắt đầu thực hiện mong ước của cha. Chị cùng vài người bạn nấu thức ăn cho bệnh nhân và quyên góp quần áo, đồ chơi cho trại các trẻ mồ côi.
Năm 2012, Hương kết hôn và chuyển sang Singapore với chồng. Lần đầu tiên người phụ nữ này biết nỗi sợ là như thế nào vào lần mang thai con thứ hai, năm 2015. Chị bị động thai. Lo sợ mất con, Hương không biết bấu víu vào đâu ngoài cầu nguyện: “Nếu ông trời cho con tôi sống, tôi thề trọn đời sẽ làm từ thiện và giúp đỡ người khác”. Cuối cùng hai mẹ con qua kiếp nạn.
Hương quay trở lại với công việc thiện nguyện. Đứa trẻ đầu tiên chị giúp là một bé sơ sinh đang điều trị tại Singapore nhưng bị thiếu kinh phí. Chị đã bỏ tiền túi và kêu gọi bạn bè được 2.000 đôla cho bé. Tiếp đến chị giúp một bé khác cần ghép giác mạc.
Một tối đầu tháng 7/2016, Thảo Hương nghe tin bé Đức Lộc mới chào đời đã bị bỏ rơi trước cổng chùa Vạn Đức, Bến Tre trong một đêm mưa gió. Con còn mang bệnh não úng thủy. Các bệnh viện trả về và tiên lượng con chỉ còn 5 ngày để sống.
Không chấp nhận thực tại này, chị Hương và rất nhiều nhóm thiện nguyện trong và ngoài Việt Nam đã hợp lực đưa Lộc ra nước ngoài chữa bệnh. Đức Lộc đã sống sót thần kỳ sau 4 lần phẫu thuật với số tiền mọi người ủng hộ để cứu con lên tới 7 tỷ đồng. “Khi kinh phí đủ, tôi thông báo ngưng nhận nhưng vẫn có những người xin cho thêm vài tiếng để gửi tiền quyên góp. Có những người đập cả heo, bán cả nữ trang để giúp con”, Thảo Hương kể.
Sau trường hợp Đức Lộc, chị Hương thành lập quỹ Children Are Innocent (Trẻ em vô tội). Tháng 10/2018 quỹ này đồng thời nhận giúp chữa trị cho 5 bé, trong đó có 4 bé não úng thủy và nhiễm trùng nặng đã điều trị tại Việt Nam cả năm trời không khỏi. Kinh phí các bé cần dự trù tầm 10 tỷ, nhưng sau đó phát sinh và cần đến 12 tỷ. Chị hết cách giúp.
“Lúc này một người bạn khuyên tôi nên đồng ý trả lời phỏng vấn báo chí để nhiều người biết và ủng hộ”, chị nói. Lần ấy Hương xuất hiện trên tờ Straitstimes của Singapore.
Để minh bạch, Hương phân định rõ tiền cá nhân và tiền quỹ. Chị luôn bỏ tiền túi, trung bình mỗi tháng khoảng 500 đôla cho chi phí đi lại của bản thân, giấy tờ… khi giúp các bé. Chị cũng đảm nhận việc phiên dịch cho các gia đình.
“Tôi đã đồng hành cùng Hương kêu gọi ủng hộ các bé từ năm 2016. Tính minh bạch và rõ ràng trong thu chi của Hương khiến tôi tin tưởng, khâm phục và sẵn sàng góp sức mình, cũng như kêu gọi bạn bè, cùng mang cơ hội sống đến cho trẻ”, chị Phùng Thị Ngọc Mai, 38 tuổi, kế toán một công ty nước ngoài ở Bắc Ninh nói.
Không phải là một ngôi sao hay một doanh nhân thành đạt, thậm chí đứng trước đám đông còn nói năng còn lúng túng, nhưng cách làm từ thiện của Nguyễn Thị Thảo Hương đã kết nối được triệu tấm lòng yêu thương trẻ. Đến nay, quỹ Children Are Innocent đã giúp hơn 70 trẻ bệnh nặng được ra nước ngoài chữa trị và hơn 230 đứa trẻ khác được giúp đỡ chi phí chữa trị tại Việt Nam.
Căn chung cư 3 phòng ngủ ở đường Upper Serangoon Road của Thảo Hương và chồng, anh Adam Chua, 39 tuổi, giám đốc một công ty xây dựng, đã trở thành nơi quen thuộc của nhiều gia đình Việt khi sang đây chữa trị. Nhiều lần gia đình Hương 5 người chen chúc trên một chiếc giường để nhường phòng cho các gia đình khác.
“Sau sự cố của ba và con gái, tôi đến với việc giúp người ngoài sự phát tâm còn là lời hứa. Đã là lời hứa thì khó khăn đến mấy cũng không nản, áp lực bao nhiêu cũng phải thực hiện cho kỳ được”, Thảo Hương bộc bạch.
* Tối ngày 19/12, chị Thảo Hương báo tin bé Đức Lộc đã mất sau hơn ba năm chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.
Phan Dương – Vnexpress