Nhiễm sán lá gan nguy hiểm thế nào

Sán sinh sôi trong đường mật lâu gây đau tức, viêm, chảy máu, ung thư đường mật, nặng hơn là áp xe gan… 

Sán lá gan là bệnh ký sinh trùng mạn tính ở đường mật, nhiễm vào cơ thể khi ăn thực phẩm có sán lá, uống nước chưa được đun sôi… gây nhiễm khuẩn. Vật chủ chính sán ký sinh là người và một số động vật như chó, mèo, hổ báo, cáo chồn, rái cá, chuột. Vật chủ trung gian truyền bệnh là các loài ốc, cá nước ngọt. Cơ thể sán đều là lưỡng giới, vừa có tinh hoàn và buồng trứng. Trứng sán lá gan có vỏ mỏng nên tồn tại ở môi trường bên ngoài rất kém.

Bác sĩ sĩ Phạm Trường Giang, Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Bưu điện Hà Nội, cho biết, việc ăn những thực phẩm từ cá, ốc, rau… chưa được nấu chín là cơ hội để ấu trùng sán xâm nhập vào cơ thể. Đầu tiên chúng vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành, ký sinh và gây bệnh ở đường mật. Tại đây, sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh lên đến hàng chục năm mà khó nhận biết triệu chứng.

Sán non sẽ phát triển thành sán trưởng thành, đẻ trứng trong các đường dẫn mật. Trứng được bài xuất ra ngoài theo phân, xuống nước, phát triển theo chu kỳ khép kín rồi lây truyền tiếp tục qua đường ăn thực phẩm sống có nang trùng.

Hình ảnh sán kí sinh dày đặc trong gan. Ảnh: Fine Art America
Hình ảnh sán ký sinh dày đặc trong gan. Ảnh: Fine Art America

Bệnh sán lá gan bao gồm bệnh sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn. Sán lá gan nhỏ có 3 loại là clonorchis sinensis, opisthorchis viverrini, opisthorchis felineus. Sán lá gan lớn có 2 loại fasciola hepatica, fasciola gigantica. Thời gian ủ bệnh của cả hai loại đều phụ thuộc vào số lượng ấu trùng ăn phải và đáp ứng của vật chủ. Đối với sán lá gan nhỏ, nhiễm trên 100 sán mới có biểu hiện rõ rệt.

Sán lá gan nhỏ do ký sinh trong đường mật, sán non sẽ phát triển thành sán trưởng thành, tiếp tục sản sinh, đẻ trứng trong các đường dẫn mật. Kích thước khi sán trưởng thành chỉ dài 10-20 mm và rộng 2-4 mm. Người nhiễm sán có nguy cơ bị tắc đường mật trong gan, dẫn đến các triệu chứng ban đầu là đau tức vùng gan, rối loạn tiêu hóa, chán ăn. Sán thường bám chặt vào ống mật, dùng mồm để hút thức ăn nên lâu dần gan sẽ bị xơ hóa lan toả và thoái hoá mỡ. Một số trường hợp biểu hiện vàng da tùy theo mức độ bệnh. Khi sán sản sinh quá nhiều trong thời gian dài có thể gây viêm đường mật, chảy máu đường mật, ung thư đường mật.

Sán lá gan lớn có kích thước dài khoảng 20 – 30 mm và rộng khoảng 5 – 12 mm. Vì kích thước lớn nên ngoài các biểu hiện đau tức như sán lá gan nhỏ, sán lá gan lớn có thể gây áp xe gan, khiến đau dữ dội. Nếu khối áp xe vỡ lên phổi có thể gây tràn dịch màng phổi, sán ký sinh lạc chỗ như dưới da ngực, phổi… nguy hiểm tính mạng. Tình trạng bệnh lý của người bệnh phụ thuộc vào số lượng sán bị nhiễm, thời gian mắc nhiễm, vị trí sán ký sinh… 

Bác sĩ Giang cho biết, chẩn đoán sán lá gan thứ nhất là căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng như sốt, đau bụng gan – mật, có biểu hiện triệu chứng viêm đường mật… Sau đó thực hiện xét nghiệm phân và phản ứng miễn dịch. Điều trị bệnh sán lá gan lớn có nhiều loại thuốc đặc hiệu khác nhau như emetine, dehydroemetine, bithionol, hexachloroparaxylol, niclorofan, mebendazole…

Nếu nghi ngờ bị nhiễm bệnh sán, bệnh nhân cần đến viện làm xét nghiệm ngay lập tức, tránh để sán sinh sôi phát triển lâu. Bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện ăn chín uống sôi. Một số loại rau nếu muốn ăn sống cần xử lý thật sạch để đảm bảo an toàn.  

Thúy Quỳnh – Vnexpress