Gần 2,3 tỷ người trên thế giới bị thừa cân, trong khi khoảng 150 triệu trẻ em thiếu dinh dưỡng, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố trên The Lancet hôm 16/12.
Các nước châu Phi cận Sahara và châu Á chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Đặc biệt, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang phải đối mặt với hai vấn đề này cùng lúc, gọi là “gánh nặng kép”, với 20% người thừa cân, 30% trẻ em dưới bốn tuổi không phát triển đúng cách và 20% phụ nữ thiếu cân. 45 trong số 123 quốc gia đã gặp phải hai vấn đề này từ năm 1990.
Thực phẩm chế biến nhanh ít dinh dưỡng, nhịp sống vội khiến con người giảm các hoạt động thể chất, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân. Nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp cho vấn đề này là thay đổi “hệ thống thực phẩm hiện đại”.
Ăn nhiều thực phẩm chế biến nhanh sẽ dẫn tới tình trạng tăng trưởng kém ở trẻ. “Chúng ta đang phải đối mặt với một thực trạng về chế độ dinh dưỡng mới,” tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Francesco Branca, Giám đốc phụ trách lĩnh vực Dinh dưỡng và Phát triển của WHO, cho biết.
Sự thay đổi chế độ ăn uống là cần thiết, từ khâu sản xuất và chế biến, thông qua thương mại và phân phối, giá cả, tiếp thị và phân loại, cho đến tiêu dùng và chất thải. Theo đó, tất cả chính sách và đầu tư có liên quan phải được xem xét lại một cách triệt để.
Báo cáo nghiên cứu cũng khuyến nghị người dân nên có một chế độ ăn uống nhiều trái cây và rau quả, nguyên hạt, chất xơ và ngũ cốc. Đồng thời, nên cắt giảm thịt trong chế độ ăn uống hàng ngày, hạn chế tối đa thực phẩm và đồ uống có nhiều năng lượng hay lượng đường cao, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và muối. Với chế độ ăn uống này, cơ thể con người sẽ tăng trưởng, phát triển lành mạnh và đủ sức chống lại bệnh tật trong suốt cuộc đời.
Cùng với bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, thừa cân béo phì đang được xem là một “đại dịch” mới của thế kỷ 21 bởi sự gia tăng nhanh chóng và những hệ quả nghiêm trọng về sức khỏe cũng như gánh nặng bệnh tật mà nó gây ra. Đây là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe. Người bị béo phì ngoài thân hình phì nộn, nặng nề, khó coi còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh như rối loạn lipit máu, tăng huyết áp, sỏi mật, đái tháo đường, xương khớp và ung thư.
Trong khi đó, suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh huởng quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của trẻ. Tình trạng này thường gặp từ giai đoạn bào thai, những năm đầu đời cũng như cả thời thơ ấu. Nguyên nhân có nhiều, phần lớn liên quan kiến thức dinh dưỡng, thiếu sữa mẹ, cho trẻ ăn chưa đủ nhu cầu, chế độ ăn không cân đối, chưa chăm sóc tốt dinh dưỡng trong thời gian trẻ bệnh… Suy dinh dưỡng trẻ em ảnh hưởng đến phát triển thể lực, trí lực, sức khỏe và bệnh tật của trẻ trước mắt và lâu dài. Trẻ suy dinh dưỡng thấp còi có nguy cơ thấp chiều cao ở tuổi trưởng thành, ảnh hưởng tầm vóc nòi giống dân tộc.
Minh Ngân (Theo BBC) – Vnexpress