Điểm yếu ‘kìm chân’ tàu sân bay Sơn Đông

Động cơ diesel có dự trữ hành trình ngắn hay tiêm kích hạm nặng nề có thể hạn chế sức mạnh tàu sân bay Sơn Đông Trung Quốc vừa biên chế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 17/12 ký lệnh biên chế tàu sân bay Sơn Đông thuộc lớp Type-001A tại căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam. Truyền thông Trung Quốc mô tả đây là cột mốc quan trọng trong nỗ lực xây dựng sức mạnh hải quân của nước này, giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách với Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự quốc tế chỉ ra rằng tàu Sơn Đông được đưa vào biên chế chậm 8 tháng so với kế hoạch, cho thấy Trung Quốc dường như đã gặp phải nhiều vấn đề kỹ thuật trong quá trình đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên. Ngoài ra, những hạn chế về đặc tính kỹ chiến thuật cũng có thể khiến Sơn Đông không vượt trội nhiều so với mẫu tàu sân bay tiền nhiệm Liêu Ninh của Trung Quốc.

Ông Tập lên tàu sân bay Sơn Đông
Ông Tập ký lệnh biên chế tàu sân bay Sơn Đông. Video: CCTV.

“Tàu sân bay Sơn Đông có nhiều cải tiến so với Liêu Ninh như trang bị radar đời mới, kích thước tàu cũng lớn hơn một chút, sàn đáp rộng hơn trong khi đài chỉ huy được thu gọn, cho phép tăng diện tích sử dụng trên boong tàu. Dù vậy, chiến hạm này vẫn tồn tại hàng loạt điểm yếu không thể khắc phục trong ngắn hạn”, Matthew Funaiole, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, nhận xét.

Funaiole cho rằng vấn đề lớn nhất với Sơn Đông chính là hệ thống động cơ, tương tự vấn đề Bắc Kinh đối mặt với các dự án tiêm kích nội địa. Cả hai tàu sân bay Trung Quốc hiện nay đều dùng động cơ thông thường, trong đó sử dụng dầu diesel để đun sôi nước trong 8 nồi hơi cao áp, tạo ra hơi nước áp lực cao để chạy hệ thống turbine quay trục chân vịt và máy phát điện.

Thiết kế này dựa trên hệ thống động lực của tàu sân bay lớp Kuznetsov, nhưng sử dụng linh kiện nội địa do Trung Quốc phát triển. Ngay cả chiếc Type-002 đang đóng cũng chưa thể lắp động cơ hạt nhân.

Trong khi các tàu sân bay hạt nhân của Mỹ có thể hoạt động liên tục trên biển trong nhiều tháng mà không cần tiếp nhiên liệu, tàu Sơn Đông và Liêu Ninh đều có dự trữ hành trình quá ngắn, khiến chúng không thể hoạt động độc lập quá một tuần liên tục. Mỗi tàu tiêu thụ khoảng 1.100 tấn dầu/ngày khi di chuyển với tốc độ 37 km/h, con số này sẽ tăng tới 1.500 tấn/ngày nếu tăng tốc trong chiến đấu.

Phương án đảm bảo hậu cần của hải quân Trung Quốc cho thấy Sơn Đông cần được tiếp liệu sau khi tiêu thụ khoảng một phần ba lượng dầu mang theo. Điều này khiến nó chỉ có thể hoạt động tối đa 6 ngày, sau đó phải tiếp dầu trên biển hoặc cập cảng Trung Quốc hoặc một quốc gia thân thiện với Bắc Kinh.

Đây có thể là một hạn chế lớn, bởi Trung Quốc hiện nay chưa xây dựng được một mạng lưới đồng minh, đối tác cũng như căn cứ quân sự trên khắp thế giới như Mỹ. Điều này khiến tàu Sơn Đông chỉ có thể hoạt động ở vùng biển gần bờ, vốn không phải là nơi phát huy thế mạnh của tàu sân bay.

Trong trường hợp tác chiến ở các vùng đại dương xa bờ, Sơn Đông chỉ có thể trông chờ vào tàu hậu cần hạng nặng Type-903 với lượng giãn nước 23.000 tấn. Ngay cả khi mang tải tối đa, Type-903 cũng chỉ đủ sức cung cấp dầu cho nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc hai lần trước khi phải về cảng.

Tốc độ của Sơn Đông cũng bị giới hạn khi nó chỉ có thể di chuyển với tốc độ không quá 40 km/h, so với gần 60 km/h của tàu sân bay lớp Nimitz trong biên chế hải quân Mỹ.

Cơ chế phóng máy bay cũng là một điểm yếu khác trên tàu Sơn Đông. Con tàu dùng cơ chế cất cánh cầu nhảy (STOBAR) tương tự tàu Liêu Ninh, thay vì máy phóng hơi nước (CATOBAR) hay hiện đại hơn là máy phóng điện từ như tàu sân bay Mỹ.

Liên Xô ứng dụng STOBAR do tàu sân bay của họ được trang bị tên lửa chống hạm tầm xa và thường hoạt động ở vùng biển lạnh giá, nơi máy phóng hơi nước không bảo đảm độ tin cậy. Tàu sân bay Sơn Đông không trang bị tên lửa diệt hạm và cũng khó hoạt động ở địa cực, nhưng vẫn phải dùng STOBAR do sao chép thiết kế từ Liêu Ninh, vốn là một chiến hạm do Liên Xô chế tạo.

Chiếc Sơn Đông ra biển thử nghiệm đầu năm 2019. Ảnh: SCMP.
Tàu Sơn Đông ra biển thử nghiệm đầu năm 2019. Ảnh: SCMP.

Cơ chế STOBAR hạn chế đáng kể khối lượng cất cánh tối đa của máy bay, ảnh hưởng tới tầm bay và lượng vũ khí nó mang theo, cũng như số lần xuất kích trong mỗi nhiệm vụ. Hàng không mẫu hạm Mỹ có thể phóng nhiều loại máy bay cánh bằng với khối lượng gần 50 tấn, trong khi Liêu Ninh và Sơn Đông chỉ có thể vận hành tiêm kích J-15, bản sao của dòng Su-33 Liên Xô, với khối lượng cất cánh không quá 27 tấn.

Chiến đấu cơ J-15 cũng không phải tiêm kích hạm hiệu quả. Nó là mẫu tiêm kích hạm nặng nề nhất thế giới hiện nay. J-15 và hệ thống STOBAR buộc Trung Quốc hy sinh gần hết năng lực chiến đấu của J-15 chỉ để chúng có thể cất cánh trên biển”, Funaiole nói.

Dòng J-15 được Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) sao chép từ tiêm kích hạm Su-33 của Liên Xô, sau khi Trung Quốc mua nguyên mẫu chưa hoàn thiện mang tên mã T-10K-3 từ Ukraine vào năm 2001. Máy bay trang bị hệ thống điện tử, radar, động cơ và vũ khí do Bắc Kinh tự phát triển, nhưng chất lượng của chúng bị nghi ngờ ngay từ đầu.

“J-15 bộc lộ nhiều vấn đề, trong đó hệ thống kiểm soát bay không ổn định là yếu tố chính dẫn đến hai vụ tai nạn được công khai. Các chuyên gia không thừa nhận đó là lỗi thiết kế cho đến khi Cao Xianjian, một phi công dày dặn kinh nghiệm, gặp vấn đề tương tự”, một nguồn tin giấu tên trong hải quân Trung Quốc tiết lộ.

Độ tin cậy của động cơ WS-10H trên J-15 cũng chưa được chứng minh, nhất là khi Bắc Kinh vẫn gặp khó khăn trong chế tạo động cơ phản lực hiện đại. Nhiều chiếc J-15 vẫn lắp động cơ AL-31F do Nga chế tạo cho chiến đấu cơ Su-27.

Bắc Kinh cũng chưa có máy bay tiếp dầu trên hạm, buộc một số chiếc J-15 phải chuyên làm nhiệm vụ tiếp dầu và không thể chiến đấu. Điều này khiến truyền thông Trung Quốc nhiều lần chê bai phi đội J-15, cho rằng chúng không thể rời quá xa tàu sân bay.

Tiêm kích J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Tiêm kích J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Ngoài những vấn đề kỹ thuật, Trung Quốc cũng chưa tích lũy đủ kinh nghiệm vận hành tàu sân bay. “Họ còn rất non nớt trong hoạt động tác chiến hàng không mẫu hạm và chưa từng triển khai loại khí tài này cho các nhiệm vụ cường độ cao. Họ thậm chí còn chưa chắc chắn về học thuyết vận hành tàu sân bay của mình”, Funaiole nêu quan điểm.

Bắc Kinh đã nỗ lực khắc phục nhược điểm này bằng cách sử dụng Liêu Ninh làm tàu sân bay huấn luyện kể từ khi được biên chế năm 2012 và triển khai nó trong hàng loạt cuộc diễn tập ở biển Bột Hải, Hoàng Hải, biển Hoa Đông, Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.

“So sánh tàu sân bay Trung Quốc và Mỹ là khá bất công vì Washington đã ở trong cuộc chơi này 90 năm, còn Bắc Kinh mới bắt đầu đặt chân vào hoạt động tác chiến hàng không mẫu hạm”, Funaiole nói, cho rằng Liêu Ninh và Sơn Đông có thể không trở thành những nền tảng chiến đấu hiện đại.

“Thay vào đó, chúng là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang thực hành chế tạo và vận hành tàu sân bay, chuẩn bị cho bước tiếp theo trong tham vọng trở thành siêu cường quân sự”, chuyên gia Mỹ nhận định.

Vũ Anh (Theo Business Insider) – Vnexpress