Một trong những thác nước mang tính biểu tượng nhất thế giới – thác Victoria – bị cạn khô khi hạn hán đang làm tê liệt khu vực phía nam Châu Phi.
Thác Victoria, nằm giữa Zambia và Zimbabwe, gần như đã hoàn toàn cạn khô và những dòng nước chảy xuống các hẻm núi gần như biến mất. Thay vào đó, thác nước chỉ còn một vài vũng nước nhỏ bên dưới.
Mực nước của thác nước lớn nhất thế giới, với âm thanh vốn có thể nghe thấy từ xa, hiện giảm tới 50%, mức thấp kỷ lục trong vòng 40 năm qua, theo Daily Mail.
Có thể thấy rõ những sự biến đổi này trong bức ảnh trước và sau cuộc khủng hoảng với giới tự nhiên trong khu vực. Những mảng xanh lá tươi tắn đã biến mất, thay vào đó là những khoảng đồng cỏ nâu vàng ảm đạm.
Biến đổi khí hậu được xem là nguyên nhân gây ra sự biến đổi mạnh mẽ cảnh quan ở đây. Tổng thống Zambia đã trực tiếp kêu gọi sự hỗ trợ của các nước phương Tây trong bảo vệ môi trường.
Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn khủng hoảng gia tăng hơn nữa, Tổng thống Zambian Edgar Lungu đã nêu bật những thiệt hại mà nhiệt độ trái đất nóng lên gây ra.
“Có lẽ họ đang sống ở một thế giới khác. Nhưng ở thế giới mà chúng ta đang sống, Zambia chúng tôi cảm nhận rõ những tác động của biến đổi khí hậu thực sự gây hại. Và nó đang ảnh hưởng tới tất cả mọi người” – ông nói.
Tuy nhiên, hội đồng du lịch địa phương lại có quan điểm khác. Họ bác bỏ những lo ngại về sự tồn tại trong tương lai của thác Victoria đang bị đe dọa.
“Việc mực nước xuống thấp vào thời gian này trong năm là bình thường nhưng thác nước sẽ không bao giờ khô cạn cả. Trong những năm qua, nước ở thác không nhiều như đã từng có nhưng nó sẽ không bao giờ khô cạn” – tuyên bố cho biết.
Victoria là thác nước tự nhiên cao hơn 100m, là cảnh quan thiên nhiên thu hút hàng nghìn lượt du khách mỗi năm và là nguồn lực thúc đẩy kinh tế địa phương.
Hạn hán không chỉ đe dọa gây ảnh hưởng tới ngành du lịch và dịch vụ sở tại mà còn gây tác động mạnh tới các loài động vật hoang dã trong vườn quốc gia.
Khoảng 8 triệu người dân ở Zimbabwe hiện được cho là phụ thuộc vào các gói thực phẩm từ các nhà cung cấp viện trợ nước ngoài và các dự án bảo tồn các loài động thực vật đã được triển khai.
Theo Kênh14