Trong suốt những năm qua, Táo Quân đã trở thành một “món ăn” không thể thiếu của khán giả Việt Nam trong mỗi dịp Tết đến.
Táo Quân luôn là món ăn tinh thần truyền thống trong dịp Tết nguyên đán. Từ năm 2003, rất nhiều người đã hình thành thói quen xem Táo quân để nhìn lại những sự kiện nổi bật suốt 1 năm qua và chờ đợi đến khoảnh khắc giao thừa. Tuy nhiên mới đây, thông tin Táo Quân dừng sản xuất sau 16 năm lên sóng đã khiến dân tình vô cùng hụt hẫng. Theo thông tin từ VFC, Táo quân được thay thế bằng một chương trình truyền hình khác sẽ được bật mí vào tháng 12 sắp tới đây.
Táo Quân có tên gọi chính thức là Gặp nhau cuối năm, được Hãng phim truyền hình Việt Nam (nay là Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam) sản xuất từ năm 2003. Thời điểm vừa ra mắt, Táo Quân chỉ là một tiểu phẩm nhỏ của chương trình với sự đầu tư khá hạn chế. Tuy nhiên, chính nhờ phần nội dung mới lạ phản ánh và châm biếm những mặt trái của xã hội, Táo Quân đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả chỉ sau vài số phát sóng.
Đến năm 2006, Táo quân mới chiếm lĩnh toàn bộ Gặp nhau cuối tuần, trở thành một show diễn tấu trình của các Táo về các vấn đề quan trọng của đất nước bằng ngôn ngữ của hài kịch và kết thúc là màn “xoa dịu”, xí xóa của Ngọc Hoàng nhằm giã từ năm cũ để hướng tới năm mới một cách tốt đẹp hơn. Lúc này, phần dàn dựng cũng như phục trang của nhân vật cũng được chăm chút và đầu tư hơn nhiều qua mỗi năm.
Trong dàn diễn viên của Táo Quân, có lẽ “Nam Tào” Xuân Bắc và “Bắc Đẩu” Công Lý là 2 gương mặt “thương hiệu” của chương trình trong suốt 15 năm qua. Cùng với Nam Tào, Bắc Đẩu là người kề cận bên Ngọc Hoàng trong mỗi buổi chầu cuối năm. Qua nhiều năm, tạo hình của “cô Đẩu” cũng được đầu tư và chăm chút hơn rất nhiều.
Năm 2011, Táo Văn hóa Xã hội (Tự Long) bị Nam Tào – Bắc Đẩu phối hợp chế giễu bằng bản nhạcĐi học với những ca từ cười ra nước mắt: “Hôm qua em đến trường, bạn đánh em gần chết. Bao nhiêu bạn quay phim, cả trường em biết hết…”. Đây là năm ngành giáo dục vướng nhiều lùm xùm, từ bệnh thành tích cho tới hàng loạt vụ bạo lực học đường bị phát tán trên mạng.
Táo Quân 2012 tiếp tục khiến khán giả cười ra nước mắt khi chế lời trên nền nhạc ca khúc Tiếng Đàn Ta Lư phản ánh vấn nạn hối lộ “phong bì” đang nổi cộm trong xã hội.
Táo Kinh tế Quang Thắng gây ấn tượng với màn báo cáo vào năm 2013. Ca khúc đình đám Gangnam Style được biến tấu thành Hoang mang styleđể vẽ ra bức tranh ảm đạm của kinh tế Việt Nam. Câu hát “Một năm kinh tế buồn” cũng gắn với nghệ sĩ Quang Thắng kể từ đó.
Năm 2014, vấn nạn bạo hành trẻ em tại các cơ sở trông trẻ đã được Táo Quân khéo léo đưa lên sau vụ việc cô giáo nhà trẻ có hành động đánh và dọa thả các em nhỏ vào thùng nước do không chịu ăn.
Năm 2015, Táo Quân vẫn “bình cũ rượu mới”, giữ nguyên kịch bản mà chỉ thêm vào những vấn đề nổi cộm của năm ấy.
Năm 2016, khi Táo Quân đứng giữa 2 luồng ý kiến trái chiều. Trong đó, đa phần các ý kiến đều chê bai là chương trình đã cũ kỹ, giảm sức hút, ê kíp đã có sự đổi mới kịp thời. Trong đó, điểm nhấn chính là vòng quay tham nhũng với màn đấu tố của các Táo. Ngoài ra, chương trình cũng chạm thẳng vào các vấn đề được quan tâm trong suốt 12 tháng như thói “con ông cháu cha”, nạn thu phí tràn lan, vấn đề an toàn thực phẩm… Nhờ những thay đổi này, Táo Quân được cho là lấy lại sự sắc sảo vốn có.
Những năm gần đây, Táo Quân đã có sự chuyển giao khi nhiều nghệ sĩ trẻ tham gia chương trình, mang đến sắc màu mới. Thậm chí, các diễn viên nhí cũng được “chiêu mộ”, trong đó có con trai của “Nam Tào” Xuân Bắc.
Sau 16 năm phát sóng, Táo Quân đã trở thành một phần ký ức không thể quên của nhiều thế hệ khán giả. Dù rằng sau này mỗi dịp Tết đến xuân về không còn Táo Quân, song chương trình vẫn sẽ mãi ghi dấu trong lòng nhiều người.
Theo Yan.vn