Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm việc với vợ Chủ tịch tỉnh Hà Giang trước ngày tuyên án vụ gian lận điểm thi

Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 24-10 đã làm việc tại tỉnh Hà Giang trước ngày tuyên án sơ thẩm vụ gian lận điểm thi tại tỉnh này, trong đó có làm việc với bà Nguyễn Thị Nga (chuyên viên Sở Tài chính), vợ ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch tỉnh này.

Ngày 24-10, nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cử đoàn công tác làm việc tại tỉnh Hà Giang, trong đó đoàn công tác có làm việc liên quan đến vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang.

Trụ sở Sở Tài chính Hà Giang

Theo nguồn tin, đoàn công tác làm việc về nhiều nội dung, trong đó có nội dung về việc rà soát, kiểm tra cán bộ, đảng viên vi phạm đợt 2, có liên quan đến vụ án gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang. Tuy không tiết lộ tổng số cán bộ trong diện rà soát, xem xét kỷ luật trong đợt 2 này, nhưng theo nguồn tin, trong số này có bà Nguyễn Thị Nga (chuyên viên Sở Tài chính). Bà Nga là vợ ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Còn lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Hà Giang từ chối cung cấp thông tin liên quan về quá trình kiểm tra, rà soát, làm việc với vợ bà Nga với lý do chưa được cấp trên cho phép.

Tuy nhiên, theo nguồn tin, trong buổi sáng 24-10, đoàn công tác thuộc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm việc trực tiếp với cá nhân bà Nga.

Một nguồn tin khác cũng cho hay trong danh sách cán bộ, đảng viên vi phạm sẽ bị xử lý đợt 2 này ngoài bà Nga, còn có bà Nguyễn Thúy Nga, bà ngoại của thí sinh Mai Vương B.N. (thí sinh B.N. là con bà Vương Ngọc Hà, phó trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hà Giang)…

Các bị cáo tại phiên toà xét xử

Trước đó, một lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang xác nhận đã nắm được việc bà Nguyễn Thị Nga đã nhắn tin “nhờ vả” xem, nâng điểm cho người thân trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang.

Theo tài liệu đã được công bố, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, bà Nga đã dùng điện thoại cá nhân nhiều lần nhắn tin cho bà Triệu Thị Chính (khi đó là Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang) nhờ giúp đỡ cho một người cháu. Bà Chính sau đó nhắn lại “sẽ cố gắng trong khả năng”, tuy nhiên thí sinh này sau đó cũng chưa được nâng điểm.

Vị lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cho hay theo quy định, bà Nga là đảng viên nên việc nhắn tin “nhờ vả” xem điểm, nâng điểm cho người thân là vi phạm vào những điều đảng viên không được làm nên phải xử lý, kiểm điểm nhưng sẽ tùy theo mức độ, tính chất vi phạm.

Lý giải thêm, vị lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cho biết trường hợp bà Nga không nằm trong danh sách 151 cán bộ đảng viên liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT năm 2018 ở tỉnh Hà Giang bị xử lý đã công bố là do trước đây chưa phát hiện ra. Hơn nữa, trong danh sách 151 cán bộ đã bị xử lý thì chỉ có các phụ huynh nhờ nâng điểm cho con. Tuy nhiên, mới đây khi cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang tổ chức kiểm điểm đối với bà Triệu Thị Chính, cựu Phó đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, thì mới phát hiện ra trường hợp bà Nguyễn Thị Nga. Đây được coi là tình tiết mới và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang sẽ bổ sung vào để xử lý cùng với danh sách mà tỉnh đã xử lý.

Theo dự kiến, ngày mai 25-10, HĐXX TAND tỉnh Hà Giang sẽ tuyên án sơ thẩm vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT năm 2018 ở tỉnh này.

Trong phiên tòa ngày 18-10, VKSND tỉnh Hà Giang đề nghị bị cáo Nguyễn Thanh Hoài 8 đến 9 năm tù, Vũ Trọng Lương 7 đến 8 năm tù; các bị cáo Triệu Thị Chính và Lê Thị Dung 2 đến 2,5 năm tù. Riêng bị cáo Phạm Văn Khuông bị đề nghị 1,5 năm tù treo.

Theo B.H.Thanh (Người lao động)

Để lại một bình luận