Hai ngày sau thông báo “nước sông Đà đã đạt chuẩn của Bộ Y tế”, bà Tạ Thị Thu Hậu ở quận Cầu Giấy, Hà Nội vẫn đi siêu thị mua nước đóng chai.
Tối 22/10, bà Tạ Thị Thu Hậu, tầng 10, chung cư 17T10 (Trung Hoà – Nhân Chính) giục chồng thay mới 5 lõi cho máy lọc nước gia đình. Các lõi cũ mới dùng hơn một tháng nhưng bà muốn thay để đón “nước đã an toàn” như thành phố thông báo chiều nay.
Từ trong bếp, bát “nước an toàn” đầu tiên chảy ra. Bốn người nhà bà Hậu chụm đầu dưới ánh điện chờ xem thế nào. Một lớp váng loang loáng nổi trên bề mặt, không rõ là gì. Bát nước thứ hai, thứ ba vẫn vậy. Sau vài bát nước mà tình trạng váng vẫn không giảm, hai cậu con trai quay sang bảo bố: “Thôi, mai bọn con lại đi mua nước”.
Nhưng chị Hoài Thu, không thể làm như bà Hậu. Quán bún dưới chân chung cư là sinh kế, chị vẫn phải mở dù biết chắc sẽ ế. “Cả tuần nay chẳng có mấy người ăn. Khách kỳ thị nước khu mình bẩn, họ đi chỗ khác thật xa ấy”, chị Thu nói. Và đúng như chị dự đoán, mười giờ sáng, nồi nước dùng trên bếp vẫn đầy, khách hàng duy nhất ngồi ăn là người hàng xóm.
Từ hôm bắt đầu cuộc khủng hoảng nước sạch sông Đà tới nay, hôm nào chị Thu cũng chăm chú dõi theo các phương tiện truyền thông để mong tin. Chiều 22/10, chị cũng háo hức như nhiều người dân chung cư 17T10, vặn thử vòi nước trên nhà ở tầng 8 nhưng nước chảy ra trắng “như nước vo gạo”. Sau khoảng 10 phút, nước trong trở lại, dưới đáy xô bám một lớp cặn, không rõ là thứ gì. Nước hứng ở các nhà hàng xóm cũng trong tình trạng tương tự.
“Giờ có nước dùng là may rồi, chứ không tin tưởng thì cắn răng mà chịu. Ai có tiền mua nước đóng chai cả đời được”, chị Thu khẳng định vẫn sẽ dùng nước này dù không mấy tin tưởng. Chị không còn lựa chọn khác.
Một trong 69 mẫu nước được Sở Y tế Hà Nội thu thập làm mẫu xét nghiệm, được lấy từ vòi của chung cư 17T10. Nhưng ngay cả khi nước của chính tòa nhà mình được khẳng định an toàn, cư dân tại đây vẫn không cảm thấy yên tâm.
Nhưng những người dân như chị Thu và bà Hậu thừa nhận, họ cảm thấy hoang mang vì quá nhiều thứ “thông báo và khuyến nghị”. “Mới mấy ngày trước khuyến cáo là chỉ để tắm giặt chứ không nên ăn. Các chuyên gia thì bảo, khắc phục sự cố phải mất cả năm, thế mà hôm nay thành phố đã bảo ăn uống được rồi. Thật khó tin”.
Theo tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, những người có chuyên môn về môi trường đều biết, dầu thải được xếp vào loại chất thải nguy hại 2 sao “tức là khẳng định loại chất thải nguy hại mà không cần phân tích và so sánh với các loại quy chuẩn”. Theo ông Trường, nhà máy xử lý nước thì có thể cọ rửa, cho chất tẩy (chất hoạt động bề mặt) vào để làm sạch dầu bám tại các bể hở, nhưng đường ống dẫn nước, bể ngầm tại các chung cư, gia đình thì “còn mất rất nhiều thời gian”.
Trong phòng bảo vệ chung cư 17T10, ông Tuấn còn giữ lại một xô nước “vật chứng” đặc quánh, đen và loáng nhớt là “sản phẩm” của cuộc thau rửa bể nước của chung cư này suốt 14 tiếng đồng hồ hôm thứ sáu tuần trước (ngày 18/10).
Từ 8h sáng hôm ấy, nhóm cư dân cùng công nhân nhà máy nước chui xuống bể, dùng 4 lít Javen và 6 lít nước rửa bát nhập ngoại, thau rửa đến gần 22h cùng ngày. Hàng nghìn lít nước đen sánh được bơm ra ngoài. Người dân bảo ông Tuấn giữ lại một xô để “không bao giờ quên cái thảm họa này”. Mỗi lần đi qua phòng bảo vệ, trông vào cái xô ấy, cư dân 17T10 quên hẳn cái ý định dùng lại nước vòi. Những người đàn ông trong chung cư này sẽ đều đặn giúp vợ đi mua nước đóng chai mỗi ngày như chồng con bà Hậu. Ít ra là đến cuối năm nay.
Ở một góc khác của thủ đô, ông Nguyễn Văn Sâm, 64 tuổi, kể chuyện 4 tiếng đồng hồ thau rửa bể nước gia đình. “Dầu bám vào tay tôi, rửa xà phòng mấy lần còn chưa hết. Hàng mấy chục km đường ống suốt từ nhà máy về các hộ, làm thế nào mà đã dám khẳng định là sạch?”, ông Sâm chui lên từ dưới bể nước, chìa đôi tay đen kịt vì dính thứ dung dịch đọng ở thành bể.
Các hộ dân tổ 7, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm của ông Sâm, sáng ấy đồng loạt khóa vòi, thau rửa bể để đón “nước an toàn”. Mấy hôm trước, ông Sâm cầm đèn pin soi xuống bể vẫn thấy nước trong nên cứ yên tâm. Chỉ khi bơm nước lên, “bà nhà tôi nhìn thấy đã rú lên vì không ngờ nước đen như nước cống”. Nghĩ lại cảnh gần một tuần dùng thứ nước kia cho sinh hoạt, ông cảm thấy “giận sôi người”.
Vợ chồng ông Sâm muốn có một cơ quan độc lập làm lại một cuộc xét nghiệm từ đầu. Ông sợ rằng, khi một sự cố tương tự ập đến, câu trả lời mình nhận được vẫn sẽ chỉ là “ngoài khả năng xử lý”.
Nguyện vọng “nước sạch sông Đà được xét nghiệm nước bởi một cơ quan độc lập” không phải của riêng cư dân tổ 7 phường Trung Văn. Chị Thu Mai, 34 tuổi, sống tại phường Định Công, quận Hoàng Mai không yên tâm hoàn toàn với thông báo của Hà Nội. “Sao làm xét nghiệm nhanh thế?”, chị Mai nói và cho biết trong suốt 12 ngày của cuộc khủng hoảng, nước trong bể nhà chị không có bất cứ khác biệt gì so với mọi khi nên “không thể tin tưởng, cứ nước trong và không có mùi là nước sạch”.
Không như những người dân chung cư 17T10 ở Trung Hòa, chị Mai không háo hức đợi “nước an toàn” chảy ra từ vòi để kiểm tra. Thông báo của thành phố không tác động gì đến nếp sinh hoạt của gia đình. Chị vẫn sẽ đi mua nước bình để ăn uống. Bố mẹ chồng chị sẽ vẫn ngày ngày mua thực phẩm từ phố Huế rồi buổi chiều đạp xe mang xuống Định Công cho con cháu.
Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi hắc như dầu cháy xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm…
Ngày 14/10, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về việc xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình). Sau đó, dầu lan vào kênh dẫn của Nhà máy nước sạch sông Đà. Một số cán bộ công ty phát hiện dầu thải sáng 9/10, nhưng không báo cơ quan chức năng; không ngăn chặn ô nhiễm.
Ngày 15/10, Hà Nội thông báo nước bị nhiễm độc, “chỉ nên dùng để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống”.
Ngày 22/10, Hà Nội công bố “nước sông Đà có thể ăn uống”.
Thanh Lam Vietnamnet