Ba ngày qua, nhiều người dân Đà Nẵng thức cả đêm để hứng từng giọt nước sinh hoạt nhưng số nước này cũng chỉ đủ tắm, giặt ở mức tối thiểu.
4h sáng ngày 21/8, vợ chồng ông Đặng Em (57 tuổi) thức giấc chuẩn bị đồ nấu bánh canh và xôi bán buổi sáng, nhưng khi vặn vòi lấy nước để chế biến, ông thấy nước chảy nhỏ giọt. Một tiếng sau, nước bị mất hoàn toàn.
Quán bánh canh buổi sáng mở hàng muộn hơn bình thường khoảng một giờ đồng hồ nên vắng khách. Ông Em bán hết lượt bát đũa chuẩn bị sẵn song không có nước để rửa. “Đây là lần đầu tiên nhà tôi lâm vào tình trạng này”, ông Em nói.
Nhà ông ở ngõ số 7 đường Pasteur, phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) – khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng. Hôm 18/8, cũng như hàng trăm nghìn người dân thành phố, ông nhận được tin nhắn từ Công ty Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) thông báo việc giảm công suất cấp nước do nguồn nước thô bị nhiễm mặn. Đây là lần thứ ba kể từ tháng 4 đến nay, Dawaco gửi thông báo như trên. Hai lần trước, khu vực trung tâm thành phố ít bị ảnh hưởng.
Ở bên kia sông Hàn, nhiều hộ dân ở quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn đã phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt suốt ba ngày nay. Bà Đặng Thị Anh (57 tuổi, đường Hồ Ngọc Lãm, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết máy giặt của gia đình bà không thể hoạt động vì không đủ nước, sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn.
“Đêm nào tôi cũng phải canh chừng 2h sáng dậy mở vòi rồi dùng xô, chậu hứng nước”, bà Anh nói và cho biết nhiều người dân trong vùng đã phải đi xách nước từ bồn di động do Dawaco chở đến, hoặc mua nước bình đóng sẵn về sinh hoạt.
Cách nhà bà Anh chừng một km, nhà bà Huỳnh Thị Lan (65 tuổi, phường Phước Mỹ) cũng trong cảnh ngồi chờ từ sáng đến trưa không có nước rửa rau, nấu cơm. Đến trưa, bà Lan phải đi mua bún, bánh canh cho năm người trong nhà dùng bữa. Hai đứa cháu được thuyết phục chỉ chơi trong phòng điều hoà để đỡ ra mồ hôi và ít phải tắm, giặt. Nhiều người ở quanh khu vực nhà bà chọn cách ra biển tắm rồi về dội vài ca nước ngọt trữ được cho qua ngày.
Ông Hồ Hương – Tổng giám đốc Dawaco cho biết, công suất của các nhà máy đủ cấp nước cho dân, nhưng vấn đề là không có nước thô để sản xuất. Do nắng nóng kéo dài, nước từ thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam) cạn kiệt nên không thể đẩy mặn được cho nhà máy nước Cầu Đỏ (nơi cung cấp 80% nước sạch cho Đà Nẵng). Độ mặn cao nhất ghi nhận lúc 9h30 ngày 2/7 là 4.411mg/lít, trong khi độ mặn cao nhất năm 2018 ở ngưỡng 1.207mg/lít.
“Tình trạng nhiễm mặn nguồn nước là nghiêm trọng và kéo dài nhất từ trước đến nay”, ông Hương nói và cho biết Dawaco đã tăng cường 19 bồn cấp nước tạm cho người dân ở Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.
Trưa 21/8, UBND TP Đà Nẵng triệu tập cuộc họp khẩn với các bên để bàn tính phương án đảm bảo nước cho người dân. Ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho hay, thành phố sẽ đề nghị hai thuỷ điện A Vương và Đắk Mi 4 của Quảng Nam xả lần lượt 70 m3/s và 25 m3/s trong 24h, giúp đẩy mặn cho khu vực Cầu Đỏ xuống khoảng 800 mg/l (ngưỡng có thể lấy được nước thô”.
“Bây giờ chúng tôi chỉ mong trời đổ mưa, vì không thể huy động nước đẩy mặn mãi được”, ông Hùng nói.
Đà Nẵng cũng lắp đặt thêm đường ống tăng công suất bơm của trạm phòng mặn An Trạch về nhà máy nước Cầu Đỏ từ 210.000 m3 lên 240.000 m3/ngày; vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm và ưu tiên cho việc cấp nước sinh hoạt.
Dung tích còn lại của hồ A Vương so với mực nước chết vào sáng 20/8 là 28,55 triệu m3, nếu xả 50 đến 70 m3/s thì còn khoảng 10 ngày là cạn nước; hồ Đắk Mi 4 còn 16,76 triệu m3, nếu xả nước về hạ lưu sông Vu Gia với lưu lượng 25 m3/s thì còn hơn 7 ngày là hồ cạn.
Nguyễn Đông – Vnexpress