Đèo Bảo Lộc sạt lở hàng chục điểm, đường lên Đà Lạt tê liệt

Hàng nghìn m3 đất đá trên đèo Bảo Lộc ập xuống mặt đường quốc lộ 20, xe cộ nối đuôi kéo dài hàng chục km.

Sau nhiều ngày mưa lớn, rạng sáng 9/8, suốt 10 km đèo Bảo Lộc (đoạn giao giữa TP Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) xuất hiện nhiều điểm sạt lở, đất đá ập xuống chắn mặt đường quốc lộ 20 nối TP HCM lên Đà Lạt.

Lực lượng cứu hộ dọn bùn đất tại điểm sạt lở. Ảnh: Hoài Thanh.

Khi đoàn xe nối đuôi chờ lực lượng chức năng thông tuyến, bất ngờ bị đất đá từ triền đèo đổ sập xuống lùa một xe giường nằm xuống vực sâu 50 m. UBND huyện Đạ Huoai huy động 100 người tiếp cận cứu 24 người mắc kẹt trong xe. 5 hành khách bị gãy tay, chân được đưa đi cấp cứu.

“Để tiếp cận được chiếc xe bị nạn, bốn xe múc hoạt động hết công suất nhưng do trời mưa lớn, đất vừa đào lên lại ụp xuống. Sau một giờ nỗ lực, chúng tôi đã giải cứu thành công hành khách gặp nạn”, ông Lưu Hồng Long, Bí thư Đảng ủy thị trấn Đạ M’ri (huyện Đạ Huoai) nói.

Sạt lở cũng đã khiến một ôtô 7 chỗ bị đất đá cuốn xuống taluy âm. Những người có mặt trên xe đã kịp thoát ra ngoài.

Chiếc ôtô được kéo lên sau khi bị trôi xuống bờ taluy. Ảnh: Hoài Thanh.

Hàng chục phương tiện cơ giới xuất phát từ hai đầu đèo Bảo Lộc giải phóng hàng nghìn m3 đất đá ở 20 điểm sạt lở lớn nhỏ. Đến trưa nay, các điểm sạt lở cơ bản được đào thông nhưng một lượng lớn bùn đất chưa được làm sạch khiến mặt đường trơn trượt.

Cảnh sát túc trực điều tiết giao thông và cùng với cơ quan chức năng đang hỗ trợ các phương tiện bị mắc kẹt trong đèo thoát ra ngoài. Trên quốc lộ 20 ở hai đầu đèo, hàng nghìn xe nối đuôi nhau kéo dài hàng chục km.

Cảnh sát chốt chặn xe ở hai đầu đèo. Ảnh: Hoài Thanh.

Đèo Bảo Lộc dài 10 km trên quốc lộ 20 nối huyện Đạ Huoai và TP Bảo Lộc. Đèo ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển, với hơn 100 khúc cua ngoằn ngoèo, là một trong những đèo hiểm trở nhất Việt Nam.

Các tỉnh đang bị ảnh hưởng của mưa lũ. Ảnh: Thanh Huyền.

Những ngày qua, mưa lũ ở Tây Nguyên diễn biến phức tạp. Tại Lâm Đồng, hàng trăm căn nhà cùng nhiều diện tích hoa màu của người dân huyện Bảo Lộc, Lạc Dương bị ngập sâu, giao thông chia cắt. Trong lúc tham gia cứu hộ, ông Hoàng Minh Tú, công an viên xã Lộc Châu (huyện Bảo Lộc) bị nước cuốn chết.

Tại Đăk Lăk, gần 800 căn nhà và hàng nghìn hecta hoa màu ở huyện Ea Sup và Buôn Đôn bị ngập nặng, giao thông chia cắt. Ông Hoàng Trung Tùng (65 tuổi, ở huyện Cư Mgar) bị nước lũ cuốn chết khi men theo con suối về nhà.

Tại Đăk Nông, chiều 8/8, thi thể anh Trần Văn Hiệu (28 tuổi) cùng vợ Đỗ Thị Yến (25 tuổi) và con gái Trần Thị Diệu (2 tuổi) được tìm thấy trong căn nhà sập hoàn toàn do sạt lở đồi ở giữa hồ thủy điện Đăk Sin 1. Đập thủy điện Đăk Kar được cảnh báo có nguy cơ vỡ, 400 hộ dân xung quanh phải sơ tán.

Ở Gia Lai, bé Rơ Châm Khải (7 tuổi, huyện Chư Prông) đã chết khi bị dòng chảy mạnh cuốn vào cống.

Mưa lũ cũng gây ngập sâu nhiều nơi ở Phú Quốc (Kiên Giang), hàng trăm hộ dân phải sơ tán.

Hoài Thanh – Vnexpress

Để lại một bình luận