Điểm chuẩn xét tuyển đại học năm 2019 có thể tăng

Dựa vào phổ điểm thi THPT quốc gia, nhiều chuyên gia tuyển sinh dự báo điểm chuẩn vào nhiều trường top trên sẽ tăng hơn năm ngoái 1-3 điểm.

Đánh giá về phổ điểm các khối truyền thống được công bố ngày 14/7, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng các khối có nhiều thí sinh đăng ký và nhiều trường sử dụng thì phổ điểm phân hóa tốt hơn năm ngoái.

Ví dụ ở khối A00 (Toán, Lý, Hóa), nếu như mức 18 điểm có hơn 33.890 em thì đến mức 21 là 32.320, mức 22 là 25.820, mức 24 là 18.200, mức 26 chỉ còn trên 2.880 và điểm 27 là 1.115 thí sinh. Tương tự khối A01 (Toán, Lý, Anh), mức 26 điểm có 3.710, mức 28 có 420 em. Khối các trường y dược hay xét là B00 (Toán, Hóa, Sinh) thì mức 25 điểm là 2.500, mức 26 là 1.410, mức 27 là 713 em. 

Từ phổ điểm trên cộng với việc các đại học có nhiều phương án tuyển sinh, chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia giảm, ông Sơn dự đoán điểm chuẩn vào các trường và ngành top trên sẽ tăng hơn năm ngoái 1-3 điểm. Nhóm trường y dược, công an và quân đội sẽ tăng cao nhất. Các trường, ngành hàng năm có điểm xét tuyển ngưỡng 18-20 sẽ ít biến động, nếu có tăng thì không quá 2 điểm. 

Phân tích điểm trung bình từng tổ hợp xét tuyển, TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Đại học Nha Trang, nhận thấy khối A00 có điểm trung bình tăng 1,9 điểm, trung vị tăng 2,25 điểm so với năm 2018; khối B00 có điểm trung bình tăng 1,49 điểm, trung vị tăng 1,75. Tuy vậy, số nguyện vọng dùng điểm thi THPT giảm nhiều so với năm 2018, khoảng 30.000 cho từng khối.

Việc xét tuyển bằng điểm thi, theo ông Phương, khó dự đoán vì nhiều trường top trên đã dành chỉ tiêu đáng kể để tuyển bằng các phương thức riêng như học bạ, kết quả thi đánh giá năng lực hay tuyển thẳng. Đại học Nha Trang còn xét tuyển điểm tốt nghiệp THPT (theo quy chế thi THPT là 70% điểm 4 môn thi bắt buộc + 30% điểm trung bình lớp 12), bên cạnh các phuơng thức truyền thống khác.

Vì thế, các trường top trên có thể đẩy điểm chuẩn tăng 1-3 điểm so với năm ngoái, ảnh hưởng đến trường top giữa. Còn các trường top dưới ít bị ảnh hưởng bởi phổ điểm dùng ở cận dưới.

Bảng phân tích số liệu từ phổ điểm của TS Tô Văn Phương.

Trực tiếp làm phổ điểm thi THPT quốc gia 2019, ông Sái Công Hồng, Cục phó Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận xét, hầu hết tổ hợp (khối thi) đều đạt mức điểm trung bình là 16-19. Khoảng 75% thí sinh đạt tổng điểm ba môn xét tuyển đại học từ 15 trở lên. Phổ điểm ở khoảng 15-20 điểm, nhích hơn năm 2018 từ 1 đến 1,5 điểm, do vậy điểm chuẩn có thể tăng 0,5-1,5 điểm.

Từ ngưỡng 21 điểm trở lên, đồ thị phổ điểm có độ dốc tương đối lớn, chứng tỏ sự phân hóa rõ. Đặc biệt mức 24-25 điểm theo phân tích, so sánh là không thay đổi đáng kể so với năm 2018. Do vậy, điểm chuẩn của các trường top trên có thể nhích lên tùy theo sức hút của từng trường, từng ngành nhưng độ tăng không lớn.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019 ở TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019 ở TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn

Từ góc độ đại học, PGS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân, nhận định một số ngành như Kinh tế quốc tế, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính – Ngân hàng, Thương mại điện tử, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng hay Quan hệ công chúng có thể tăng điểm so với năm 2018. Những ngành này năm ngoái đều lấy hơn 22 điểm (Kinh tế quốc tế lấy 24,35).

Ngoài ra, Đại học Kinh tế quốc dân có nhiều ngành để thí sinh đạt 20 điểm (cộng trừ 1 điểm) có thể trúng tuyển, ví dụ: Thống kê kinh tế, Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế tài nguyên thiên nhiên, Quản lý tài nguyên và môi trường, Khoa học quản lý, Quản lý công, Quản lý đất đai, hay một số ngành, chương trình học bằng tiếng Anh. Điểm chuẩn 2018 các ngành này khoảng 21.

Ở góc độ khác, PGS Đỗ Văn Xê (Hiệu trưởng Đại học Hùng Vương, TP HCM), cho rằng phân tích phổ điểm không nói lên được điều gì về điểm chuẩn đại học. Bởi phổ điểm là đang nói về mức điểm chung của một quần thể, trong khi xét tuyển đại học là dựa vào điểm của từng cá nhân và nhu cầu của từng trường.

“Không nói về điểm chuẩn, nhưng mặt bằng chung điểm các môn tốt hơn so với năm ngoái từ 0,25 đến 0,5 điểm”, ông Xê nói.

Các mốc xét tuyển đại học thí sinh cần nhớ. Đồ họa: Tạ Lư

Năm 2019, cả nước có hơn 887.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Số đăng ký thi để xét tuyển đại học là 653.200. Tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học năm nay là 489.630, trong đó 341.840 xét bằng điểm thi THPT quốc gia, còn lại bằng các phương thức khác.

Theo quy định, thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số nguyện vọng năm nay là 2,5 triệu.

Tỷ lệ nguyện vọng theo các khối thi lần lượt là: D01 Văn – Tiếng Anh – Toán chiếm 30,74%; A00 Toán – Lý – Hóa chiếm 28,04%; A01 Tiếng Anh – Toán – Lý chiếm 12,86%; khối C00 Văn – Sử – Địa chiếm 9,64%; khối B00 Toán – Hóa – Sinh chiếm 8,73%; còn lại là các khối khác. 

Mạnh Tùng – Dương Tâm – Vnexpress

Để lại một bình luận