Dù có nhiều chính sách khuyến khích, Việt Nam vẫn đang thiếu hụt dòng vốn đầu tư vào các dự án phát triển bền vững.
Một báo cáo gần đây của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC dự báo tổng tiềm năng đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu của Việt Nam có thể lên đến 753 tỷ USD từ nay tới năm 2030. Trong đó, cơ hội đầu tư vào năng lượng tái tạo khoảng 59 tỷ USD, gồm 31 tỷ USD nằm ở dự án năng lượng mặt trời, 19 tỷ USD cho các dự án thủy điện nhỏ và 80 tỷ USD cho các công trình xanh.
Tuy nhiên, dòng vốn thực tế đang chảy vào mảng tăng trưởng bền vững ở Việt Nam còn khá nhỏ giọt. Số liệu của Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, quý I/2019, có 20 tổ chức tín dụng đã cho vay với dự nợ tín dụng xanh chỉ 242.000 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ cho vay trung và dài hạn xấp xỉ 188.000 tỷ đồng, ngắn hạn khoảng 54.000 tỷ đồng. Chiếm lớn nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, với 131.000 tỷ đồng. Lâm nghiệp bền vững là 13.600 tỷ đồng. Năng lượng tái tạo chỉ khoảng 8.000 tỷ, chiếm 3,5% tổng dư nợ tín dụng xanh.
“So với tổng dư nợ cho vay toàn ngành ngân hàng thì dư nợ tín dụng xanh chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Khó khăn của dòng vốn này liên quan đến tính hiệu quả, quy mô và năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng”, ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế nhận xét tại “Diễn đàn tài chính bền vững” do Hiệp hội Ngân hàng và IFC tổ chức gần đây.
Ngoài cho các dự án năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường, hoạt động tài chính bền vững còn bao gồm việc cho vay có trách nhiệm môi trường, tức kiểm soát ô nhiễm các dự án truyền thống. Đầu năm đến nay, dư nợ mảng này cũng khiêm tốn.
Tính đến cuối tháng 3, dư nợ tín dụng có đánh giá về rủi ro môi trường, xã hội đạt 314.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ ngắn hạn có đánh giá rủi ro môi trường là 138.000 tỷ và dư nợ trung dài hạn có đánh giá rủi ro môi trường, xã hội khoảng 175.800 tỷ đồng.
Các chuyên gia tại sự kiện thừa nhận, riêng mảng tài chính thì Việt Nam còn khá chậm so với các thành viên khác trong ASEAN về nỗ lực cho vay liên quan đến phát triển bền vững. Một báo cáo có tên “Ngân hàng bền vững ở ASEAN: Giải quyết các lỗ hổng của ASEAN” do World Wide Fund for Nature (WWF) và Đại học Quốc gia Singapore phát hành năm 2017 thậm chí còn cho rằng ngành ngân hàng cả khu vực này đang tụt hậu trong tài chính bền vững.
Kể từ khi “Kế hoạch hành động quốc gia thực thi Chiến lược Tăng trưởng xanh” được Chính phủ phê duyệt nào năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hàng loạt quyết định và chỉ thị để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh.
Khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã có 19 tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường, xã hội. 10 tổ chức tín dụng đã xây dựng sản phẩm tín dụng ngân hàng cho ngành tăng trưởng xanh. 17 tổ chức tín dụng đã sử dụng Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường trong 10 ngành kinh tế do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Tuy nhiên, những khó khăn trong việc khơi thông dòng vốn tín dụng xanh cũng không ít.
“Nhiều khách hàng tìm đến chúng tôi để tiếp cận vốn cho các dự án năng lượng tái tạo nhưng việc đánh giá hiệu quả tài chính đối với các dự án này là một vấn đề khó khăn, ví dụ như tài sản đảm bảo. Những dự án xanh thường có rủi ro cao lên lãi suất vay cũng phải cao nhưng với mảng tín dụng cho nông nghiệp thông minh thì nông dân cần lãi suất phải thật hấp dẫn mới vay được. Nếu lãi rất cao thì lợi nhuận họ giảm và thất bại về đồng vốn”, ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Tổng giám đốc Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ Ngân hàng An Bình nêu.
Ông Dominic Scriven – Chủ tịch Dragin Capital cho biết quỹ này cũng có một số dự án nhỏ lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Ông nói chính sách để người dân bán điện mặt trời cho EVN chưa đủ, cần hoàn thiện mẫu hợp đồng chuẩn trong việc mua bán. Ngoài ra, các ngân hàng ngại cho vay dự án năng lượng tái tạo vì hợp đồng thường bất lợi cho chủ đầu tư.
“Theo tôi biết, trong các hợp đồng mua bán điện có điều khoản là EVN có quyền chấm dứt hợp đồng mà không có trách nhiệm bồi thường cho nhà bán điện. Khi nhà đầu tư xin vốn dự án mà ngân hàng nhìn vào điều khoản hợp đồng thế này thì cũng phải ngán”, ông bình luận.
Cũng theo ông Dominic, cần đa dạng hóa dòng vốn cho tăng trưởng bền vững chứ không nên chỉ phụ thuộc vào ngân hàng. “Quan điểm cá nhân tôi là Việt Nam rất có khả năng tạo ra nguồn vốn trung, dài hạn nhưng cần nỗ lực hơn. Ví dụ như quỹ hưu trí tự nguyện hay trái phiếu doanh nghiệp. Các vị cần nhanh hơn, cấp bách hơn, ưu đãi hơn để các định chế này ra đời. Nếu không, ta phải tìm nguồn vốn tài chính từ nước ngoài, vốn đòi hỏi hỏi rất cao về giá và điều kiện”, vị chuyên gia bình luận.
Ông Vũ Chí Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, để vốn cho tăng trưởng xanh phát triển thì cần đồng bộ hoá chính sách của các bộ ngành vì thị trường này có nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau. Ngoài ra, tạo điều kiện cho tư nhân và vốn nước ngoài tham gia thị trường nhiều hơn để cải thiện tư duy và tính minh bạch trong phát triển bền vững.
Viễn Thông – Vnexpress