Người phụ nữ 56 tuổi ở Hưng Yên bị tiểu đường, suy tuyến thượng thận và sỏi niệu quản nhưng sợ đau không mổ, không dám đến bệnh viện.
Bệnh nhân biết mắc sỏi niệu quản trái cách đây một năm, đã điều trị nội khoa vẫn đau nhiều, tiểu buốt, rắt. Ba tháng nay, bà bị tiểu đường kèm hen suyễn, cao huyết áp. Bác sĩ chỉ định mổ để điều trị dứt điểm sỏi niệu quản, bà lo lắng, bất an, sợ đau nên từ chối điều trị, về nhà tự mua thuốc uống.
Đầu tháng 5, bà mệt mỏi, mặt nóng đỏ, huyết áp cao, sức khỏe giảm sút, thường xuyên đau đớn. Gia đình nói dối là đưa bà đi ăn cỗ rồi chở vào Bệnh viện Nội tiết Trung ương điều trị.
Lần này bác sĩ xác định bà bị suy tuyến thượng thận, đái tháo đường, sỏi niệu quản, chỉ định phẫu thuật nội soi tán sỏi niệu quản trái bằng tia laser. Bà mắc nhiều bệnh lý, đường huyết và huyết áp cao nên để đảm bảo thể trạng phải điều trị đái tháo đường, huyết áp và suy tuyến thượng thận trước khi bước vào ca phẫu thuật.
“Tôi thà chết chứ không mổ. Tuổi già lại bị mất một bên chân, ngoài tiểu đường còn nhiều bệnh khác nên khi nghe phải mổ tôi rất sợ”, bệnh nhân chia sẻ.
Bác sĩ Ngô Văn Bằng, khoa Ngoại chung, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết bệnh nhân mệt mỏi, lờ đờ, kích thước sỏi lớn 1,5×2 cm, ứ nước, cần mổ gấp. Bệnh nhân luôn trong tình trạng sợ hãi không dám mổ. Bác sĩ phải làm công tác tư tưởng cho người bệnh trước và trong suốt quá trình thực hiện phẫu thuật, mới nhận được sự hợp tác của bà.
Bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp tán sỏi niệu quản nội soi bằng lasrer. Đây là kỹ thuật phù hợp cho bệnh nhân bị đái tháo đường kèm suy tuyến thượng thận do phải rất hạn chế mổ xẻ, vết thương khó lành hơn người bình thường. Phương pháp này giúp giảm thời gian nằm viện, khả năng hồi phục cao, ít biến chứng hơn so với mổ bình thường.
“Bệnh nhân sau mổ phục hồi thể trạng nhanh, sức khỏe tốt, sỏi đã được loại bỏ”, bác sĩ Bằng nói.
Bà cũng chia sẻ: “Lần này may mắn khỏe lại, tôi cũng thoát tâm lý sợ mổ”.
Lê Nga – Vnexpress