27 quốc gia cấm thuốc lá điện tử trong khi hàng chục quốc gia khác chấp nhận, vẫn còn nhiều tranh luận về thiết bị thay thế thuốc lá điếu.
Trong buổi phỏng vấn với Bloomberg mới đây, ông Andre Calantzopoulos – CEO Philip Morris cho biết hiện có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cấm thiết bị thay thế thuốc lá điếu.
Trong đó chính phủ Nhật Bản cấm thuốc lá điện tử. Còn Australia và Hong Kong nói không với tất cả các loại thiết bị thay thế, kể cả IQOS – sản phẩm do Philip Morris sản xuất, ứng dụng kỹ thuật hun nóng thuốc lá nhưng không đốt cháy. Tại Mỹ, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm FDA tiếp tục siết chặt hơn hoạt động kinh doanh thuốc lá điện tử khi giới hạn độ tuổi được phép sử dụng sản phẩm này.
Một số cơ quan chức năng các nước cho rằng thiết bị thay thế không giúp người nghiện cai thuốc mà chỉ chuyển đổi từ nghiện thuốc lá điếu sang sản phẩm thay thế. Các tổ chức bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng đã lên tiếng phản đối việc lưu hành thuốc lá điện tử hay các thiết bị thay thế do chưa đủ các bằng chứng khoa học lâu dài để chứng minh được chúng có ít rủi ro hơn đối với sức khỏe người dùng và những người xung quanh.
Tuy nhiên theo đại diện tập đoàn sản xuất thuốc lá lớn hàng đầu thế giới, vẫn có cơ hội để các sản phẩm thay thế tìm được chỗ đứng trên thị trường toàn cầu. Điển hình, đã có 43 quốc gia chấp nhận IQOS như Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Nga, Hà Lan, Na Uy, Hàn Quốc, New Zealand… Riêng tại Nhật Bản, thiết bị này chiếm 15% thị phần trên thị trường tiêu thụ thuốc lá, kể cả thuốc lá điếu.
IQOS là thiết bị hun nóng thuốc nhưng không đốt cháy, đồng thời sử dụng lõi thuốc có các thành phần đặc biệt, được cho là ít tác hại hơn đối với người hút và thải ít chất độc hơn ra bầu không khí.
Trong ba năm qua, tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá ở Nhật Bản đã giảm 20%. Theo ông Calantzopoulos, việc cho phép lưu hành IQOS đã đóng góp một phần không nhỏ vào thành tựu này.
“Phương pháp hạn chế hút thuốc theo cách thức truyền thống sẽ phải mất từ 15 đến 20 năm để có được kết quả tương tự”, CEO Philip Morris nói.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh doanh số tại thị trường Đông Á này, công ty vừa tung ra hai phiên bản giá rẻ của IQOS, giúp người dùng dễ tiếp cận hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang thúc đẩy tăng trưởng doanh thu tại các thị trường tiềm năng khác như Hàn Quốc, Hy Lạp… Đây là các quốc gia tương đối cởi mở với thiết bị thay thế thuốc lá điếu.
Tại Mỹ, Philip Morris đã đệ đơn xin cấp phép lưu hành IQOS, đồng thời dán nhãn “ít rủi ro với sức khỏe” nhằm tăng cường thông tin với người tiêu dùng. Calantzopoulos cho biết ông vẫn hy vọng Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ sẽ cho phép thương mại hóa sản phẩm IQOS trong năm nay.
Vương quốc Anh và New Zealand là hai trong số các quốc gia đang tạo điều kiện lưu hành sản phẩm thay thế thuốc lá.
“Bỏ hút thuốc là việc làm khó khăn, do đó trước tiên cần giúp người nghiện thuốc làm quen với các sản phẩm thay thế với ít tác hại hơn trước khi bỏ hút hoàn toàn”, ông Calantzopoulos nói.
Hiện thế giới có 6 triệu người tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã chuyển sang sử dụng IQOS. Số lượng lõi thuốc được bán ra hiện tại vào khoảng 50 tỷ lõi một năm.
Mặc dù vậy, CEO Philip Morris lạc quan cho rằng: “Nếu bạn không cung cấp sản phẩm thay thế cho người hút thuốc, vậy giải pháp bỏ thuốc lá điếu của họ là gì? Họ sẽ tiếp tục hút thuốc. Chúng ta giả định họ sẽ bỏ hút thuốc trong một thế giới lý tưởng, nhưng thực tế là họ không làm thế”.
Nam Anh (Theo Bloomberg, CNBC)