Bị tăng thuế, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không thể tiếp cận với thị trường Mỹ, gây ảnh hưởng nặng nề tới tăng trưởng và lợi nhuận.
Wu Shichun là một trong vô số doanh nhân Trung Quốc suốt bốn thập kỷ qua giàu lên nhờ tiếp cận túi tiền khách hàng Mỹ. Giờ đây, khi chính phủ Mỹ đe dọa tước đi nguồn thu này, Wu đang phải cân nhắc lại công việc làm ăn của mình.
Một trong các công ty do ông đầu tư chuyên thiết kế và làm các sản phẩm thời trang ở Trung Quốc, sau đó bán cho khách hàng Mỹ trên trang thương mại điện tử Amazon.com. Một công ty khác sản xuất thuốc lá điện tử và cũng bán hầu hết sản phẩm sang Mỹ. Công ty thứ ba, sản xuất nguyên liệu kim loại cho các công ty điện tử, xuất khẩu khoảng 40% sản phẩm sang Mỹ. Cả ba công ty này đều bị ảnh hưởng bởi đòn áp thuế mới mà chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa công bố.
“Từ giờ trở đi, tôi sẽ phải đầu tư vào những công ty tập trung ở thị trường Trung Quốc”, Wu, 42 tuổi, nói. “Tôi hy vọng Trung Quốc và Mỹ có thể tìm ra cách tốt hơn để cùng tồn tại. Không cần thiết phải hủy hoại lẫn nhau như vậy”.
Mỹ cuối tuần trước nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 10% lên 25%, cáo buộc Bắc Kinh thay đổi các cam kết đã thống nhất trước đó. Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố nâng thuế với hàng nghìn sản phẩm trong số 60 tỷ USD hàng hóa chịu thuế đợt trước của Mỹ.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV hôm 13/5 ra một tuyên bố cứng rắn, khẳng định: “Nếu Mỹ muốn nói chuyện, chúng ta sẵn sàng mở cửa. Nếu Mỹ muốn chiến đấu, chúng ta sẽ chiến đấu tới cùng”.
Nhưng nhiều doanh nghiệp và trí thức Trung Quốc không mong muốn viễn cảnh “chiến đấu tới cùng” nổ ra. Họ đang hy vọng đôi bên đạt được một thỏa thuận giúp giải quyết căng thẳng bởi Washington và Bắc Kinh lâu nay vẫn có mối liên kết kinh tế khăng khít, việc nó bị phá vỡ sẽ để lại những hậu quả nặng nề. Trên mạng Internet Trung Quốc thậm chí còn lưu truyền từ “Chimerica”, ghép giữa China (Trung Quốc) và America (Mỹ), ám chỉ sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa hai quốc gia.
Chiến tranh thương mại ảnh hưởng trực tiếp tới Chimerica. Những mức thuế mới, nếu được duy trì, sẽ cắt đứt khả năng tiếp cận của các công ty Trung Quốc tới thị trường khổng lồ của Mỹ.
Không ít người Trung Quốc đang tự hỏi liệu điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc và Mỹ “ly hôn kinh tế”. Họ lo ngại liệu đất nước có thể tiếp tục “phát triển thần kỳ” hay không nếu các rào cản và giới hạn ngày càng nhiều lên.
“Từ khi tôi sinh ra, thế hệ của tôi chỉ nhìn thấy nền kinh tế đất nước ngày một tốt hơn”, Feng Dahui, cựu nhân viên công ty thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, hiện là một doanh nhân khởi nghiệp về Internet ở Hàng Châu, chia sẻ trên mạng xã hội WeChat. “Chúng tôi trải qua cuộc cách mạng Internet và được hưởng những lợi ích tuyệt vời từ toàn cầu hóa. Nhưng nay, sự lạc quan không còn nữa. Mọi thứ dường như sắp đột ngột kết thúc”.
Tuy nhiên, những bình luận thể hiện mối lo âu của họ về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung phần lớn bị coi là “tiêu cực” và bị xóa khỏi mạng xã hội Trung Quốc.
Dù vậy, một số doanh nhân vẫn kiên trì bày tỏ lo lắng. Xiao Yu cho biết doanh nghiệp thương mại điện tử do ông sáng lập, OFashion, chuyên bán hàng xa xỉ nhập từ châu Âu và Mỹ cho khách hàng Trung Quốc, năm ngoái không tăng trưởng được như kỳ vọng, một phần bởi chiến tranh thương mại.
Trong khi chỉ khoảng 10% hàng hóa của công ty đến từ các nhãn hàng Mỹ, cuộc chiến thương mại tác động mạnh tới thị trường chứng khoán Trung Quốc, qua đó ảnh hưởng tới tâm lý khách hàng, Xiao lý giải.
Xung đột thương mại còn có thể khiến giấc mơ thu hút nhà đầu tư Mỹ của Xiao sụp đổ cũng như ảnh hưởng tới kế hoạch đưa công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.
“Là doanh nhân, số phận của chúng tôi gắn kết chặt chẽ với quốc gia”, Xiao nói. Ông vẫn hy vọng và tự tin rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận. “Hai nước không cần thiết phải duy trì một mối quan hệ căng thẳng”.
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)