Suất dự Champions League có thể được trao cho Arsenal, nếu đội vô địch Ngoại hạng Anh lĩnh án phạt của UEFA vì vi phạm về tài chính.
Tiểu ban Điều tra trực thuộc LĐBĐ châu Âu (UEFA) sẽ đệ trình báo cáo về Man City lên cơ quan quản lý cao nhất bóng đá châu lục trong ít ngày tới. Đây là kết quả của hơn hai tháng làm việc của tiểu ban này, sau khi có cáo buộc Man City vi phạm Luật Công bằng Tài chính (FFP).
Theo tờ Sun (Anh), các điều tra viên có thể đề nghị UEFA trừng phạt Man City bằng lệnh cấm thi đấu một mùa ở Champions League. Khả năng này cũng đồng nghĩa với việc suất của Man City dự giải đấu số một châu Âu sẽ được trao lại cho Arsenal. Đội đứng thứ năm ở Ngoại hạng Anh mùa 2018-2019 đang nuôi hy vọng dự sân chơi số một châu Âu mùa tới bằng cách vô địch Europa League, nơi họ sẽ đấu chung kết với Chelsea ngày 30/5.
Cáo buộc Man City gian lận tài chính và vi phạm FFP nổ ra từ năm ngoái, sau khi trang Football Leaks công bố các số liệu liên quan tới tiền tài trợ của đội chủ sân Etihad. Báo Đức Spiegel vào cuộc điều tra, và cho rằng Man City được công ty mẹ Abu Dhabi United Group – định chế tài chính khổng lồ trực thuộc Hoàng gia UAE – bơm tiền trái phép. Theo đó, ít nhất 91 triệu đôla (70 triệu bảng) được Abu Dhabi United Group phù phép và chuyển cho Man City dưới vỏ bọc là các hợp đồng tài trợ.
Man City, khi đó, phân bua rằng “đã có nhiều tin đồn thất thiệt xuất phát từ việc tiếp cận bất hợp pháp nhiều văn bản, email của CLB”. Đội chủ sân Etihad cũng quả quyết rằng “các cáo buộc vi phạm luật công bằng tài chính nhắm vào họ là hoàn toàn sai”.
Theo tờ New York Times (Mỹ), trong cuộc làm việc hồi tháng Tư với tiểu ban điều tra của UEFA, do cựu Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Yves Leterne đứng đầu, Man City đã đưa các giải trình “rất thiếu thuyết phục”. Và đây có thể là cơ sở để Leterne đề nghị UEFA mạnh tay trừng phạt, cấm đội vô địch Ngoại hạng Anh dự Cup châu Âu, như đề xuất của ông này hồi tháng Hai.
UEFA từng phát hiện Man City vi phạm FFP vào năm 2014. Khi đó, Man City bị phạt số tiền lên tới 70 triệu đôla và phải giảm số cầu thủ trong đội hình tham dự Champions League mùa 2014-2015.
FFP được UEFA đưa ra để yêu cầu các câu lạc bộ chi tiêu số tiền tương đương với nguồn thu thương mại và giải thưởng. Những đội bóng mới nổi như Man City và PSG thường xuyên nằm trong tầm ngắm của UEFA khi liên tục thực hiện các thương vụ bom tấn.
Trong trường hợp phải nhận án phạt cấm đá Cup châu Âu, Man City có thể kiện lên Toà Trọng tài Thể thao (CAS) – cơ quan có thẩm quyền cao nhất xử lý các khiếu nại, kiện tụng trong thế giới thể thao.
Nhật Tảo – Vnexpress