Máy bay Indonesia JT610 vỡ tan thành nhiều mảnh khi lao xuống biển

Quan chức Indonesia cho biết chiếc Boeing 737 lao xuống biển với tốc độ hơn 1.000 km/h, khiến những bộ phận bền nhất cũng bị phá hủy.

Chuyên gia Indonesia xem xét mảnh vỡ máy bay của Lion Air tại Jakarta hôm 5/11. Ảnh: Reuters.
Chuyên gia Indonesia xem xét mảnh vỡ máy bay của Lion Air tại Jakarta hôm 5/11. Ảnh: Reuters.

“Máy bay vỡ tan khi đâm xuống mặt biển. Có những nhận định cho rằng máy bay bị vỡ từ trên không do hiện tượng mỏi vật liệu, nhưng chúng tôi có thể xác nhận điều này không đúng”, Soerjanto Tjahjono, giám đốc Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, cho biết trong cuộc phỏng vấn của đài Elshinta hôm qua.

Hiện tượng mỏi kim loại xảy ra khi vật liệu bị trọng tải tác động trong thời gian dài, khiến kết cấu bên trong của kim loại rạn nứt và cuối cùng đứt gãy. Hiện tượng này rất dễ xảy ra ở các bộ phận có mặt cắt thay đổi như những bộ phận của máy bay, đặc biệt là phần đuôi.

Kích thước các mảnh vỡ thu thập được cho thấy máy bay Boeing 737 MAX 8 của Lion Air đã hứng chịu lực va đập rất mạnh, khiến những bộ phận cứng nhất của phi cơ cũng bị vỡ.

“Máy bay Lion Air bị hư hại nghiêm trọng hơn vụ tai nạn của Air Asia. Chiếc Boeing 737 lao xuống biển với tốc độ cao, trong khi máy bay Air Asia bị thất tốc và lướt xuống biển”, giám đốc Tjahjono nói, đề cập đến chuyến bay số hiệu QZ8501 của Air Asia đâm xuống biển Java tháng 12/2014 khiến toàn bộ 162 người thiệt mạng. “Trong trường hợp của Lion Air, động cơ vẫn chạy ở công suất cao khi va chạm”.

Trước đó, một số chuyên gia nói rằng chiếc Boeing 737 Max 8 có thể lao xuống biển với vận tốc hơn 1.000 km/h. Soerjanto cho biết cơ hội tìm thấy mảnh vỡ lớn từ thân máy bay của Lion Air là không cao.

Chuyến bay số hiệu JT610 của Lion Air gặp nạn chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ sân bay ở Jakarta hôm 29/10, khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng. 138 túi đựng các mảnh thi thể đã được chuyển tới bệnh viện, trong đó 14 nạn nhân được xác định danh tính nhờ xét nghiệm ADN và đồ dùng cá nhân.

Bộ Giao thông vận tải Indonesia hôm qua tuyên bố sẽ cử nhóm đặc biệt rà soát toàn bộ hoạt động của Lion Air. Jakarta cũng ra lệnh kiểm tra các đơn vị sửa chữa, bảo hành của Lion Air và đình chỉ công tác một số quản lý sau khi có thông tin rằng máy bay gặp sự cố kỹ thuật trong chuyến bay đêm trước đó.

Hộp đen đầu tiên ghi dữ liệu chuyến bay được thợ lặn tìm thấy hôm 1/11 trong tình trạng hư hỏng nặng, buộc các nhà điều tra áp dụng cách đặc biệt để lấy thông tin từ nó. Dữ liệu cho thấy đồng hồ tốc độ của máy bay đã hỏng trong ít nhất 4 chuyến bay, gồm cả chuyến bay cuối cùng ngày 29/10.

Thiết bị ghi âm buồng lái vẫn nằm dưới đáy biển, song đội tìm kiếm đã khoanh vùng khu vực cần rà soát nhờ tín hiệu định vị yếu.

Huyền Lê

Để lại một bình luận