Không khí ở Hà Nội đặc quánh, trời mờ mịt, khói bụi không thể thoát lên cao nhưng khẩu trang thường người dân vẫn đeo không có tác dụng.
Không khí ô nhiễm gấp 2-4 lần bình thường
Khoảng 3 ngày trở lại đây, chất lượng không khí tại Hà Nội thường xuyên ở mức kém, đặc biệt vào đầu giờ sáng. Trong hôm qua, nhiều điểm quan trắc tại Hà Nội đồng loạt báo chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên mức 190, gấp 2-4 lần mức tốt và trung bình.
Theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, chất lượng không khí được chia làm 5 mức, tức 0-100 là chất lượng không khí tốt và chấp nhận được. Từ 101 – 200 là kém, người dân nhóm nhạy cảm cần hạn chế ra ngoài. Chỉ số AQI từ 201 – 300 là xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài.
Nếu thang AQI vượt quá 300 là mức nguy hại, cảnh báo sức khoẻ khẩn cấp, mọi người nên ở trong nhà.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT đánh giá, từ đầu tuần đến nay, chất lượng không khí ở Hà Nội kém có thể do cùng lúc kết hợp nhiều yếu tố.
Trong đó có điều kiện khí hậu không thuận lợi, gió lặng, có thể xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt khiến khói bụi, chất ô nhiễm không khuếch tán lên được, bị giữ lại ở tầng thấp càng làm không khí ô nhiễm trầm trọng.
Theo TS Tùng, khi nói đến chất lượng không khí, người ta quan tâm hàng đầu đến bụi mịn (PM2.5). Đây là những hạt bụi siêu nhỏ, có kích cỡ nhỏ hơn 1/30 sợi tóc, có thể theo đường thở vào cơ thể và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ.
Tại Hà Nội, hiện chỉ số PM2.5 đang cao hơn mức bình thường, còn các chỉ số ô nhiễm khác về không khí như khí CO, NO2, SO2, O3… vẫn ở ngưỡng cho phép.
Về nguyên nhân hình thành bụi mịn, TS Tùng cho biết có tới 60-70% do các phương tiện giao thông, còn lại do quản lý các công trình xây dựng không tốt, bụi từ các nơi sản xuất xi măng, sắt thép, hoá chất ở các tỉnh bay về Hà Nội, bụi mịn cũng hình thành do đốt rơm rạ, đốt rác.
Còn theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sở dĩ những ngày qua Hà Nội chất lượng không khí thấp do không khí lạnh suy yếu lại lệch đông nên độ ẩm rất lớn, kết hợp với điều kiện đô thị nhiều bụi gây ra hiện tượng mờ mịt.
Ông Năng cho biết, để khẳng định hiện tượng nghịch nhiệt có đang xuất hiện tại Hà Nội, cơ quan dự báo sẽ phải kiểm tra lại các số liệu quan trắc, căn cứ theo dải phân bố nhiệt độ theo tầng từ thấp đến cao để đánh giá.
Theo ông Năng, hiện tượng sương mù mờ mịt ở Hà Nội sẽ chấm dứt vào khoảng ngày 31/3 –1/4 khi không khí lạnh mạnh tràn xuống kèm theo mưa.
Khẩu trang thông thường không có tác dụng
TS Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Quản lý sức khoẻ môi trường và hoá chất, Cục Quản lý Môi trưởng Y tế, Bộ Y tế cho biết, trung bình mỗi người cần 10.000 lít không khí để thở mỗi ngày. Do đó khi chất lượng không khí không đảm bảo có thể gây hàng loạt bệnh tật về đường hô hấp, tim, ung thư…
Trường hợp cấp tính nặng có thể dẫn đến ngạt do suy hô hấp, nhiễm độc máu, ảnh hưởng tim, phổi, thậm chí tử vong.
Trường hợp mãn tính là viêm phổi, viêm phế quản mãn tính và các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; hen suyễn; tim mạch; viêm da, kích ứng da; căng thẳng thần kinh…
Với các hạt bụi thô, sẽ gây tổn thương, viêm hệ hô hấp. Riêng bụi PM2.5 có khả năng thẩm thấu, di chuyển, hấp thụ vào trong máu, đặc biệt nguy hiểm khi các bụi này là hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, kim loại nặng… có thể gây nhiễm độc, ung thư, hen…
Tuy nhiên, TS Cường cho biết, dù sống trong môi trường ô nhiễm nhưng không phải ai cũng mắc bệnh do phụ thuộc vào hệ miễn dịch, chức năng đào thải của cơ thể, chất độc hại và nồng độ vào cơ thể…
Nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất là người cao tuổi, phụ nữ có thai (có thể gây ảnh hưởng bào thai), trẻ em, người có sẵn các bệnh lý mạn tính…
“Những người khỏe mạnh có chức năng thông khí phổi lớn có thể đào thải phần lớn các chất gây ô nhiễm từ ngoài vào. Nhưng với những người có sẵn các bệnh lý hô hấp thì khả năng đào thải kém hơn, hấp thụ chất ô nhiễm trong không khí cao hơn nên dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí”, TS Cường phân tích.
Khi không khí ô nhiễm, khói bụi, hầu hết người Việt khi ra đường đều có thói quen đeo khẩu trang y tế, khẩu trang vải. Tuy nhiên các chuyên gia khẳng định, những loại khẩu trang này không có tác dụng.
TS Tùng cho biết, khẩu trang thường chỉ ngăn được bụi thô, không ngăn được bụi PM2.5. Chỉ có khẩu trang N95 và một số khẩu trang đặc biệt khác với kết cấu màng siêu lọc mới ngăn được loại bụi min này. Tuy nhiên khẩu trang N95 khá đắt và đeo vào hơi khó thở nên ít người sử dụng.
Tổ chức phi chính phủ Green ID vào năm 2017 từng làm thí nghiệm trong 2 tuần cho thấy, khẩu trang N95 có thể ngăn được 90% bụi PM2.5
TS Tùng cho biết, trong những ngày chất lượng không khí xấu, người già, trẻ em, những đối tượng có sẵn các bệnh nền mãn tính, hô hấp nên hạn chế ra ngoài, thường xuyên theo dõi chất lượng không khí như theo dõi thời tiết.
Với các gia đình, ở trong nhà có thể đóng kín cửa, bật máy lọc không khí để giảm bớt nồng độ ô nhiễm.
Theo TS Tùng, để cải thiện chất lượng không khí, cần sự vào cuộc của nhiều ngành, địa phương chứ không riêng ngành tài nguyên môi trường, như liên quan đến đăng kiểm, quản lý khí thải phương tiện thì phải là Bộ Công an, liên quan đến công trình xây dựng thì phải Bộ Xây Dựng, quản lý chất thải phải do địa phương…
Thúy Hạnh – Vietnamnet