Khi mọi chuyện không rõ ràng và minh bạch, cũng không mau chóng được giải quyết rốt ráo, tổn thất sẽ nặng nề hơn, đó là sự mất lòng tin.
Tôi có một cô bạn dù bận rộn đi làm vẫn luôn cố gắng chuẩn bị bữa ăn trưa và bắt con về nhà ăn thay vì ăn ở trường. Cách làm của cô có thể có phần thái quá, nhưng nó cũng rất dễ lý giải đứng từ tâm trạng của biết bao ông bố bà mẹ trước tình trạng thực phẩm bẩn hoành hành, cũng như sự không vững lòng trước mức độ trách nhiệm của các công ty, nhà trường trong việc cung cấp bữa ăn cho trẻ.
Sự thiếu vắng lòng tin đó của những người như cô bạn tôi có thể sẽ càng được “củng cố” sau những vụ việc như hàng loạt trẻ nhiễm sán lợn tại Bắc Ninh gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Theo thông tin trên báo chí, câu chuyện bắt đầu khi vào tháng 2/2019, phụ huynh có con học tại Trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) đăng tải trên mạng xã hội clip miếng thịt lợn trong bếp ăn của trường có nhiều hạch trắng, nghi nhiễm sán, được dùng để chế biến bữa ăn cho trẻ. Gần một tuần sau, trước khi chế biến thịt lợn, các cô nuôi lại phát hiện thịt lợn có xuất hiện hiện tượng những hạch, tật. [1]
Tuy nhiên khi phụ huynh tới gặp Ban giám hiệu thì nhà trường chỉ giải thích qua loa, không thỏa đáng. Công ty phân phối thực phẩm cũng cho rằng không có vấn đề gì. Nhà trường vẫn tiếp tục mua thực phẩm của họ và cho các cháu ăn.
Và đỉnh điểm là đầu tháng 3, có cha mẹ học sinh vào bếp ăn nhà trường phát hiện thịt gà có dấu hiệu hôi thối, hỏng được nấu cháo cho các bé ăn.
Ba phụ huynh thấy con đau bụng, cho đi bệnh viện test thì có 2/3 cháu nhiễm sán lợn. Từ đó dẫn tới việc hàng trăm rồi hàng nghìn học sinh mầm non tại Bắc Ninh được cha mẹ đội mưa dồn dập đưa ra Hà Nội kiểm tra xem có nhiễm sán hay không. Con số nhiễm sán tăng liên tục từ 62 bé lên 124 và sau đó hơn 200…
Nguyên nhân vụ việc, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể đến đâu sẽ phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan Công an. Nhưng có thể thấy rõ việc quản lý và xử lý khủng hoảng an toàn thực phẩm liên quan đến vụ sán lợn này là chậm chạp, thiếu hiệu quả. Nếu ngay từ đầu nhà trường, các nhà quản lý các cấp ở Bắc Ninh mau chóng vào cuộc, có giải pháp tìm hiểu nguyên nhân, xử lý thích đáng nếu có vi phạm thì có lẽ đã trấn an được người dân.
Đằng này tỉnh Bắc Ninh chỉ thực sự có các giải pháp sau khi hàng trăm, hàng ngàn người dân ùn ùn kéo lên Hà Nội để cho con đi xét nghiệm. Khi ấy những cách xử trí của tỉnh này như dùng ngân sách trả tiền cho phụ huynh đi xét nghiệm, đưa hệ thống y tế trong tỉnh về lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ… trở nên chậm trễ.
Với khoảng 2.000 cháu đã đi xét nghiệm, tính ra sơ sơ chi phí hết khoảng 1,5 – 2 triệu một cháu (từ 600 ngàn – 1 triệu phí xét nghiệm, cộng tiền ăn ở đi lại xe cộ…), thì tổng tiền tốn phí của dân đã lên tới 3 – 4 tỷ đồng. Đó là chưa kể các tổn thất xã hội vì cha mẹ các cháu hoang mang, bỏ công ăn việc làm đi đưa đón con, cho con chạy chữa thuốc men tốn kém.
Khi mọi chuyện không rõ ràng và minh bạch, cũng không mau chóng được giải quyết rốt ráo, tổn thất sẽ nặng nề hơn, đó là sự mất lòng tin. Người dân sẽ không còn tin vào việc cho con đi học và ăn bán trú ở trường là an toàn nữa. Những giải thích chuyên môn như tỷ lệ nhiễm sán như vậy là thông thường, hay “đây không phải là ngộ độc thực phẩm – không phải là dịch – không phải là bệnh cấp tính, sán lợn là bệnh chữa được” cũng không còn mấy tác dụng trong cơn hoảng loạn tập thể.
Sau những khủng hoảng kiểu này, các ông bố bà mẹ rồi sẽ phải viện tới vô vàn giải pháp “tự cứu mình” tối đa trong khả năng. Nào là dùng camera theo dõi quy trình toàn bếp ăn và thực phẩm được cung cấp. Nào là tự nấu thức ăn và đem cho con ăn. Nào là thuê người hay cho mẹ các cháu nghỉ việc ở nhà trông con. V.v và v.v… Điều đó sẽ khiến tổn thất chi phí xã hội tăng cao không cần thiết.
Theo một số chuyên gia chỉ ra, quy định hiện hành về an toàn thực phẩm trong bếp ăn tập thể nói chung và bếp ăn trường học nói riêng không thiếu. Và khi xảy ra chuyện, các công ty cung cấp thực phẩm có thể trình ra đủ loại giấy tờ, chứng nhận rất “đúng quy trình”.
Song thực tế là cam kết hay là giấy chứng nhận vẫn là những cơ sở ban đầu, ban đầu có thể họ làm tốt, đạt tiêu chuẩn để cấp các hồ sơ giấy tờ nhưng sau này có thể lại vi phạm, tráo thực phẩm bẩn vào để kiếm lời. Và không ở đâu cơ quan quản lý có thể giám sát được 100%, vì thế vẫn cần vai trò giám sát của phụ huynh nhà trường, của ban giám hiệu…
Như vậy khi các khâu trước đó đều bất ổn, nhất là khi nhà trường có sự “qua lại”, liên kết với đơn vị cung cấp thực phẩm, nghĩa vụ kiểm soát cho con mình có bữa ăn sạch sẽ lại đặt lên đôi vai của phụ huynh vốn đã có quá nhiều gánh nặng?
Thế mới thấy đôi khi sự thái quá của các phụ huynh Việt trong nỗi lo thường trực, đau đáu về sự an toàn của những đứa con hóa ra không hề kỳ cục hay khó hiểu!
Nguyễn Anh Thi – Vietnamnet