Sau khi mổ 3 lần (hai lần tuyến dưới, 1 lần tuyến trên), nữ bệnh nhân bị cắt mất vòi trứng. Bác sỹ tuyến huyện và tuyến tỉnh đã có những phát ngôn không đồng nhất, thậm chí mâu thuẫn.
11/3 vừa qua, nữ bệnh nhân Trần Thị Hóa (SN 1987, trú xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh) được bác sĩ Bệnh viện đa khoa thị xã Hồng Lĩnh chẩn đoán viêm ruột thừa và chỉ định mổ cắt ruột thừa. Tuy nhiên, khi chuyển lên tuyến trên là BV đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để mổ lần 3, bệnh nhân hoảng hốt nghe bác sĩ tuyến trên thông báo mình bị cắt vòi trứng bên phải.
Tại tuyến trên, bác sĩ Bạch Tuấn Anh, Trưởng khoa ngoại tiêu hóa cho biết, chị Hóa nhập viện trong tình trạng nguy kịch do nhiễm trùng, nhiễm độc, viêm phúc mạc sau hai ngày mổ nên đã tiến hành mổ cấp cứu.
Khi mổ bác sĩ phát hiện trong bụng bệnh nhân có máu không đông lẫn máu cục, kiểm tra tất cả ổ bụng, mạc nối rỉ máu, xử lý khâu và rửa ô bụng, đặt dẫn lưu, ruột thừa bị cắt và cho biết bệnh nhân đã bị BV Hồng Lĩnh cắt một bên vòi trứng.
Trước thông báo này, bác sĩ Võ Tất Thắng, Trưởng khoa ngoại tiêu hóa BV thị xã Hồng Lĩnh cho rằng bác sĩ Bạch Tuấn Anh nói không đúng. Bởi theo ông Thắng, do người nhà lo lắng nên mới chuyển viện chứ tình trạng lúc đó của bệnh nhân là ổn định.
“Tôi bảo tôi sẽ điều trị khỏi. Lúc đó huyết áp của bệnh nhân 100/60, mạch 77 lần/phút, da niêm mạc hồng, dẫn lưu không ra dịch. Bệnh nhân trước khi vào bệnh viện tỉnh, bệnh nhân còn đọc được báo mạng thì làm sao BV tỉnh lại nói tím tái, nguy kịch được”, ông Thắng cho hay.
Theo bác sĩ Bạch Tuấn Anh, sau khi mổ lần 3 ông phát hiện được vòi trứng của bệnh nhân đã bị thắt. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, bác sĩ Anh không thể biết được ông đã thắt vòi trứng của bệnh nhân.
“Sau khi mổ lần 2 tôi thông báo cho người nhà nạn nhân là cắt ruột thừa, và chửa ngoài tử cung, tôi đã thắt vòi trứng để bảo toàn tính mạng. Còn khi chuyển ra BV tỉnh, ông Anh có gọi cho tôi bảo ông chẩn đoán viêm phúc mạc toàn thể, chảy máu mạc nối và chảy máu gốc ruột thừa, không có chửa ngoài tử cung. Bệnh viện tỉnh nói một đường làm một nẻo.
Vòi trứng nằm rất kín, chỉ có những người nghĩ đến nó người ta mới tìm đến nó chứ họ không nghĩ đến chửa ngoài tử cung thì làm sao họ tìm đến vòi trứng với buồng trứng làm gì. Vòi trứng không bao giờ siêu âm được. Tuấn Anh không thấy, bởi không tầm soát được”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, việc chuyển viện chỉ do người nhà lo lắng nên chuyển viện chứ sau khi mổ lần 2 bệnh nhân hoàn toàn ổn định. Ông cũng không hiểu vì lý do gì bệnh viện tỉnh mổ lần thứ 3.
“Mổ lần thứ 3 đó là việc của bệnh viện tỉnh, tôi không có quyền nhận xét bệnh viện tỉnh đúng hay sai, cái đó để cho khoa học người ta đánh giá, để cho lương tâm bác sĩ họ trả lời. Nhưng không có chuyện viêm phúc mạc sau 2 ngày mổ như ông Anh nói. Bởi khi tôi mổ xong là 2h30 sáng, và đến 11h trưa thì người nhà chuyển viện nên BV tỉnh không thể nói là sau hai ngày. Đây là câu trả lời vu vơ”, ông Thắng bức xúc.
Lỗi của siêu âm?
Được biết trước khi vào mổ, chị Hóa được bác sĩ Trần Văn Kiên BV Hồng Lĩnh tiến hành siêu âm ổ bụng và chỉ thấy viêm ruột thừa chứ không phát hiện ra chửa ngoài dạ con. Lý giải điều này, bác sĩ Kiên cho biết vì thai ngoài tử cung đang bé nên khó phát hiện.
Còn theo ông Võ Tất Thắng, nhiệm vụ của ông là mổ chứ không siêu âm. Việc siêu âm không phát hiện ra khối thai ngoài tử cung là do lỗi của bộ phận siêu âm.
“Khi siêu âm không thấy khối thai. Và trước đó không ai nghĩ bệnh nhân có thai nên không ai tiến hành test thai cả. Lúc siêu âm không thấy đó là lỗi của siêu âm chứ không phải của phẫu thuật viên. Cũng không phải lỗi của bệnh viện”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, ban đầu ông vào phòng chỉ để mổ ruột thừa, nhưng trong quá trình tầm soát ổ bụng thì phát hiện khối thai ngoài tử cung, ông đã lấy khối thai ra và rửa sạch ổ bụng, cắt ruột thừa, 30 phút sau thấy máu không chảy, đặt dẫn lưu và khâu lại.
“Khả năng sau đó huyết áp tăng lên, chảy máu nên buộc lòng dù muốn hay không tôi vẫn phải mổ lần 2 để cứu bệnh nhân. Để như vậy bệnh nhân chảy máu trong sẽ chết. Và khi mổ máu ra nhiều nên buộc phải thắt vòi trứng để cầm máu mà chưa kịp thông báo cho người nhà trong lúc mổ”, ông Thắng cho hay.
Ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở y tế Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đã nắm được sự việc và đang yêu cầu cả hai bệnh viện báo cáo.
“Tôi đã yêu cầu hai bệnh viện báo cáo, tường trình về vụ việc. Khi có kết quả chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí”, ông Châu nói.
Thiện Lương –
“Khi siêu âm không thấy khối thai. Và trước đó không ai nghĩ bệnh nhân có thai nên không ai tiến hành test thai cả. Lúc siêu âm không thấy đó là lỗi của siêu âm chứ không phải của phẫu thuật viên. Cũng không phải lỗi của bệnh viện”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, ban đầu ông vào phòng chỉ để mổ ruột thừa, nhưng trong quá trình tầm soát ổ bụng thì phát hiện khối thai ngoài tử cung, ông đã lấy khối thai ra và rửa sạch ổ bụng, cắt ruột thừa, 30 phút sau thấy máu không chảy, đặt dẫn lưu và khâu lại.
“Khả năng sau đó huyết áp tăng lên, chảy máu nên buộc lòng dù muốn hay không tôi vẫn phải mổ lần 2 để cứu bệnh nhân. Để như vậy bệnh nhân chảy máu trong sẽ chết. Và khi mổ máu ra nhiều nên buộc phải thắt vòi trứng để cầm máu mà chưa kịp thông báo cho người nhà trong lúc mổ”, ông Thắng cho hay.
Ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở y tế Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đã nắm được sự việc và đang yêu cầu cả hai bệnh viện báo cáo.
“Tôi đã yêu cầu hai bệnh viện báo cáo, tường trình về vụ việc. Khi có kết quả chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí”, ông Châu nói.
Thiện Lương – Vietnamnet.vn