Tình trạng tàu vỏ thép ra khơi đánh bắt không hiệu quả, càng ra khơi càng lỗ nặng khiến một số chủ tàu ở Hà Tĩnh đang đứng ngồi không yên vì khoản nợ ngân hàng ngày càng lớn.
Ra khơi càng thua lỗ
Một ngày đầu tháng 3, ngư dân Trần Xuân Sinh (45 tuổi, trú xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn ngồi chơi xơi nước ở nhà, trong khi chiếc tàu vỏ thép công suất 829CV trị giá gần 16 tỉ đồng của anh đang nằm bờ từ sau Tết Nguyên đán cho đến nay. Về lý do không ra khơi được, anh Sinh buồn bã cho biết, trong năm 2018 càng gắng gượng ra khơi thì anh càng lỗ nặng. Cụ thể, ra khơi được 25 chuyến, sản lượng hải sản ít ỏi, bình quân mỗi chuyến thu về chỉ được gần 50 triệu đồng, không đủ chi phí tiền dầu và tiền thuê lao động trên tàu. Cuối cùng, tính ra một năm qua anh đã lỗ đến 800 triệu đồng.
Cũng theo anh Sinh, hiện nay có liều đi thì cũng không có lao động. Bởi, trong số 7 lao động trên tàu của mình thì 3 người thuê từ tỉnh Nam Định vào đang đòi tăng lương từ 10 triệu đồng/người/tháng lên 12 triệu đồng/người/tháng. Trong khi 4 lao động người trong xã thì xin nghỉ để đi xuất khẩu lao động, mà bản chất là cũng muốn tìm công việc có thu nhập cao hơn. “Tình hình đang vô cùng nan giải đây. Đánh bắt không hiệu quả, càng đi càng lỗ rồi thì làm sao có thể tăng lương cho người ta được đây” – anh Sinh tỏ ra bất lực.
Tồi tệ hơn, ở xã bên cạnh, tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Văn Lòng (61 tuổi, trú xã Thạch Kim, Lộc Hà) đóng cùng thời điểm năm 2017 với tàu anh Sinh đã nằm bờ gần như suốt cả năm 2018. Chúng tôi liên hệ để ghi nhận tình hình thì ngư dân Lòng giọng buồn bã từ chối nói về tình trạng bi đát của mình lúc này.
Mong được thu hồi tàu
Theo anh Sinh, không chỉ tàu cá của mình, của ông Lòng mà một số tàu vỏ thép ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cũng đánh bắt kém hiệu quả, thua lỗ, không có tiền trả nợ ngân hàng. “Tàu của cha con anh Dũng ở Nghi Xuân trong năm 2018 cũng nằm bờ nhiều tháng liền. Thà nằm bờ còn không mất khoản tiền trả lương cho lao động. Chứ như tôi đây, càng gượng đi càng thua lỗ” – anh Sinh than thở.
Cũng theo anh Sinh, hiện nay ngư trường chật chội, hải sản ít, trong khi tàu vỏ thép chi phí tiền dầu lớn, mỗi chuyến riêng tiền dầu đã gần 50 triệu đồng, cộng thêm các chi phí khác cũng đã 70 – 80 triệu đồng. Tình hình này, anh Sinh cho rằng, nếu có thể được trả lại tàu vỏ thép và được trừ hẳn khoản tiền nợ ngân hàng luôn thì anh sẵn sàng. Sau đó anh sẽ đóng tàu vỏ gỗ để ra khơi. Cái lý của anh là tàu vỏ gỗ công suất nhỏ, chi phí dầu ít, chỉ cần 3 – 4 bạn thuyền mà đánh bắt chỉ 2 ngày là về nên hiệu quả cao hơn, chủ động tốt hơn.
Ông Hà Minh Tân – Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cũng khẳng định, suốt năm 2018, tàu vỏ thép của ông Lòng hầu như không ra khơi. Nguyên nhân là đánh bắt không hiệu quả, càng ra khơi càng thua lỗ. Trước tình hình đó, xã đã làm việc với ông Lòng và ghi nhận kiến nghị của ông là muốn vay ngân hàng để chuyển đổi từ nghề câu khơi sang nghề rê. Để chuyển đổi phải vay thêm khoảng 4 tỉ đồng nhưng không được ngân hàng chấp nhận. Thành ra, đến nay vẫn chưa có hướng tháo gỡ. Trong khi càng ngày tiền nợ gốc lẫn lãi của ngân hàng càng lớn mà chưa có hướng tháo gỡ.
Là đơn vị cho vay đóng 9/11 tàu vỏ thép của toàn tỉnh Hà Tĩnh theo Nghị định 67, một lãnh đạo Ngân hàng BIDV Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua, hầu hết các chủ tàu đều chậm trả nợ cho ngân hàng; nhiều lần cán bộ ngân hàng đã vận động, đôn đốc nhưng họ vẫn trây ỳ. Tới đây, ngân hàng xác định nếu không thực hiện trả nợ theo cam kết thì sẽ thu hồi tàu.
Chúng tôi trở lại gặp các ngư dân vay tiền đóng tàu vỏ thép với thông tin rằng ngân hàng dọa sẽ thu hồi tàu nếu chủ tàu không trả nợ. Tất cả họ cười vang: “Được vậy thì tốt quá!”.