Núp bóng dưới hình thức liên kết đầu tư xây dựng, Trung tâm văn hóa – Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh đã “xẻ thịt” hàng ngàn m2 đất công cho một doanh nghiệp thuê kinh doanh dịch vụ cà phê với thời hạn 20 năm khiến cho dư luận bức xúc.
“Xẻ thịt” đất công
Thời gian qua, Thời báo Doanh nhân nhận được phản ánh của người dân về việc Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Hà Tĩnh cho doanh nghiệp thuê hàng ngàn m2 đất công sản tại số 21 đường Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) để mở quán cà phê khi chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép.
Được biết, quán cà phê này xây dựng kiên cố, với quy mô rộng lớn trên diện tích 2.500 m2 đất công thuộc Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Hà Tĩnh quản lý. Bên cạnh việc sử dụng diện tích trên để kinh doanh dịch vụ giải khát, quán cà phê này còn tận dụng hàng ngàn m2 đất sân bãi của trung tâm để làm bãi đỗ xe cho khách hàng.
Theo tìm hiểu của pv về nguồn gốc khu đất, năm 2000 UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho Sở Văn hóa thông tin xây dựng Trung tâm Văn hóa với tổng diện tích đất 18.600m2 trên khu đất trước đây là khuôn viên nhà hát nhân dân cũ, đất thu hồi của 12 hộ gia đình thuộc phường Bắc Hà và đất ao hồ, giao thông. Đây là đơn vị hành chính sự nghiệp nên được nhà nước miễn trừ thu tiền sử dụng đất.
Được biết, mặt bằng quy hoạch khu đất xây dựng Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh được UBND tỉnh Hà Tĩnh duyệt ngày 22/3/1999, với mục đích sử dụng là xây dựng Trung tâm Văn hóa tỉnh với thời gian ổn định lâu dài. Thế nhưng ngày 1/4/2018, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Hà Tĩnh đã ký hợp đồng số 19 bằng phương thức hợp tác, liên kết đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí, thể dục, giải khát với Công ty CP Xây dựng công trình JP38 trên khu đất phía sau trung tâm.
Để ký được bản hợp đồng này, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Hà Tĩnh đã trích dẫn hàng loạt căn cứ của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở VH –TDTT, tờ trình của Công ty JP38… cùng nhiều điều khoản và điều kiện hợp đồng như: Quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh được UBND Thành phố phê duyệt năm 2017; biên bản họp liên ngành ngày 06/06/2017 về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh; công văn 4917 của UBND tỉnh ký ngày 07/08/2017 có ý kiến kết luận sử dụng đất khu vực phía sau của Trung tâm; CV số 66 ngày 24/01/2018 của Sở VH-TT-DL về việc sử dụng khu vực phía sau để kinh doanh dịch vụ.
Điều đáng nói, mặc dù hợp đồng liên doanh liên kết nhưng Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Hà Tĩnh đã yêu cầu bên A (Công ty JP38) tự bỏ 100% vốn đầu tư xây dựng công trình và tự đưa vào sử dụng, thời hạn hợp đồng lên đến 20 năm và thu tiền “thuê đất” hàng năm với mức giá tăng dần theo thời gian.
Trao đổi với pv, ông Mai Quốc Quyền – Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi liên kết với Công ty JP38 đã được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh, cơ quan chủ quản là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan. Nếu không đồng ý sao chúng tôi dám làm. Đây là cơ quan tự chủ nên chúng tôi cần tận dụng các nguồn thu để đạt được chỉ tiêu cấp trên giao khoán”.
Ông Quyền cũng thừa nhân, mỗi tháng Công ty JP38 phải đóng nộp cho Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh với mức tiền từ 8,8 triệu đồng cho đến 14,3 triệu đồng, tăng dần theo thời gian. Đến thời điểm tháng 2/2019, Công ty JP38 đã chuyển vào tài khoản vào tài khoản trung tâm số tiền 132 triệu đồng của năm 2019.
Ai chống lưng cho sai phạm?
Trước những sai phạm nghiệm trọng trong quản lý, sử dụng đất công sản tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, dư luận đặt ra nghi vấn là đơn vị này đang dựa vào tấm “bùa hộ mệnh” là công văn số 4917/UBND – XD do ông Lê Minh Đạo, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh ký ngày 07/8/2017 thống nhất các nội dung theo đề nghị của Sở Xây dựng? Ngoài ra, Sở Văn hóa TT&DL Hà Tĩnh ban hành văn bản số 66 ngày 24/01/2018 về việc đồng ý cho Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh sử dụng khu đất đó có đúng với thẩm quyền? Đồng thời, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng cho dự án này đã đúng quy trình chưa?
Trao đổi với pv, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho biết: “Họ (Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh – PV) đang “lách luật” nhưng lách không đúng bởi số tiền được gọi là hỗ trợi tài chính đó hoàn toàn bằng cảm quan, không có cơ sở tính toán lợi tức của việc liên kết. Thứ hai, việc bên A bỏ vốn đầu tư 100% và không chia lợi tức cho bên B trong quá trình hoạt động thì không thể gọi là hợp tác. Thứ ba, UBND tỉnh thống nhất và giao các cơ quan liên quan cho phép Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tổ chức trước hết là các hoạt động rèn luyện thể thao, nâng cao thể chất sau mới đến dịch vụ giải khát”.
Liên quan đến vấn đề này, một cán bộ Sở Tài chính Hà Tĩnh chia sẻ: “Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh cho thuê đất lên đến 20 năm là trái thẩm quyền. Đây là đất công, phải thực hiện theo quy định của Luật quản lý sử dụng tài sản công. Về nguyên tắc, nếu Trung tâm không có nhu cầu sử dụng, UBND tỉnh có thể thu hồi, định giá đất để thực hiện đấu thầu hoặc lựa chọn nhà thầu và thực hiện các bước cho thuê đất. Ngoài ra, cần điều chỉnh quy hoạch, xin chủ trương đầu tư dự án, bổ sung kế hoạch sử dụng đất, cam kết bảo vệ môi trường. Để triển khai được một dự án liên quan đến đất công sản cần nhiều cơ quan liên quan thực thi. Đặc biệt về tài sản công, vai trò của Sở Tài chính là chủ chốt, tuy nhiên về việc này chúng tôi không hề hay biết”.
Liên quan đến tài sản công, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan siết chặt việc quản lý, cho thuê đất công sản trái phép. Thế nhưng, không biết có ai “chống lưng, tiếp tay” mà Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Hà Tĩnh đã “phớt lờ” ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, ngang nhiên “xẻ thịt” hàng ngàn m2 đất công cho doanh nghiệp thuê với giá rẻ như cho.
Thời báo Doanh nhân sẽ tiếp tục thông tin.
Quốc Kỳ