Ông Đỗ Văn Giang – phó vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy – Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – thương binh và xã hội) đã nhận định như vậy trong buổi tư vấn tuyển sinh tại Phú Yên sáng nay 3-3.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – thương binh và xã hội), Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Phú Yên và Trường ĐH Phú Yên phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Nên chọn bậc học phù hợp với năng lực, sở thích
Theo ông Đỗ Văn Giang, thực tế nhiều năm nay rất nhiều học sinh sau khi học xong THPT chọn ngành, chọn trường theo tâm lý đám đông, nhóm này nhóm kia, thích trường này trường kia…, không quan tâm đến việc lựa chọn đó có phù hợp với năng lực của mình hay không.
“Đây là điều rất không nên. Các em cần lắng nghe người khác và chính mình, suy nghĩ thật kỹ, tìm hiểu thật kỹ để chọn đúng ngành nghề, đúng trường và đặc biệt là chọn đúng bậc học phù hợp với năng lực và đam mê của mình”, ông Giang khuyên.
Cũng theo ông Giang, hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay đào tạo các bậc học sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Các trường xét tuyển theo nhiều phương thức đa dạng: học bạ, điểm thi THPT quốc gia, thi tuyển (chủ yếu khối ngành văn hóa nghệ thuật) hoặc kết hợp cả thi và xét tuyển.
Đối tượng tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp là thí sinh đã tốt nghiệp từ THCS trở lên. Khi vào học trung cấp, học sinh có thể học liên thông lên các bậc cao hơn. Hiện có hơn 600 ngành CĐ và 700 ngành bậc trung cấp. Thời gian đào tạo trung cấp từ 1-2 năm và CĐ 2-3 năm. Chi phí học tập thấp hơn và cơ hội việc làm cũng nhiều hơn do chương trình đào tạo chú trọng trang bị kỹ năng thực hành cho người học.
Trong khi đó, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – cũng cho rằng một trong những nguyên nhân thí sinh có điểm cao nhưng không trúng tuyển ĐH được do chọn sai nguyện vọng.
“Điều này chứng tỏ các em chưa xác định được nghề nghiệp mình chọn trong tương lại. Khi đăng ký các em không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Bên cạnh đó, các em cần cân nhắc rất kỹ khi đăng ký thứ tự ưu tiên các nguyện vọng vì khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển các nguyện vọng sau. Nếu thí sinh trúng tuyển không nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản chính các trường sẽ coi như thí sinh từ chối nhập học và hủy kết quả”, thầy Hùng lưu ý.
Trúng tuyển phải nộp bản chính chứng nhận kết quả thi
ThS Hoàng Thúy Nga – chuyên viên chính Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) – cũng lưu ý thí sinh năm nay tất cả các trường tuyển sinh dù bằng hình thức nào đều phải thu giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia bản chính nếu thí sinh trúng tuyển đến nhập học.
“Mỗi thí sinh sau khi thi THPT quốc gia có kết quả sẽ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi. Khi trúng tuyển vào và nhập học trường nào các em phải nộp giấy này cho nhà trường để xác nhận nhập học và sẽ không được tiếp tục đăng ký xét tuyển vào trường khác nữa ở tất cả các hình thức tuyển sinh khác”, cô Nga lưu ý.
Trong tuyển sinh ĐH năm nay sẽ thực hiện theo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018 tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH. Các trường được tự chủ hoàn toàn trong việc quyết định các phương thức tuyển sinh theo quy chế hiện hành.
Các trường có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia trong xét tuyển đợt 1 sẽ phải thực hiện theo cùng quy trình, thời gian theo quy định của bộ. Bộ GD-ĐT cũng sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành sư phạm và các ngành khoa học sức khỏe có chứng chỉ hành nghề (năm ngoái chỉ quy định ngưỡng này đối với các ngành sư phạm).
Bên cạnh đó, đối với thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành khoa học sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề (y khoa, dược học, y học cổ truyền…) phải có học bạ lớp 12 loại khá, giỏi trở lên.
Đến nghe tư vấn, nhiều học sinh bày tỏ băn khoăn: “Sắp đến kỳ thi và thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển rồi nhưng hiện em cũng như nhiều bạn vẫn còn nhiều băn khoăn trong việc chọn trường, chọn ngành. Việc chọn các trường đại học ở địa phương sau này sinh viên có thể thành công và dễ kiếm việc làm so với các bạn học ở TP.HCM?”
Chia sẻ với học sinh quan tâm tới việc làm, TS Trần Lăng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên cho biết hiện ngành du lịch đang phát triển mạnh ở Phú Yên nên nhà trường chú trọng đào tạo ba ngành: ngôn ngữ Anh, công nghệ thông tin và văn hóa du lịch.
“Nếu yêu thích và chọn theo học các ngành này tại trường chắc chắn sẽ có cơ hội việc làm tốt tại các đơn vị doanh nghiệp ở tỉnh nhà”, thầy Lăng khẳng định.
Học sinh Phú Yên cần chú ý môn sử và ngoại ngữ
Tại buổi tư vấn, sau khi chia sẻ các thông tin kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ trong cả nước trong mùa tuyển sinh trước, TS Lê Thị Thanh Mai – ĐH Quốc gia TP.HCM nhắc nhở thí sinh:
“Điểm bình quân ba môn toán, lý, hóa của học sinh Phú Yên dưới 5 điểm. Chỉ có ba môn văn, địa và giáo dục công dân của học sinh trong kỳ thi năm 2018 đạt trên 5 điểm. Đặc biệt hai môn ngoại ngữ và sử điểm bình quân học sinh năm trước của tỉnh rất thấp. Do đó năm nay các em không được chủ quan với hai môn này”.