Ám ảnh tập tục “Ngày kiêng gió” của người Dao ở Bắc Kạn

Nặm Tốc mịt mùng sương với những ngôi nhà đóng im lìm trong ngày kiêng gió.

Tháng Giêng, khi lộc biếc đâm chồi, đào phai khoe sắc, nhà nhà gói bánh, mổ lợn đón xuân, nơi nơi dập dìu mùa hội thì ở bản người Dao Năm Tốc thuộc xã Đôn Phong (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) lại có một ngày hết sức lạ kỳ, ngày mà cả bản không có lấy một bóng người đi lại, ấy là ngày kiêng gió tháng giêng.

Chúng tôi đến bản người Dao Năm Tốc (xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) vào ngày kiêng gió tháng giêng.

Từ trên cao nhìn xuống, con đường dẫn lên bản lúc này chỉ còn là một vệt mờ nhỏ lẫn vào sương đặc quánh. Sương chạy tràn trên những đọt cây đã bị bọc kín bởi băng giá, như thể được người ta kì công bọc lại từng cành bằng một lớp pha lê hay thủy tinh tại các cửa hàng lưu niệm. Lúc này đã 10 giờ trưa, chúng tôi vẫn rờ rẫm trong mù mịt sương, người bần bật rung lên bởi những cơn gió ma quái hú luồn bỡn cợt. Lên Năm Tốc những ngày này là thế.

Nặm Tốc mịt mùng sương với những ngôi nhà đóng im lìm trong ngày kiêng gió.
Nặm Tốc mịt mùng sương với những ngôi nhà đóng im lìm trong ngày kiêng gió.

Ngôi nhà đầu tiên hiện ra lờ mờ trước mắt, gần hơn chút nữa thì thấy cửa đóng then cài. Rồi ngôi nhà thứ hai, ngôi nhà thứ ba… ngôi nhà cuối cùng của bản, tất cả đều giống nhau, im lìm đóng cửa. Bản Năm Tốc dường như đã lâu không có người sinh sống. Nét cổ kính từ những ngôi nhà truyền thống của đồng bào Dao nơi đây khi được bao phủ bởi mịt mùng sương giăng lại càng thêm cảm giác trầm buồn, khó tả.

Chúng tôi rón rén lại gần ngôi nhà của trưởng thôn Bàn Văn Tuân, mà trước đó chúng tôi đã từng lên. Mới khẽ đưa tay, chưa kịp gõ thì cánh của đã nhẹ mở, chừng như chủ nhà – anh Bàn Văn Tuân, đã đợi khách từ lâu. Kéo chúng tôi vào nhà, cánh cửa lại được nhẹ nhàng đóng lại.

Trong nhà, bếp lửa nguội ngắt, nước pha trà cũng nguội, chỉ có bát rượu trước mặt mà Tuân rót là thứ duy nhất có thể giúp chúng tôi bớt lạnh lúc này. Chủ nhà cùng chúng tôi trao đổi với nhau bằng thứ âm thanh nhẹ mỏng như từ cõi âm vọng về, hết sức ma mị, những thanh âm chỉ đủ để người đối diện tiếp nhận thông tin. Tuân bảo, lên đúng ngày này không thấy ai đâu, hôm nay là ngày kiêng gió đấy. “Bà con hôm nay bỏ hết công, hết việc chỉ để ở nhà vùi chăn thôi. Là vì không dám gây tiếng động, sợ ‘ông gió’ quở trách rồi mang họa vào thân”, anh Bàn Văn Tuân thì thầm.

Để “mục sở thị” cũng như tìm hiểu kỹ hơn về cái ngày kỳ lạ này, chúng tôi đã tìm đến nhà Lý Văn Sếnh ở đầu bản. Anh Sếnh vốn người Tày gốc Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) chuyển về Nặm Tốc từ năm 1996. Theo anh Sếnh, Nặm Tốc mới thành bản cách đây khoảng chừng 20 năm, đa phần các hộ từ Cao Bằng chuyển về.

Vợ chồng Lý Văn Sếnh nói về ngày kiêng gió bên bếp lửa bập bùng.
Vợ chồng Lý Văn Sếnh nói về ngày kiêng gió bên bếp lửa bập bùng.

Khi chúng tôi hỏi chuyện nguồn gốc của ngày kiêng gió, cả mẹ vợ Sếnh, cả Sếnh và Bàn Văn Tuân đều không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, theo tập tục nơi đây, đồng bào Dao ở Nặm Tốc kiêng gió vào hai ngày chính là ngày gió đi (ngày 20 tháng giêng) và ngày gió về (ngày 20 tháng 2).

“Đã kiêng là phải kiêng hết ngày. Vào hai ngày đó, người dân nơi đây không ra đường, không làm việc và không nói to, không gây tiếng động”, Lý Văn Sếnh khẳng định.

“Nếu không kiêng được thì có làm sao không?”, tôi buột miệng.

“Có chứ, sợ lắm! nếu không kiêng sẽ…”

Mẹ vợ Sếnh, bà Triệu Thị Liều cầm cái cặp đang cời than bên bếp thốt lên:

“Không kiêng không được ớ. Đấy, như nhà ông Đeng ấy, tưởng hết ngày rồi, nó không kiêng nữa, thế là năm ấy ‘ông gió’ lật mái nhà nó nhấc đi cả trăm mét!”.

“Thật đấy, hai nhà liền kề là nhà ông Bàn Văn Đeng và nhà ông Triệu Tiến Long, nhà ông Long cũ hơn nhà Đeng nhưng ông Long kiêng được, đêm ấy nhà ông Long có bị làm sao đâu. Rồi còn nhiều, nhiều nữa… như trường học, không kiêng cũng bị tốc mái đó thôi”, Lý Văn Sếnh nói thêm.

Sếnh bảo, chỉ biết từ xa xưa dặn lại là phải kiêng thôi, nhà nào không kiêng đều gặp họa nên cứ thế mà làm theo, chứ cũng chưa nghe ai kể về gốc tích của ngày này bao giờ…

Rời nhà Sếnh, chúng tôi về lại TP.Bắc Kạn cũng là khi trời đã về chiều, ấy mà sương vẫn chưa tan hết, trời vẫn âm u, gió từng đợt rít hú như dọa dẫm những phận người hiền lành mong manh trên non cao này. Hôm nay là ngày gió đi, mà sao như gió vẫn quanh quẩn chốn này đến bầm mặt, rát người?!

Trao đổi cùng nhà thơ người dân tộc Dao, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Triệu Kim Văn, ông cho biết, đồng bào Dao một số nơi có tục kiêng gió. Vào ngày ấy, người ta lấy cây lau tết lá buộc ngọn rồi buộc vào cây cột chính trong nhà. Ngoài ra, ở lối vào, bên ngoài nhà, người Dao còn chôn nửa ngọn lau được tết lại rồi làm lễ cúng. Tuy nhiên, với tục kiêng gió của người Dao ở Nặm Tốc, hoặc một số ngành Dao khác, ông cũng chưa tìm ra nguồn gốc hay một truyền thuyết nào lý giải cho tập tục này.

Theo danviet.vn

Để lại một bình luận