TTO – Không ‘công khai’ nói xấu trường trên Facebook, sinh viên vẫn có thể tạo nick ảo nói xấu thì nhà trường xử lý ra sao?
Đó là ý kiến của chuyên gia xung quanh vụ Trường ĐH Tài chính – marketing ban hành Quy tắc ứng xử của người học trong nhà trường, trong đó cấm sinh viên “nói xấu” nhà trường trên mạng.
Chuyên gia cũng cho rằng nhà trường nên tạo kênh để sinh viên góp ý, có vậy giảng viên, nhà trường mới biết sinh viên đang bức xúc việc gì để điều chỉnh.
“Giúp người học nâng cao ý thức bản thân”
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online, TS Lê Trung Đạo – phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – marketing, cho biết nhà trường ban hành quy tắc ứng xử của người học trong nhà trường theo thông tư của Bộ GD-ĐT về quy chế công tác sinh viên và chỉ đạo của bộ về việc đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong học đường.
“Mục đích của việc ban hành quy tắc này nhằm thực hiện văn hóa ứng xử trong nhà trường, giúp người học nâng cao ý thức bản thân, trách nhiệm với cộng đồng, xây dựng tính kỷ cương, nề nếp; xây dựng môi trường học tập lành mạnh, thân thiện”, ông Đạo chia sẻ.
Đồng thời, theo lãnh đạo nhà trường, quy tắc này là cơ sở để giám sát người học trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và các quy chế, quy định của Bộ GD-ĐT và nhà trường.
TS Lê Trung Đạo cho biết thêm: “Bộ GD-ĐT đã có yêu cầu các trường phải xây dựng quy tắc ứng xử trong trường. Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng chỉ đạo các trường hướng dẫn sinh viên hạn chế lên mạng để đăng tin và bình luận không mang tính xây dựng, xúc phạm tổ chức, cá nhân”.
Nên vận động, tuyên truyền thì ổn hơn
Theo TS Đinh Thị Thanh Nga – giảng viên khoa luật, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng tất cả sinh viên đều đã ở tuổi thành niên nên nhà trường cần đối với với sinh viên như là một công dân bình thường.
Hiện nay pháp luật và cả quy chế công tác sinh viên của Bộ GD-ĐT đều có quy định rất đầy đủ các nội dung để xứ lý những người vi phạm. Nếu sinh viên vi phạm quy định của luật thì xử theo luật.
Trường hợp nhà trường muốn đưa ra thêm các quy định riêng thì không được trái với các quy định của luật và quy chế của Bộ GD-ĐT. Pháp luật không hạn chế quyền gì của công dân thì nhà trường khi ban hành nội quy, quy tắc cũng không được hạn chế quyền đó của sinh viên.
“Bộ quy tắc này cũng có thể ban hành dưới dạng khuyến nghị nhưng không thể áp dụng như quy chế của bộ. Tôi nghĩ là có bộ quy tắc cũng tốt nhưng các quy định không nên mang tính áp đặt một chiều. Điều không ổn ở đây không phải là bộ quy tắc ứng xử mà là nội dung của nó và cách thức áp dụng chưa phù hợp”, bà Nga nhận định.
ThS Nguyễn Văn Toàn – trưởng phòng công tác chính trị sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin – ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng có thể quy tắc trên đúng quy định nhưng như vậy thì hơi nặng nề quá. Đó là chưa kể nếu sinh viên muốn ‘nói xấu’ trường cũng có thể tạo nick ảo nói thì sao trường biết mà xử?
“Theo tôi nhà trường phải tạo ưu thế trước, tạo ra các kênh để sinh viên lên đó phản ảnh, bày tỏ ý kiến, đồng thời bắt buộc các đơn vị của trường phải có trách nhiệm trả lời phản ảnh của sinh viên trong vòng ba ngày. Sinh viên phải được góp ý nhà trường chứ, có vậy giảng viên, nhà trường mới biết sinh viên đang bức xúc việc gì để điều chỉnh”, ông Toàn nói.
Bộ quy tắc không phải là văn bản pháp quy
Luật sư Trương Xuân Tám cho rằng bộ quy tắc của Trường ĐH Tài chính – marketing không phải là văn bản pháp quy mà chỉ là bộ quy tắc ứng xử, đạo đức áp dụng trong phạm vi nhà trường.
Thông thường, mỗi ngành nghề, tổ chức có bộ quy tắc đạo đức riêng miễn sao không trái với pháp luật.
“Đọc qua nội dung của bộ quy tắc trên không có vấn đề gì quá hà khắc. Chỉ sợ trường hợp nhà trường áp dụng quy tắc này để xử phạt sinh viên vi phạm như đuổi học chẳng hạn, nếu làm vậy là không được. Đồng thời, bộ quy tắc này không thể thay thế nội quy của nhà trường.
Khi trường đã đặt ra quy tắc ứng xử cũng cần có bộ phận giám sát việc thực hiện cũng là điều cần thiết nhưng cũng chỉ để giáo dục, hướng sinh viên tới những chuẩn mực ứng xử nhưng không được bắt buộc phải thực hiện như quy chế”, ông Tám nói.
TRẦN HUỲNH