Nhập khẩu hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng nhiều mặt hàng lại mượn xuất xứ Việt Nam để lừa người tiêu dùng.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đang ngày một tăng. Hàng nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi “miễn phí” và bất hợp pháp từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu. Việc này, theo Cục Xuất nhập khẩu, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và tác động đến sản xuất trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Vietnam”.
Trong khi đó, các nước phát triển đều có quy định việc ghi nhãn nước sản xuất, nhằm bảo vệ hàng hoá và thương hiệu sản xuất trong nước. Với mặt hàng cần bảo hộ hoặc đã xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế, các nước quy định tiêu chí cho một số sản phẩm cụ thể, như Thụy Sỹ với đồng hồ, Mỹ với ôtô, dệt may; hay New Zealand với rượu vang…
Hoặc hành vi cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hoá cũng bị xử phạt nặng tại các nước. Chẳng hạn, theo quy định của Italy, tổ chức, cá nhân gắn nhãn “made in Italy” vào sản phẩm đồ da không đáp ứng tiêu chí sản xuất tại đây có thể phải nộp phạt tới 100.000 euro. Còn tại Canada, nhà sản xuất có thể bị phạt hành chính tới 15 triệu đôla Canada hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm ghi nhãn hàng hoá.
Còn tại Việt Nam, các quy định hiện hành điều chỉnh chủ yếu ở nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu. Khái niệm “hàng hóa Việt Nam” cũng được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, như hàng có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; hoặc hàng có công đoạn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam.
Do đó, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai và trên nguyên tắc chứng minh được tiêu chí hàng trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam. Cơ quan này cũng khuyến cáo cần sớm hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất “Made in Vietnam”, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường.
(Theo Anh Minh, VnExpress)